TP Hồ Chí Minh duy trì 3.000 giường thở oxy đáp ứng tiêu chí Bộ Y tế

Chiều 7/10, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, các bệnh viện cấp thành phố cũng như quận, huyện sẽ được trả lại công năng theo đúng lộ trình; Thành phố sẽ giữ lại 3.000 giường oxy và 900 giường hồi sức để đáp ứng các tiêu chí của Bộ Y tế.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, vào thời điểm số ca bệnh tại TP Hồ Chí Minh tăng lên rất cao, để đáp ứng nhu cầu điều trị, Thành phố đã mở ra rất nhiều bệnh viện thu dung điều trị, do đó cần một lực lượng nhân lực lớn. Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã huy động lực lượng cán bộ, nhân viên y tế ở các tỉnh phía Bắc vào chi viện và hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, hiện số ca mắc tại thành phố đã giảm, số ca xuất viện cao hơn số ca nhập viện, Sở Y tế đang thu gọn lại các bệnh viện dã chiến, nên trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ rút lực lượng y tế vào chi viện cho Thành phố.

Chú thích ảnh
Ngành y tế TP Hồ Chí Minh khẳng định đảm đương được nhiệm vụ khi lực lượng y tế chi viện cho Thành phố rút quân.

“Mặc dù số lượng bệnh nhân không nhiều nhưng các bệnh viện thu dung điều trị vẫn còn đang duy trì hoạt động; lực lượng y, bác sĩ tại thành phố cũng tỏa đi các đơn vị này đầy đủ. Do đó, khi lực lượng chi viện được Bộ Y tế rút, Thành phố vẫn đảm đương được nhiệm vụ mới và thực hiện theo lộ trình”, bà Mai khẳng định.

“Ngành y tế sẽ củng cố chất lượng điều trị của các hệ thống để đảm bảo tối thiểu 900 giường hồi sức (ICU) có đủ máy thở, monitor và 3.000 giường thở oxy để đáp ứng các tiêu chí của Bộ Y tế”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết thêm.

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, từ lâu, Thành phố đã chuẩn bị cho tình huống lực lượng chi viện rút quân. Ngay từ khi lực lượng chi viện mới vào, Thành phố đã tính toán cho việc khi giãn dịch, các hoạt động đó sẽ ra sao.

Theo đó, hàng ngày, Sở Y tế tổ chức giao ban với các tầng để nâng cao năng lực điều trị của từng bệnh viện và từng cá thể tham gia. Trong quá trình giao ban, các bên học tập lẫn nhau và có nhận thức cũng như tập huấn về việc chuyển tuyến giữa 3 tầng điều trị. Toàn bộ nhân viên của ngành y tế khi tham gia điều trị COVID-19 đều được các bệnh viện tập huấn, đào tạo để sẵn sàng tiếp nhận công việc khi các đội ngũ chi viện rút đi.

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đang cùng các Sở, ngành tham mưu cho UBND TP Hồ Chí Minh theo hướng tái cấu trúc ngành y tế; các bệnh viện cấp thành phố cũng như quận, huyện sẽ được trả lại công năng theo đúng lộ trình.

Về các yếu tố đánh giá kiểm soát dịch, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung Tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, ngoài chỉ số test nhanh còn phụ thuộc vào rất nhiều chỉ số khác; trong đó, số ca bệnh PCR dương tính do Bộ Y tế công bố hàng ngày, số bệnh nhân nhập viện, bệnh nhân xuất viện, bệnh nhân nặng, tỷ lệ tiêm vaccine tại thành phố…

 Tối 7/10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 1.730 trường hợp mắc mới tại TP Hồ Chí Minh. Như vậy, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã có tổng cộng 401.767 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố.

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
Ngày 7/10, Việt Nam ghi nhận 4.150 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, có 120 ca tử vong
Ngày 7/10, Việt Nam ghi nhận 4.150 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, có 120 ca tử vong

Tính từ 17 giờ ngày 6/10 đến 17 giờ ngày 7/10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.150 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, trong ngày có 120 ca tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN