EU tìm cách ngăn chặn sự thâu tóm các doanh nghiệp chiến lược

EU đang lo ngại trước thực trạng nhiều công ty của châu Âu bị bên ngoài thâu tóm, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực chiến lược.
EU tìm cách ngăn chặn sự thâu tóm các doanh nghiệp chiến lược ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: dw.com)

Ngày 9/11, Ủy viên châu Âu phụ trách thương mại Cecilia Malmström cho biết Liên minh châu Âu (EU) dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ đưa ra một khuôn khổ chung về kiểm soát đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh các nước thành viên đang lo ngại trước thực trạng nhiều công ty của châu Âu bị bên ngoài thâu tóm, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực chiến lược.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, trước thềm cuộc họp với bộ trưởng thương mại các nước EU tại thủ đô Brussels của Bỉ, bà Malmström đánh giá triển vọng đạt được sự thống nhất trên vấn đề này từ nay đến cuối năm là khả thi.

Pháp, Đức và trước đây là cả Italy đều bày tỏ lo ngại việc các tập đoàn nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ phải bỏ ra chi phí ít nhất và với cách mà EU cho là không công bằng để có thể sở hữu các bí quyết và công nghệ then chốt thông qua việc mua lại các doanh nghiệp châu Âu.

[Vì sao mâu thuẫn giữa Trung Quốc với EU dần tăng nhiệt? ]

Từ lâu, các nước thành viên đã kêu gọi EU phải đưa ra một khung pháp lý nhằm loại bỏ những giao dịch đáng ngờ. Nhưng một số quốc gia tự do vẫn tỏ ra e ngại trước việc thành lập một cơ chế mang tính chất "sàng lọc" như trên.

Dưới áp lực của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, hồi tháng 9/2017, Ủy ban châu Âu đã công bố một đề xuất với một phạm vi giới hạn nhằm thiết lập một khuôn khổ châu Âu thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên.

Theo bà Malmström, đây là một cách để các nước thành viên gặp gỡ, điều phối và thảo luận về các khoản đầu tư từ các đối tác không thuộc châu Âu trong các lĩnh vực then chốt.

Bà nhấn mạnh sự lựa chọn cuối cùng sẽ tùy thuộc vào các nước thành viên có liên quan.

Các cuộc đàm phán giữa Ủy ban châu Âu, các quốc gia thành viên và Nghị viện châu Âu nhằm hoàn thiện các nội dung của bản dự thảo thỏa thuận sẽ được tiếp tục trong tháng 11./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục