Tổng hợp COVID-19 ngày 6/10: Số ca xuất viện tăng mạnh; người có ‘thẻ xanh COVID-19’ tự cách ly 7 ngày khi về quê

Số ca xuất viện đã tăng hơn gấp đôi so với số ca mắc COVID-19 mới; người tiêm đủ liều vaccine trở về từ vùng dịch sẽ tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày; từ ngày 10/10, TP Hồ Chí Minh chấm dứt hiệu lực giấy nhận diện phương tiện bằng mã QR và trước ngày 15/10, các đoàn y tế hỗ trợ của các địa phương sẽ rút khỏi TP Hồ Chí Minh… là những tin nổi bật trong ngày 6/10.

Ngày 6/10, Việt Nam ghi nhận 4.363 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, có 10.033 bệnh nhân khỏi bệnh

Ngày 6/10, Việt Nam ghi nhận 4.363 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, tại 40 tỉnh, thành phố. Trong ngày có 10.033 bệnh nhân khỏi bệnh.

Chú thích ảnh
Trong ngày 6/10, Việt Nam có 10.033 bệnh nhân khỏi bệnh (ảnh minh hoạ).

Trong số các ca nhiễm mới có 7 ca nhập cảnh và 4.356 ca ghi nhận trong nước (giảm 4 ca so với ngày trước đó) tại 40 tỉnh, thành phố (có 2.223 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh gồm: TP Hồ Chí Minh (1.960 ca), Bình Dương (852 ca), Đồng Nai (534 ca), An Giang (180 ca), Kiên Giang (79 ca), Long An (74 ca), Tiền Giang (72 ca), Bình Thuận (60 ca), Đắk Lắk (58 ca), Trà Vinh (52 ca), Khánh Hòa (47 ca), Đồng Tháp (47 ca), Cần Thơ (44 ca), Tây Ninh (41 ca), Bạc Liêu (32 ca), Hà Nam (25 ca), Cà Mau (22 ca), Bến Tre (21 ca), Vĩnh Long (20 ca), Gia Lai (20 ca), Bình Định (18 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (17 ca), Ninh Thuận (14 ca), Hà Nội (9 ca), Quảng Nam (8 ca), Đắk Nông (7 ca), Quảng Ngãi (7 ca), Quảng Bình (7 ca), Bình Phước (5 ca), Thừa Thiên Huế (5 ca), Nghệ An (5 ca), Kon Tum (4 ca), Thanh Hóa (2 ca), Nam Định (2 ca), Lạng Sơn (1 ca), Sơn La (1 ca), Ninh Bình (1 ca), Hà Tĩnh (1 ca), Phú Yên (1 ca), Đà Nẵng (1 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Bình Dương (giảm 255 ca), Đồng Nai (giảm 119 ca), Bình Thuận (giảm 89 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: TP Hồ Chí Minh (469 ca), Đắk Lắk (50 ca), Trà Vinh (42 ca).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 5.689 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 822.687 ca nhiễm, đứng thứ 43/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.357 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 818.091 ca, trong đó có 751.907 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 11/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Thái Bình, Lào Cai.

Có 7 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Bắc Ninh, Lạng Sơn.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: TP Hồ Chí Minh (403.454 ca), Bình Dương (218.812 ca), Đồng Nai (52.551 ca), Long An (33.015 ca), Tiền Giang (14.303 ca).

Trong ngày 6/10, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 10.033 ca.

Tổng số ca được điều trị khỏi là 757.086.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.743 ca.

Trong ngày 6/9, cả nước ghi nhận 119 ca tử vong tại: TP. Hồ Chí Minh (88 ca), Bình Dương (16 ca), Tiền Giang (2 ca), Long An (2 ca), Đồng Nai (2 ca), Đồng Tháp (2 ca), Tây Ninh (2 ca), An Giang (2 ca), Bình Định (1 ca), Cần Thơ (1 ca), Kiên Giang (1 ca).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 136 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.098 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 135/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Người tiêm đủ liều vaccine trở về từ vùng dịch tự theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày

Ngày 6/10, Bộ Y tế đã có công văn về việc áp dụng biện pháp phòng, chống dịch đối với người về từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, trong đó nêu rõ người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi COVID-19 tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm ngày đầu.

Chú thích ảnh
Người dân lên tàu về quê. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

UBND các tỉnh, thành phố tiếp nhận người về từ Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An chỉ đạo thực hiện việc cách ly và xét nghiệm cho người dân cụ thể: Tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh) cho tất cả những người về từ Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An vào ngày đầu tiên khi tiếp nhận. Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì xử lý theo quy định.

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh thành phố chỉ đạo Sở Y tế, UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức tiếp nhận, quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát những người thực hiện cách ly, tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú trên địa bàn.

Về việc cách ly đối với người về từ Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bộ Y tế cho biết, những người đã tiêm đủ liều vaccine COVID-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19):

Tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày về địa phương và luôn thực hiện Thông điệp 5K; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất; nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định.

Những người tiêm chưa đủ liều vaccine phòng COVID-19 (thẻ vàng trên Sổ Sức khoẻ điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm chủng của cơ quan có thẩm quyền cấp) thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo và luôn thực hiện Thông điệp 5K; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 kể từ ngày về địa phương.

Những người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19, thực hiện cách ly 14 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo và luôn thực hiện Thông điệp 5K; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ ngày về địa phương.

Trước ngày 15/10, các đoàn y tế hỗ trợ của các địa phương sẽ rút khỏi TP Hồ Chí Minh

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND TP Hồ Chí Minh về việc sắp xếp để nhân lực hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 được trở về địa phương công tác.

Theo đó, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo cho nhu cầu phòng chống dịch, Chính phủ, Bộ Y tế đã huy động nguồn lực y tế từ các địa phương, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế và các cơ sở giáo dục Đại học Y, Dược tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại TP Hồ Chí Minh. Nhiều đoàn công tác từ các địa phương đã tham gia hỗ trợ TP Hồ Chí Minh liên tục từ tháng 7 đến nay.

Theo Bộ Y tế, hiện nay, tình hình dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh đã có nhiều chuyển biến tích cực và Thành phố đã cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh. UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị số 18 về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố.

Trước tình hình mới như hiện nay, ngày 6/10, để đảm bảo sức khỏe cho cán bộ viên chức y tế, đồng thời bảo đảm về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ viên chức y tế tại các địa phương, đơn vị, Bộ Y tế đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Y tế, các cơ quan chuyên môn của Thành phố và UBND quận huyện, thành phố Thủ Đức bố trí sắp xếp và tạo điều kiện hỗ trợ thủ tục cần thiết để các đoàn cán bộ viên chức y tế của các địa phương, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch tại TP Hồ Chí Minh được về địa phương đơn vị công tác chậm nhất trước ngày 15/10/2021.

TP Hồ Chí Minh tuyên dương 43 tập thể, 100 cá nhân đã tích cực tham gia chống dịch

Ngày 6/10, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ tuyên dương đoàn công tác tăng cường và tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh tuyên dương các cá nhân đã tích cực tham gia chống dịch. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Theo đó, 43 tập thể được UBND TP Hồ Chí Minh trao bằng khen và 100 cá nhân được trao Huy hiệu TP Hồ Chí Minh vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, sau hơn 4 tháng căng mình chống dịch, đến nay TP Hồ Chí Minh đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, tỉ lệ người dân tiêm vaccine đã tăng cao, số ca tử vong được kéo giảm… tạo điều kiện từng bước mở lại các hoạt động để ổn định xã hội, khôi phục phát triển kinh tế. TP Hồ Chí Minh đang lấy lại sức sống và nhịp đập trái tim của một cơ thể đang hồi sinh. Thành quả đó có được là nhờ sự chỉ đạo của Trung ương, các cấp của Thành phố, của ý thức và sự kiên trì của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là sự đóng góp to lớn của các lực lượng chi viện từ mọi miền đất nước.

Thay mặt chính quyền và nhân dân thành phố, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã bày tỏ lòng trân quý, sự cảm kích và gửi lời cảm ơn sâu sắc đến đoàn công tác tăng cường đã tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn.

Từ ngày 10/10, TP Hồ Chí Minh chấm dứt hiệu lực giấy nhận diện phương tiện bằng mã QR

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh vừa ban hành văn bản khẩn về việc chấm dứt hiệu lực giấy nhận diện phương tiện (có mã QR) đã được Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cấp thông qua đơn vị đầu mối trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Chú thích ảnh
Từ ngày 10/10, TP Hồ Chí Minh chấm dứt hiệu lực giấy nhận diện phương tiện bằng mã QR. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Theo đó, kể từ ngày 10/10 TP Hồ Chí Minh chấm dứt hiệu lực giấy nhận diện phương tiện (có mã QR) đã được Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cấp thông qua đơn vị đầu mối đối với xe vận tải hàng hoá lưu thông từ các tỉnh thuộc vùng Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ đi, đến và qua TP Hồ Chí Minh và trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Các đơn vị vận tải có nhu cầu vận chuyên hàng hoá từ các tỉnh đi, đến và lưu thông qua TP Hồ Chí Minh đề nghị thực hiện việc khai báo và đăng ký nhận Giấy nhận diện (có mã QR) tại địa chỉ: https://vantai.drvn.gov.vn theo hướng dẫn tại Công văn số 6102 ngày 25/8/2021 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và theo hướng dẫn tại Công văn số 10242 ngày 26/9/2021 của Sở GTVT TP Hồ Chí Minh.

Đối với các xe tải chở hàng hóa hoạt động trong địa bàn TP Hồ Chí Minh tuân thủ theo hướng dẫn tại Công văn số 10399 ngày 1/10/2021 của Sở GTVT TP Hồ Chí Minh.

Đối với các giấy nhận diện (có mã QR) được Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cấp thông qua đơn vị đầu mối cho các phương tiện vận tải để vận chuyển công nhân, chuyên gia và lực lượng tham gia thực hiện công tác phòng chống dịch có lộ trình lưu thông trong khu vực TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục sử dụng cho đến khi có thông báo mới.

Cục Hàng không Việt Nam đề xuất khởi động lại 10 đường bay nội địa từ 10/10

Cục Hàng không Việt Nam vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải kế hoạch triển khai các đường bay nội địa thường lệ trở lại. Đáng chú ý, Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất giai đoạn ban đầu dự kiến khởi động lại đường bay nội địa là từ 10/10/2021 với 10 đường bay.

Văn bản do Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường ký cho biết: "Tính đến ngày 6/10/2021, cơ quan này đã tiếp nhận ý kiến trả lời bằng văn bản của 13 tỉnh, thành phố".

Trong số này, có 6 địa phương thống nhất toàn bộ với kế hoạch gồm: Điện Biên, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Thanh Hóa và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang); 4 địa phương thống nhất từng phần kế hoạch gồm: TP Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Nghệ An và Thừa Thiên Huế. Còn 3 địa phương đề nghị chưa thực hiện kế hoạch bay thương mại thường lệ gồm: Hà Nội, Hải Phòng và Gia Lai.

Ông Võ Huy Cường cũng cho biết, các đường bay có thể thực hiện theo kế hoạch đã được Cục Hàng không Việt Nam xin ý kiến gồm 10 đường bay giữa Tp. Hồ Chí Minh - Thanh Hóa, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Phú Quốc, Thừa Thiên Huế, Nghệ An và giữa Thanh Hóa - Khánh Hòa, Buôn Ma Thuột, Phú Quốc.

Cục Hàng không Việt Nam cũng đề xuất giai đoạn ban đầu dự kiến từ 10/10/2021. Các giai đoạn tiếp theo triển khai theo Quyết định số 1740/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải.

M.T/Báo Tin tức (tổng hợp)
Tổng hợp COVID-19 ngày 5/10: Truy tặng Bằng khen cho 21 cá nhân phòng chống dịch; thêm 4.363 ca mắc mới
Tổng hợp COVID-19 ngày 5/10: Truy tặng Bằng khen cho 21 cá nhân phòng chống dịch; thêm 4.363 ca mắc mới

Những thông tin thời sự về dịch COVID-19 ngày 5/10 thu hút sự quan tâm của dư luận gồm: Truy tặng Bằng khen của Thủ tướng cho 21 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng chống dịch; giá xét nghiệm cao hơn thực tế, Bộ Y tế đề nghị các địa phương lập đoàn kiểm tra; Việt Nam ghi nhận 4.363 ca nhiễm mới tại 42 tỉnh, thành phố; Hà Nội phát hiện thêm 2 ca dương tính mới với SARS-CoV-2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN