Kiên quyết xử lý tàu cá có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang, cơ quan này đang phối hợp với các ngành liên quan kiên quyết xử lý tàu cá của ông Trần Văn Ngà ở ấp Vĩnh Quới, xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành (Kiên Giang) vì có dấu hiệu vi phạm quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) ở vùng biển nước ngoài.

Chú thích ảnh
Tàu cá neo đậu trên vùng biển huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN

Theo đó, ông Trần Văn Ngà là chủ sở hữu 8 tàu cá; trong đó, tàu cá KG-91692-TS bị tai nạn chìm vào năm 2017 không trục vớt, nhưng chưa làm thủ tục xóa đăng ký và tàu cá KG-95598-TS làm dịch vụ hậu cần nghề cá đang hoạt động. Trong quá trình hoạt động trên biển, 6 tàu cá còn lại của ông Ngà thì có 2 tàu cá là KG-93066-TS và KG-94792-TS đã có hành vi vi phạm như tháo thiết bị giám sát hành trình, không duy trì hoạt động thiết bị, mất kết nối trong thời gian dài.

Tàu cá KG-94793-TS bị Vùng Cảnh sát biển 4 đang điều tra xử lý việc thuyền trưởng chống trả lực lượng làm nhiệm vụ vào sáng ngày 21/7 vừa qua do liên quan đến việc khai thác thủy sản trái phép vùng biển nước ngoài. Còn tàu cá KG-91530-TS hiện đang bị Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang điều tra do liên quan đến việc khai thác thủy sản trái phép vùng biển nước ngoài, tháo gỡ, không duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá. Hai 2 tàu cá cuối cùng là KG-91177-TS và KG-94666-TS bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ từ năm 2019 do vi phạm khai thác thủy sản trái phép vùng biển nước ngoài chưa đưa tàu về Việt Nam.

Phó Giám Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Quảng Trọng Thao đã yêu cầu Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với Vùng Cảnh sát biển 4, Bộ đội Biên phòng tỉnh điều tra, xác minh hành vi khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển nước ngoài đối với 2 tàu cá KG-94793-TS và KG-91530-TS để xử lý, thu hồi giấy phép khai thác thủy sản theo quy định; khẩn trương xử lý nghiêm theo quy định đối với các tàu tháo gỡ thiết bị giám sát hành trình, không duy trì hoạt động thiết bị, mất kết nối trong thời gian dài và thu hồi giấy phép khai thác thủy sản.

Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang đề nghị Chi cục Thủy sản tỉnh yêu cầu ông Trần Văn Ngà làm thủ tục xóa đăng ký tàu cá bị tai nạn chìm vào năm 2017 theo quy định. Đối với 2 tàu cá đã bị nước ngoài bắt giữ, chi cục cần phối hợp với đơn vị liên quan điều tra, xác minh, xử lý, thu hồi giấy phép khai thác thủy sản và xóa đăng ký tàu.

Theo Ban Chỉ đạo tỉnh Kiên Giang về IUU, toàn tỉnh vẫn còn hơn 300 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, chiếm tỷ lệ khoảng 10% tổng số tàu cá bắt buộc phải lắp thiết bị này. Những tháng đầu năm nay, đơn vị chức năng đã phát hiện hơn 2.000 trường hợp tàu cá mất tín hiệu kết nối trên biển, chiếm 55,5% tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; hơn 1.050 trường hợp tàu cá mất tín hiệu kết nối trên cảng, nhưng việc xử lý các tàu cá có hành vi vi phạm còn rất hạn chế.

Trước thực trạng đó, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang đã yêu cầu Chi cục Thủy sản tỉnh, trên cơ sở báo cáo rà soát, thống kê số lượng tàu cá toàn tỉnh đã lắp thiết bị giám sát hành trình mất kết nối của Trung tâm Đăng kiểm tàu cá Kiên Giang tiến hành phân loại, đề xuất giải pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định hiện hành.

Lê Huy Hải (TTXVN)
'Thẻ vàng' IUU có tác động kinh tế như nào với ngành thủy sản Việt Nam?
'Thẻ vàng' IUU có tác động kinh tế như nào với ngành thủy sản Việt Nam?

Ngày 10/8 tại Hà Nội, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố báo cáo “Đánh giá tác động kinh tế từ phân tích thương mại của việc không tuân thủ quy định chống khai thác IUU: Trường hợp Việt Nam”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN