'Kỷ nguyên vàng' của các tập đoàn dầu mỏ lớn sắp đi đến hồi kết

Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu, việc các tập đoàn dầu mỏ lớn "Big Oil" của Mỹ luôn có lợi thế nắm giữ nhiều quyền lực hơn so với cử tri đang dần đi đến hồi kết.
'Kỷ nguyên vàng' của các tập đoàn dầu mỏ lớn sắp đi đến hồi kết ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu tại Cotulla, Texas, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong nhiều thập kỷ qua, các tập đoàn dầu mỏ lớn "Big Oil" của Mỹ luôn có lợi thế nắm giữ nhiều quyền lực hơn so với cử tri khác trong những cuộc bầu cử quan trọng của nước Mỹ.

Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), "kỷ nguyên vàng" này đang dần đi đến hồi kết.

"Big Oil" là thuật ngữ chỉ các tập đoàn dầu khí lớn, bao gồm BP, Chevron, Eni, ExxonMobil, Royal Dutch Shell, TotalEnergies và ConocoPhillips.

[Khủng hoảng dầu mỏ sẽ tạo thay đổi trong ngành năng lượng thế giới]

Trong bối cảnh Trái Đất đang chứng kiến ngày càng nhiều thảm họa và thiên tai, những lời cảnh báo đã được đưa ra, yêu cầu chính phủ tăng cường thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu - vấn đề nhức nhối

Báo cáo mới nhất của IPCC cho thấy nhân loại đã thải ra một lượng khí thải nhà kính đủ để làm tăng nhiệt độ khí quyển thêm ít nhất 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Điều này sẽ gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu cực đoan không thể đảo ngược trong hai thập kỷ tới.

Tuy nhiên, báo cáo cho rằng thế giới vẫn còn thời gian để ngăn chặn thảm họa nếu như lượng khí thải carbon dioxide được cắt giảm lần lượt 80% và 100% vào các năm 2030 và 2050.

Mặc dù vậy, trong khi Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã gọi báo cáo mới nhất là "tín hiệu đỏ cho nhân loại," hiện vẫn chưa có lời hồi đáp nào mang lại hy vọng rõ rệt.

Báo cáo so sánh lượng phát thải khí carbon dioxide hàng năm của Liên hợp quốc trong năm 2020 cho thấy các quốc gia giàu có thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã không thực hiện giảm khí thải đủ mạnh, trong khi các nền kinh tế đang phát triển lại tiếp tục tăng phát thải.

Trước thềm Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) vào tháng 11 tới tại Glasgow, các lãnh đạo thế giới đã đạt được sự đồng thuận về các mục tiêu giảm phát thải tham vọng hơn, với tên gọi Mức đóng góp của từng quốc gia (NDC). Điều này cho thấy nhận thức về khí hậu trên toàn cầu chưa bao giờ mạnh mẽ đến thế.

Tuy nhiên, những kế hoạch đang được xem xét vẫn còn nhiều thiếu sót, trong khi ý chí chính trị cần thiết để thay đổi vẫn chưa thật sự rõ ràng.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo "khoảng cách giữa lời nói và hành động cần phải được thu hẹp nếu nhân loại muốn đưa lượng phát thải khí carbon dioxide về mức 0 vào năm 2050 và chặn đứng đà tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C."

Theo cơ quan này, "thành công của cuộc chiến sẽ phụ thuộc vào khả năng dịch chuyển toàn bộ hệ thống năng lượng làm nền tảng cho nền kinh tế."

Tầm ảnh hưởng của các "Big Oil"

IEA đã đề xuất một lộ trình nhằm đưa ngành năng lượng toàn cầu về mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Báo cáo của IPCC cũng trình bày một số cách thức để tạo ra một thế giới không có phát thải. Tuy nhiên, Mỹ, quốc gia phát thải lớn nhất thế giới, lại đang không đi theo bất kỳ lộ trình nào.

Dự luật phát triển hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD mà Thượng viện Mỹ vừa thông qua được cho là bao gồm một số điều khoản liên quan đến biến đổi khí hậu, chẳng hạn như tạo tiêu chuẩn về tiêu thụ năng lượng điện sạch, tài trợ cho các phương tiện công cộng không phát thải, xây dựng hạ tầng sạc cho mạng lưới xe điện quốc gia và thành lập "Quân đoàn Khí hậu Dân sự."

Tuy nhiên, sau nhiều tháng đàm phán gây tranh cãi, những điều khoản này phần lớn đã bị loại bỏ. Những gì còn lại chỉ là một chính sách, mà nếu được thông qua tại Hạ viện, sẽ tạo điều kiện phát triển hơn nữa cho các hệ thống giao thông và năng lượng hóa thạch vốn đã lỗi thời.

Đảng Dân chủ đang hy vọng có thể sử dụng kế hoạch ngân sách trị giá 3.500 tỷ USD, nhằm hỗ trợ các hành động vì khí hậu và mở rộng đáng kể mạng lưới an sinh xã hội, để lấp vào khoảng trống này.

Tuy nhiên, bản thân dự luật hiện vẫn chưa được chắp bút, trong khi có những yếu tố nội dung, trong đó đặc biệt liên quan đến khí hậu, nhiều khả năng sẽ bị phai nhạt trong quá trình phê duyệt.

Điều này không phải là tín hiệu tích cực đối với đảng Dân chủ, những người từng giành chiến thắng dựa vào sự ủng hộ của các cử tri trẻ tuổi, vốn là đối tượng coi biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu.

Nếu đảng Dân chủ mất đi quyền lực - chẳng hạn như trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm tới - thì khả năng nước Mỹ thực hiện các hành động hiệu quả để bảo vệ môi trường sẽ giảm.

Ngay cả hiện nay, áp lực từ các cuộc vận động hành lang của ngành công nghiệp phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch cũng như từ các nghị sỹ đảng Cộng hòa đang mạnh mẽ đến mức chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã không những không thể hạn chế sản xuất dầu mà ngược lại còn ký phê duyệt thêm hơn 2.100 dự án khoan dầu mới.

Điều này đi ngược lại với mong muốn của người dân Mỹ là hướng tới các chính sách khí hậu mạnh mẽ hơn.

Trong một cuộc thăm dò gần đây, 53% số cử tri nói rằng xu hướng nóng lên toàn cầu nên được xếp vào thứ tự ưu tiên cao hoặc rất cao của chính phủ, trong khi 66% cho rằng phát triển các nguồn năng lượng sạch cũng nên được đặc biệt chú trọng.

Một cuộc thăm dò khác cũng cho thấy khoảng 2/3 số cử tri - bao gồm gần một nửa số đảng viên đảng Cộng hòa - cho rằng các công ty dầu khí đang có quá nhiều quyền lực.

Thật vậy, trong nhiều thập kỷ qua, ngành công nghiệp dầu mỏ được cho là đã thao túng và tài trợ cho các chiến dịch tiếp thị lớn để thuyết phục công chúng rằng dầu và khí tự nhiên là cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và không gây hại cho hành tinh.

Các "Big Oil" cũng đã "phóng tay" để tác động lên các nhà lập pháp quốc gia và cấp tiểu bang, bao gồm cả ở California, vốn là nơi đi đầu về bảo vệ khí hậu, để ngăn chặn việc ban hành các dự luật và chính sách liên quan đến khí hậu.

Trong bối cảnh đó, giới quan sát kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ bắt đầu lắng nghe cử tri, thoát khỏi sự kìm kẹp của các nhà vận động hành lang trong ngành dầu khí và ban hành các chính sách nhằm giải quyết khủng hoảng khí hậu. Điều này có thể giúp cắt giảm đáng kể lượng khí thải carbon của đất nước.

Mặc dù lượng khí thải quốc gia tại Mỹ gần đây tăng chậm hơn, song IEA cảnh báo rằng cường độ phát thải khí carbon của nước này vẫn còn quá cao. Do đó, quá trình phân tách mối quan hệ giữa khí thải và tăng trưởng kinh tế cần được tăng tốc mạnh mẽ.

Mỹ có đủ công nghệ và nguồn lực để tạo ra một nền kinh tế sử dụng năng lượng sạch và hiện đại. Nước này chỉ đang đơn giản là thiếu ý chí chính trị. Là nền kinh tế lớn nhất thế giới với lượng khí thải CO2 bình quân đầu người cao nhất, Mỹ đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công của COP26.

Ngoài tác động trực tiếp, sự đi đầu của Washington cũng có có ảnh hưởng đáng kể đến các nền kinh tế lớn khác, bao gồm Trung Quốc, quốc gia hiện tạo ra 27% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính hàng năm và Liên minh châu Âu (EU), với mức khí thải 6,4%. Cùng với 11% của Mỹ, ba nền kinh tế này tạo ra gần 50% lượng khí thải toàn cầu.

Trọng trách hành động vì khí hậu đang chủ yếu dồn vào những nền kinh tế này. Họ sẽ cần nhiều chính sách hỗ trợ tài chính và các biện pháp khác để khuyến khích những quốc gia phát thải cao, chẳng hạn như Ấn Độ, tăng cường sử dụng năng lượng sạch.

Trong nhiều thập kỷ, "Big Oil" đã nắm giữ nhiều quyền lực hơn con số mà các cử tri Mỹ có. Báo cáo mới nhất của IPCC đã nêu bật lên những lý do tại sao điều này phải thay đổi.

Để giữ lại màu xanh cho Trái Đất, phần lớn những người ủng hộ các hành động vì khí hậu cần tập hợp lại và hối thúc chính phủ làm những điều cần thiết./.

(TTXVN/ Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục