Thế giới ghi nhận hơn 350.000 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ

Hiện tại, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất thế giới với tổng số gần 74,12 triệu ca, trong khi châu Âu đứng đầu về số trường hợp tử vong, với hơn 1,2 triệu ca.
Thế giới ghi nhận hơn 350.000 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại New Delhi (Ấn Độ), ngày 13/2/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 20/9 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 229.262.049 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.705.033 ca tử vong. Đã có 205.880.669 bệnh nhân COVID-19 phục hồi trong khi 18.676.347 bệnh nhân vẫn đang điều trị.

Trong vòng 24 giờ qua, thế giới đã ghi nhận thêm 350.327 ca mắc mới và 5.718 ca tử vong mới, trong đó Mỹ có 32.731 ca nhiễm mới và 311 ca tử vong.

Đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch với tổng cộng 42.900.906 ca mắc COVID-19, trong đó có 691.880 ca tử vong.

Sau Mỹ là Ấn Độ và Brazil. Trong vòng một ngày qua, Ấn Độ có thêm 30.809 ca nhiễm mới và 296 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh và tử vong lên lần lượt là 33.477.819 ca và 445.165 ca. Brazil có 9.458 ca nhiễm mới và 239 ca tử vong, đưa tổng số ca bệnh lên 21.239.783 ca, trong đó 590.786 ca tử vong.

Xét theo khu vực, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất với tổng số 74.119.476 ca bệnh. Châu Âu đứng thứ hai với 57.634.319 ca nhiễm. Con số này ở khu vực Bắc Mỹ là hơn 51,5 triệu ca trong khi ở Nam Mỹ là hơn 37,5 triệu ca. Châu Phi ít bị ảnh hưởng hơn với hơn 8,2 triệu ca và châu Đại Dương có hơn 202.000 ca nhiễm.

Xét theo số ca tử vong, châu Âu đứng đầu với 1.203.563 ca, tiếp đến là Nam Mỹ với 1.146.989 ca. Con số này ở châu Á và Bắc Mỹ là hơn 1 triệu ca.

Ấn Độ có thể sớm mở cửa trở lại cho du khách nước ngoài

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Ấn Độ có những dấu hiệu lắng dịu, nước này có thể sớm mở cửa trở lại cho du khách nước ngoài, lần đầu tiên sau một năm rưỡi.

Theo các quan chức Ấn Độ, 500.000 khách nước ngoài đầu tiên sẽ được cấp thị thực miễn phí trong nỗ lực nhằm hồi sinh các ngành du lịch, khách sạn và hàng không, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 kể từ tháng Ba năm ngoái khi New Delhi ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt.

[Mỹ dự kiến mua 500 triệu liều vaccine để cung cấp qua cơ chế COVAX]

Hiện các quan chức cấp cao của Bộ Nội vụ Ấn Độ đang thảo luận với tất cả các bên liên quan về thời điểm dự kiến và phương thức mở cửa đối với du khách nước ngoài. Một thông báo chính thức về vấn đề này có thể được đưa ra trong 10 ngày tới.

Thị thực miễn phí sẽ được cấp cho du khách nước ngoài cho đến ngày 31/3/2022 hoặc cho đến khi cấp đủ cho 500.000 người. Biện pháp này sẽ có chi phí ước tính khoảng 1 tỷ rupee (13,5 triệu USD) và được cho là sẽ khuyến khích du khách đến thăm Ấn Độ ngắn ngày. Quyết định sẽ được đưa ra khi số ca nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ đang tiếp tục giảm. Ngày 19/9, Ấn Độ ghi nhận 30.773 ca nhiễm mới.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ Y tế nước này ngày 19/9 ghi nhận thêm 26.398 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 6.847.259 ca. Tổng số ca tử vong do đại dịch tại nước này cũng tăng lên 61.574 ca sau khi có thêm 213 ca tử vong.

Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 từ ngày 14/1 năm nay sau khi nước này cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine của hãng Sinovac (Trung Quốc). Đến nay, hơn 52,67 triệu người tại Thổ Nhĩ Kỳ đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine, trong đó khoảng 42.02 triệu người được tiêm đủ 2 liều.

Bộ Y tế Iran ngày 19/9 thông báo nước này có thêm 15.975 ca nhiễm mới và 391 ca tử vong nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 5.424.835 ca và tổng số người không qua khỏi lên 117.182 người. Đến nay, có 29.467.568 người tại Iran đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó 13.904.702 người đã được tiêm đủ 2 liều. Iran hiện đang phải đối mặt với sự lây lan của biến thể Delta.

WHO: Hệ thống y tế tại Lebanon có nguy cơ sụp đổ

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo hệ thống y tế tại Lebanon có nguy cơ sụp đổ do tình trạng "chảy máu chất xám" và thiếu hụt thiết bị, vật tư y tế, cũng như nhiên liệu.

Trong một tuyên bố của WHO được đưa ra 2 ngày sau chuyến thăm Beirut của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, khoảng 40% bác sĩ có trình độ và khoảng 30% y tá có bằng cấp đã rời khỏi Lebanon tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Trong khi đó, việc thiếu hụt nhiên liệu cũng đang khiến hầu hết các bệnh viện hoạt động chỉ với 50% công suất, trong khi các vật tư y tế cơ bản cũng như thiết bị nhằm cứu sống bệnh nhân cũng bị thiếu trầm trọng. Do đó, WHO kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ Lebanon./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục