Nhà báo Nguyễn Lưu: 'Tôi mong Nhà nước có mô hình riêng cho hoạt động thể dục thể thao'

08/09/2021 06:26 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà báo Nguyễn Lưu vẫn là một tên tuổi sừng sững trong giới phóng viên mảng thể thao, dù ông còn nhiều tài khác. Chân dung "kẻ ưa sinh sự" là nhân vật trong chuyên mục Đối thoại của chúng tôi số báo này.

Bầu Đức lại làm khó VPF

Bầu Đức lại làm khó VPF

Thời gian gần đây, VPF liên tục bị công kích cho dù hoàn cảnh dịch dã không phải những ý tưởng của Công ty này đều được triển khai như mong muốn. Nặng ký nhất vẫn là những phản ứng từ bầu Đức.

VFF, VPF và các CLB bất đồng vì ai cũng nghĩ quyền lợi riêng

* Thể thao & Văn hóa: Cuốn Hồi ký “Ván bài đời” của ông vậy là vừa được 1 tuổi. Đấy là cuốn sách nhiều tâm huyết nhưng có cảm giác niềm vui của ông chưa trọn vẹn. Vì nó bị "hành" giấy phép, bị cắt xén nội dung hay vì điều gì nữa, thưa ông?

- Nhà báo Nguyễn Lưu: Cám ơn bạn đã dành sự quan tâm đến cuốn sách Ván bài đời cũng như những cuốn sách khác của tôi. Thú thật, trên đời khó có đứa con tinh thần nào được trọn vẹn như khi đang thai nghén nó. Minh họa điều này, tôi từng ví von rằng “quả chôm chôm ưa sinh sự đã bị biến thành trái thị ngoan ngoãn như cô Tấm trong cổ tích”. Tôi lắng nghe ý kiến đa chiều từ nhiều người bạn, tạm cất đi và sẽ xuất hiện ở thời điểm cần thiết những cái “ưa sinh sự” ấy của mình. Tôi còn nhiều chuyện "hay ho" lắm đang để dành viết dần.

* Ngoài việc viết sách, dễ nhận thấy ông còn dành nhiều quan tâm đến những vấn đề thời sự từ văn hóa- thể thao-âm nhạc. Vậy xin hỏi lâu nay ông có theo dõi câu chuyện của VPF và các CLB tranh cãi về V-League hay không? Theo ông, dưới góc độ nào đó, có phải bối cảnh dịch dã cũng đã như phản chiếu để bóng đá Việt Nam lộ ra những mảng tối !?

- Lâu nay, tôi cũng ít theo dõi bóng đá vì nhiều lẽ. Dư luận đã đúng khi xem dịch Covid-19 là “tác nhân” giúp nhận rõ hầu như “mọi nhẽ” của đời sống xã hội Việt Nam ở thời điểm này. Thể thao - bóng đá cũng nằm trong guồng quay như thế. Những tranh luận ồn ào giữa VPF và nhất là giữa một số ông bầu vô hình trung lộ ra mấy yếu huyệt. Tôi cho rằng vướng mắc lớn nhất để không thể tìm ra được tiếng nói chung, không có đồng thuận cũng chỉ vì bên nào cũng nghĩ về lợi ích của mình nhiều hơn. Đúc kết lại, sau rất nhiều năm lên chuyên, bóng đá Việt vẫn như ông lời Mai Liêm Trực (cựu Chủ tịch VFF) phát biểu ngày nào: “trình độ phát triển thấp hơn với mặt bằng xã hôi”, cho dù đây đó và thời điểm hiện nay đã và đang có được những điểm sáng rất đáng ghi nhận.

Chú thích ảnh
Theo ông Nguyễn Lưu, ĐTVN thua Australia là tất yếu. Ảnh: Hoàng Linh

* Như ông vừa chia sẻ, bóng đá nước nhà cũng đã có những điểm sáng đang được ghi nhận. Vậy trong ông có còn niềm vui và lưu tâm đến thế sự bóng đá hiện nay. Nếu còn thì niềm vui đó có phải nằm ở ĐTQG hay không?

- Ai yêu thể thao và bóng đá thì lúc này cũng nghĩ đến ĐTQG. Đội tuyển Việt Nam đã vào đến vòng loại thứ 3 World Cup 2022 rất đáng để vui. Vui đấy nhưng chưa trọn vẹn. Nhìn đi nhìn lại vẫn nhiều cái lo, lo đã kịch trần chẳng hạn. Vả lại một giải VĐQG mà còn nhiều lộn xộn, chưa thật sự quy củ, chuyên nghiệp thì chưa thể làm cái nền cho ĐTQG cất cánh cao hơn. Ai cũng biết, chúng ta cần một nền bóng đá phát triển căn cơ, bền vững theo lộ trình lớp lang, bài bản. Phát triển bền vững phải như thế chứ không chỉ dựa vào một vài chiến thắng cấp kỳ.

Nhân tài thể thao không thiếu

* Nhìn lại Olympic Tokyo vừa rồi, Thể thao nước nhà không có được tấm huy chương nào. Theo ông đã nên “cáo chung” tư duy đi tắt đón đầu, bệnh thành tích hay chưa? Và ông có nghĩ rằng quản lý ngành thể thao hiện nay thiếu, yếu chuyên môn?

- Nhìn lại kỳ Olympic Tokyo vừa qua tôi cũng đau đáu rất nhiều cho thể thao nước nhà. Tuy vây, tôi không ưa dùng hai từ “trắng tay”, nó có vẻ tàn nhẫn và chưa hợp lý. Nên nhớ trong 206 quốc gia tham dự Olympic chỉ có 63 nước có HCV và ngót 2/3 số quốc gia còn lại không có huy chương nào. Cách nói ráo hoảnh với chữ “trắng tay” kia tôi cho là đã phủ nhận nhiều nỗ lực của đoàn TTVN tại Tokyo, cho dù họ chưa có huy chương. Tôi cũng không quên thất bại ê chề của đội bóng chuyền nữ Trung Quốc, của tay vợt Novak Djokovic…và cũng còn nhớ những ấn tượng tốt đẹp mà các VĐV Việt Nam để lại trong lòng bè bạn quốc tế. Những hình ảnh đẹp của VĐV cầu lông Nguyễn Thùy Linh, cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt, đô cử Hoàng Thị Duyên là minh chứng. Tôi cho rằng chúng ta cần ghi nhận những nỗ lực, tận hiến đó. Kết quả vừa qua tuy làm buồn lòng người hâm mộ nhưng không phải thảm họa.

Nói đi thì có nói lại, đoàn TTVN chưa giành thành tích cao cũng có những nguyên nhân sâu xa của nó. Theo dõi nhiều năm qua, tôi chưa bao giờ thấy có một chiến lược đầu tư chuẩn xác cho các tài năng thể thao. Trường hợp của Ánh Viên là một ví dụ. Không phải chỉ riêng có chuyện thầy trò hay việc Ánh Viên phải gồng mình thi đấu nhiều nội dung. Theo tôi, chúng ta chưa đánh giá đúng khả năng của cô gái này, tầm của Ánh Viên chỉ chạm trần ở khu vực mà thôi. Nói ngay và luôn, chúng ta còn thiếu nhiều tài năng thể thao và điều cốt lõi vẫn nghèo trong việc đầu tư.

Việc các nước Đông Nam Á xếp trên chúng ta (Philippines 1 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ; Indonesia 1-1-3; Thái Lan 1-3-1; Malaysia 0-0-1) là có cơ sở. Philippines giàu truyền thống võ thuật và cử tạ, họ có võ sĩ quyền Anh Manny Pacquiao; Indonesia có huyền thoại cầu lông Susi Susanti, Chandra; Thái Lan với nhiều tấm HCV Thế vận hội. Tất cả các VĐV của các nước trong khu vực Đông Nam Á tham dự đều được hưởng một chế độ đặc biệt. Còn chúng ta, ai cũng biết lương của một VĐV tập trung ở Nhổn chỉ như con số lẻ so với mức thu nhập của bạn.

Tôi chưa nghĩ đến chuyện ngành TDTT hiện nay khủng hoảng lãnh đạo, mặc dù kỳ Olympic vừa qua chúng ta có nhiều sai sót trong khâu huấn luyện và chỉ đạo, vì những lý do khác nhau. Điều trăn trở của nhiều anh chị em từng có thâm niên trong ngành lại là mơ ước ngành TDTT được xây dựng và phát triển trong ngôi nhà riêng của mình mà không phụ thuộc như hiện nay. Xưa cụ Nguyễn Trãi đã nói, nhân tài Việt Nam thời nào chả có. Tôi mong Nhà nước có một mô hình riêng, một quy chế riêng và ngân sách thích đáng cho hoạt động thể dục thể thao trong thời gian tới.

* Xin được cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Đội tuyển Việt Nam vẫn ở dưới trình so với Australia

Nhà báo Nguyễn Lưu cho rằng thất bại trước Australia cũng hết sức bình thường vì đối thủ đẳng cấp hơn mình. Từ nhìn nhận như vậy, ông đã có những chia sẻ tường tận dưới đây

“Trước đối thủ có trình độ cao hơn chúng ta rất nhiều thì trận thua này cũng hết sức bình thường. Thua về đẳng cấp, về thể hình so với đối thủ nên không ngạc nhiên khi ông Park vẫn cho học trò đá phòng ngự phản công. Tuy nhiên vẫn có những hạn chế trong cách chơi này của đội tuyển Việt Nam. Hàng thủ lùi sâu, chưa tranh chấp quyết liệt, pressing ngay từ những tình huống đầu. Cầu thủ cứ lùi để cho đối phương thoải mái cầm bóng, chủ động tìm kẽ hở và có nhiều phương án để tiếp cận khung thành của Đặng Văn Lâm”.

Trong khi đó, ý đồ của mình chơi phòng ngự phản công nhưng tuyến trên chưa ở vào trạng thái sẵn sàng nhất cho những pha phản công như thế. Phút thứ 7, phút thứ 41 và phút thứ 72 , đội tuyển Việt Nam có 3 tình huống phản công nổi bật nhất nhưng rất tiếc cả Quang Hải, Tiến Linh, Văn Toàn không tận dụng được. Những tình huống như thế minh chứng cho thấy các cầu ở phía trên chưa ở vào trạng thái chủ động nhất để chớp cơ hội. Vậy nên, các tình huống phản công hoặc cầu thủ nhận bóng cuối cùng không ở vào tư thế tốt nhất hoặc bị đối thủ cắt nhịp phản công”.

“Đúng ra, với thế trận như vậy cũng như cách chơi không quá dồn dập của Australia thì mình nên ứng biến khác đi một chút. Ví như, hiệp 2, đội tuyển Việt Nam nên đẩy cao đội hình để chơi. Vì có đẩy cao như thế sẽ hạn chế từ xa những pha tấn công của đối thủ. Cùng với đó, hàng thủ giảm đi sức ép, tránh bị động. Theo tôi, trong hiệp 2 phải cắm hẳn 2 cầu thủ tấn công ở phía trên để chủ động bắt nhịp trong những pha lên bóng mới có hiệu quả cao nhất. Tỉ số thì có thể tối thiểu nhưng xét toàn diện, đội tuyển Việt Nam vẫn ở dưới trình so với đội tuyển Australia”.

 

Trần Tuấn (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm