Triển khai các giải pháp đồng bộ phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển

Trong những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra nghiêm trọng, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai (Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra 106 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 4.120 m (trong đó sạt lở bờ sông là 103 điểm/2.520 m, sạt lở bờ biển là 3 điểm/1.600 m). Thực trạng trên ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân trong vùng.

Chú thích ảnh
Đoạn sạt lở dài 20m dọc rạch Ông Chưởng, xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, An Giang ăn sâu vào móng một căn nhà của người dân. Ảnh: Thanh Sang/TTXVN

Nhiều địa phương sạt lở nghiêm trọng

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, tỉnh có 3 mặt giáp biển với tổng chiều dài bờ biển là 254 km (bờ biển Tây dài 154km, bờ biển Đông dài 100km), trong đó có trên 80% tổng chiều dài bị sạt lở. 

Bờ biển Tây sạt lở với chiều dài khoảng 57km, trong đó nhiều đoạn không còn rừng phòng hộ, hoặc đai rừng phòng hộ chỉ còn vài chục mét. Hiện, tình trạng sạt lở bờ biển Tây ngày càng nguy cấp hơn. Những cánh rừng phòng hộ ven biển dần biến mất nên đê biển Tây thường xuyên bị sóng to, gió lớn uy hiếp, nguy cơ vỡ đê rất cao, nhất là vào mùa mưa bão, gió Tây Nam hoạt động mạnh cộng với triều cường dâng cao.

Bờ biển Đông có chiều dài sạt lở nguy hiểm khoảng 48km, trong đó sạt lở rất nguy hiểm khoảng 29,5km, tập trung trên địa bàn các xã Tam Giang Đông (huyện Năm Căn); xã Đất Mũi, xã Tân Ân và thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển).

Theo thống kê của tỉnh Cà Mau, trong tuần đầu tháng 6/2021, toàn tỉnh đã xảy ra 39 vụ sạt lở đất ven sông, ven biển, làm hư hỏng gần 200m đường bê tông, 22 căn nhà bị thiệt hại, gây ảnh hưởng đến hoạt động của 3 trại tôm giống... Tại đê biển Tây đoạn qua huyện Trần Văn Thời và U Minh cũng xảy ra 3 vụ sạt lở nghiêm trọng, với tổng chiều dài khoảng 1.700m, gây nguy cơ vỡ đê. 

Tại tỉnh An Giang, vụ sạt lở bờ sông Châu Đốc xảy ra ngày 5/6/2021 trên địa bàn ấp An Thạnh, thị trấn An Phú, huyện An Phú khiến 70m bờ sông bị sạt lở, lấn sâu vào đất liền khoảng 15m, ảnh hưởng đến 6 nhà dân. UBND tỉnh An Giang đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở các khu vực này.

Thông tin từ Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2020, toàn tỉnh có 67 khu vực sạt lở với tổng chiều dài hơn 108km. Nhiều kè biển bị sạt lở nghiêm trọng như: Cảnh Dương, Quảng Phúc, Hải Trạch, Nhật Lệ, Ngư Thủy.

Tình trạng xói lở cũng xảy ra ở hầu hết hệ thống các sông trên địa bàn toàn tỉnh, quá trình xói lở ngày càng nặng, với tốc độ trung bình từ 1-3m/năm. Nhiều địa phương có tốc độ xói lở từ 5-10m/năm, như: Quảng Tiên, Quảng Trung, Quảng Hải, Quảng Minh (thị xã Ba Đồn), Cảnh Hóa, Phù Hóa (Quảng Trạch), Tiến Hóa, Đồng Hóa, Lê Hóa, Hương Hóa (Tuyên Hóa), Phúc Trạch, Cự Nẫm (Bố Trạch).

Ngoài ra, từ đầu tháng 6/2021 đến nay, tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch còn xảy ra ở thành phố Cần Thơ, các tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang... 

Lý giải về vấn đề này, cơ quan chức năng tại các địa phương đều cho rằng, sạt lở bờ sông, bờ biển do biến đổi khí hậu và các công trình xây dựng đầu nguồn sông Mê Kông khiến dòng nước chảy mạnh hơn, gây sạt lở. Ở hạ nguồn, nhiều công trình xây dựng sát bờ sông, bờ biển cùng tình trạng khai thác cát... quá mức cũng khiến tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng hơn.

Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ

Để khắc phục tình trạng sạt lở đê biển, tỉnh Cà Màu đang phối hợp với các bộ, ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu xây dựng hệ thống đê kè kiên cố trên từng đoạn của 254 km bờ biển, trong đó đặc biệt chú trọng gia cố tuyến đê biển Tây để kịp đưa vào sử dụng trong mùa mưa bão năm 2021.

Đối với việc xử lý sạt lở bờ sông, kênh rạch, các địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai các giải pháp đồng bộ. Cụ thể, từ năm 2018 đến nay, thành phố Cần Thơ đã xây dựng 10 công trình kè với chiều dài gần 18,5 km, kinh phí 2.639 tỷ đồng; 8 công trình kè đang triển khai dài 21,12 km, kinh phí 2.345 tỷ đồng. Tỉnh Vĩnh Long cũng đã xây được 20 tuyến kè chống sạt lở kiên cố dài 14,6 km tập trung ở các đô thị.

Từ năm 2018 đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các bên liên quan trình Chính phủ và Quốc hội hỗ trợ các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long hơn 6.622 tỷ đồng từ ngân sách trung ương để xử lý sạt lở bờ sông, đê biển. Bộ cũng đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng hỗ trợ 2.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới hỗ trợ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long xử lý cấp bách các khu vực sạt lở.

Bộ Xây dựng đang đề xuất Chính phủ điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách vay vốn ưu đãi làm nhà ở cho người dân tại vùng ngập lũ thường xuyên và vùng sạt lở nguy hiểm thuộc các tỉnh: An Giang, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ, từ nay đến năm 2025 được vay vốn xây dựng nhà ở tại các cụm tuyến dân cư mới, với mức vay tối đa 40 triệu đồng/hộ, lãi suất 3%/năm. Thời hạn vay tối đa 15 năm đối với các hộ nghèo và cận nghèo, 10 năm đối với các hộ khác...

Vụ trưởng Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai Tăng Quốc Chính cho biết, để thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, cần triển khai, thực hiện tốt Quyết định 957/QĐ-TTg ngày 6/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ như rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; tổ chức điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu, thiết kế quy hoạch bờ sông, bờ biển; triển khai thực hiện các các công trình, phi công trình để phòng, chống sạt lở.

Cùng với đó, các địa phương cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ phòng, chống sạt lở; tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chia sẻ thông tin dữ liệu, kinh nghiệm trong phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính của các quốc gia, các tổ chức quốc tế đối với công tác phòng, chống sạt lở; chủ động bố trí ngân sách nhà nước; tăng cường huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, đặc biệt là nguồn lực từ khối tư nhân, doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi cho công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.

Thắng Trung (TTXVN)
Người dân trong vùng nguy cơ sạt lở mong sớm được di dời 
Người dân trong vùng nguy cơ sạt lở mong sớm được di dời 

Lai Châu hiện còn hàng nghìn hộ dân sinh sống trong vùng nguy cơ sạt lở.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN