Cổng thông tin điện tử Chính phủ tiếp nhận 748 phản ánh kiến nghị của người dân

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/7/2021, Hệ thống thông tin tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ có 748 phản ánh kiến nghị, trong đó có 273 phản ánh kiến nghị thuộc phạm vi xem xét, xử lý.

Chú thích ảnh
Cử tri tỉnh Quảng Nam đề nghị có chính sách giãn nợ, xóa nợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bão lũ. (Ảnh chụp ngày 20/11/2020). Ảnh Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN

Văn phòng Chính phủ đã phân loại, chuyển 193 phản ánh, kiến nghị tới các bộ, cơ quan, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền. Các bộ, ngành, địa phương đã xử lý, trả lời được 157 phản ánh, kiến nghị (đạt 81,34%) và đã được đăng tải công khai kết quả xử lý trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Còn 80 phản ánh kiến nghị của người dân đang được các bộ, ngành, địa phương xem xét, xử lý theo thẩm quyên.

Đã tiếp nhận 49 phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp và đã chuyển đến các bộ, ngành, địa phương xem xét, xử lý. Các bộ đã có văn bản trả lời 28 kiến nghị (chiếm 57%). 21 kiến nghị còn lại các bộ, ngành, địa phương đang nghiên cứu, đề nghị doanh nghiệp cung cấp đủ hồ sơ, tài liệu còn thiếu để tổng hợp, giải quyết.

Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, một số kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11 (Quốc hội khóa XIV) có liên quan trực tiếp đến đời sống của cử tri địa phương, nằm trong khả năng mà cơ quan có thấm quyền có thế giải quyết ngay thì đã được giải quyết nhanh chóng, được cử tri và các đoàn đại biếu Quốc hội đánh giá cao. Đối với các kiến nghị của cử tri liên quan đến nhiều lĩnh vực, cần thời gian tổng kết thực tiễn, tổng kết việc thi hành các văn bản pháp luật, cần nguồn lực, bố trí vốn để thực hiện... các bộ, ngành cũng đã rất trách nhiệm tích cực tổ chức nghiên cứu, xác định rõ lộ trình đối với tất cả các kiến nghị đang giải quyết. Hầu hết các văn bản trả lời cử tri đều do các Bộ trưởng trực tiếp ký văn bản trả lời.

Một số bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ và hoạt động gắn với đời sống sản xuất - kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, đã có nhiều đổi mới trong việc xử lý kiến nghị cử tri, trong đó thường xuyên nắm bắt ý kiến, kiến nghị để giải quyết triệt để từ cơ sở; luôn xem việc trả lời ý kiến cử tri là việc làm thường xuyên, không chỉ tập trung vào các kỳ họp Quốc hội; chủ động cử cán bộ tham gia đầy đủ tất cả các đợt tiếp xúc cử tri để trực tiếp giải đáp mọi kiến nghị của người dân.

Mặc dù vậy, việc giải quyết các kiến nghị của cử tri vẫn còn tồn tại, đó là việc ban hành các chính sách mới cần có thời gian tổng kết từ thực tiễn nên không thể giải quyết được ngay vấn đề mà cử tri nêu hoặc các kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung chính sách hiện hành, bố trí nguồn lực để thực hiện... cần có sự phối hợp với các bộ ngành khác có liên quan nên việc giải quyết phải có lộ trình.

Số lượng kiến nghị giải trình, cung cấp thông tin chiếm tỷ lệ khá nhiều, một số nội dung kiến nghị đã được các bộ, ngành trả lời rõ ràng, đầy đủ tại nhiều kỳ họp Quốc hội, hoặc đã được pháp luật quy định nhưng vẫn tiếp tục đặt vấn đề yêu cầu các bộ, ngành giải đáp, hướng dẫn hoặc bị trùng lặp về nội dung, bản chất (cùng một kiến nghị hỏi qua nhiều kỳ họp, hoặc một kiến nghị nhiều địa phương cùng hỏi), nhưng cử tri một số địa phương khác vẫn kiến nghị lại tại các kỳ họp sau làm tăng số lượng câu hỏi. Có những nội dung kiến nghị chưa cụ thể gây khó khăn cho việc trả lời...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đề nghị Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Văn phòng Chính phủ trong việc phân loại kiến nghị cử tri, thống nhất thời hạn ban hành và trả lời cùng một ngày tại các văn bản của Ban Dân nguyện và Văn phòng Chính phủ gửi các Bộ, cơ quan (sau khi văn bản được phát hành là 60 ngày theo quy định tại Nghị quyết liên tịch số 525 và Quyết định số 30/2020/QĐ-TTg).

Việc phân loại các kiến nghị bảo đảm không có sự trùng lặp kiến nghị giữa danh mục của Ban Dân nguyện và Văn phòng Chính phủ; giữa các kỳ họp và giữa các địa phương. Hướng dẫn các đoàn Đại biểu Quốc hội giải đáp, cung cấp thông tin cho cử tri về những nội dung đã được giải trình hoặc đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành. Việc phân loại, tổng họp kiến nghị của cử tri theo những nhóm vấn đề lớn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong việc tiếp nhận, giải quyết cũng như giúp cung cấp thông tin mang tính tổng hợp, khái quát về một số vấn đề cho các đại biểu Quốc hội và cử tri.

Sớm đưa vào vận hành hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về tiếp nhận và giải quyết kiến nghị của cử tri qua các kỳ họp Quốc hội, được kết nối liên thông với các bộ, ngành để nhằm hạn chế tình trạng kiến nghị có nội dung trùng lắp với các kiến nghị đã được giải quyết, các kiến nghị có nội dung chung chung, không cụ thế, nâng cao hiệu quả tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị; đồng thời công khai trên Cổng Thông tin của Quốc hội nội dung trả lời kiến nghị để cử tri theo dõi...

V.T/Báo Tin tức
Cử tri kiến nghị nhiều vấn đề về đời sống dân sinh
Cử tri kiến nghị nhiều vấn đề về đời sống dân sinh

Ngày 3/8, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã tổ chức tiếp xúc cử tri trực tuyến sau kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV với 17/18 điểm cầu của các huyện, thị xã và thành phố (trừ thành phố Hội An đang giãn cách xã hội) và 163 điểm cầu của các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN