Tổng thống Mỹ thảo luận với các thành viên nội các về việc rút nhân sự khỏi Afghanistan

Nhà Trắng ngày 13/8 cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thảo luận với Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan về hoạt động rút nhân sự Mỹ khỏi Afghanistan.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Mỹ chuyển đồng đội bị thương lên trực thăng tới bệnh viện ở Kandahar, Afghanistan. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN

Thông báo trên mạng xã hội Twitter, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden đã thảo luận với các quan chức nêu trên về các nỗ lực hiện nay nhằm đưa nhân sự ra khỏi Afghanistan an toàn. 

Cuộc thảo luận diễn ra sau khi chính quyền Tổng thống Biden hôm 12/8 quyết định triển khai hàng nghìn binh sĩ tới Kabul nhằm trợ giúp sơ tán công dân Mỹ tại Đại sứ quán Mỹ cũng như những người Afghanistan xin cấp thị thực nhập cư đặc biệt. Theo thông báo của Lầu Năm Góc, đa số binh sĩ Mỹ được cử tới Afghanistan làm nhiệm vụ sơ tán nhân viên và quan chức Đại sứ quán Mỹ sẽ tới Kabul vào ngày 15/8 và chuẩn bị sơ tán hàng nghìn người mỗi ngày.

Trả lời báo giới, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nhận định Kabul hiện không phải đối mặt với mối đe dọa hiện hữu, song xác nhận rằng Taliban đang "cố gắng cô lập Kabul".

Có khoảng 4.200 người đang làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kabul của Afghanistan, cũng như hàng nghìn người Afghanistan khác làm thông dịch viên hoặc đóng các vai trò hỗ trợ khác đang mong muốn được sơ tán do lo ngại bị Taliban trả đũa khi Washington rút toàn bộ binh sĩ ra khỏi quốc gia Tây Nam Á vào cuối tháng 8.

Bình luận về tình hình hiện nay tại Afghanistan, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ, ông Mitch McConnell đã hối thúc chính quyền Mỹ tiến hành các vụ không kích và hỗ trợ các lực lượng Afghanistan bảo vệ thủ đô Kabul cũng như chặn đứng các vụ đánh chiếm của Taliban. Nghị sĩ này cho rằng vẫn chưa quá muộn để ngăn chặn Taliban chiếm được Kabul. Ông McConnell đã đưa ra tuyên bố trên sau cuộc trao đổi với Đại sứ Afghanistan tại Mỹ, Adela Raz. 

Theo phóng viên TTXVN tại London, trong tuyên bố ngày 13/8, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho rằng quyết định của Mỹ rút quân khỏi Afghanistan là một "sai lầm" và tạo "động lực" cho lực lượng Taliban tại quốc gia Tây Nam Á.

Kênh truyền hình Sky News dẫn lời ông Wallace cho biết thỏa thuận rút quân được chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đàm phán ở thủ đô Doha của Qatar là "tồi tệ". Cộng đồng quốc tế có thể sẽ phải trả giá cho sai lầm từ thỏa thuận của Mỹ với Taliban và về mặt chiến lược, quyết định của Mỹ gây ra rất nhiều vấn đề. Ông  cho biết hiện tại không phải là thời điểm thích hợp để đưa ra quyết định này bởi mạng lưới khủng bố Al-Qaeda có thể sẽ quay trở lại trong điều kiện thuận lợi như vậy.

Về việc quân đội Anh rút khỏi Afghanistan, Bộ trưởng Wallace cho biết nước này không còn lựa chọn nào khác vì cộng đồng quốc tế phải cùng hành động. Ông chia sẻ khi Mỹ, với tư cách là quốc gia trụ cột, đưa ra quyết định rút quân, điều đó có nghĩa là các quốc gia khác phải rời đi.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh cũng xác nhận nước này sẽ triển khai 600 binh sĩ tới Afghanistan để giúp các phiên dịch và công dân Anh rời Afghanistan.    

Từ đầu tháng 5 vừa qua, Taliban đã phát động một cuộc tấn công quy mô lớn chống chính phủ Afghanistan, trong bối cảnh các lực lượng quốc tế tiến hành chiến dịch rút quân khỏi nước này, dự kiến kết thúc vào cuối tháng 8.

Hiện lực lượng Taliban đã áp sát cửa ngõ Kabul, sau khi đã chiếm được hầu hết nửa phía Bắc của đất nước trong vài ngày qua. Trong bối cảnh đó, nhiều nước đã đóng cửa Đại sứ quán và bắt đầu xúc tiến kế hoạch đưa công dân về nước.

Lan Phương - Minh Hợp (TTXVN)
Nga ngầm phản đối Taliban dùng vũ lực giải quyết tình hình ở Afghanistan
Nga ngầm phản đối Taliban dùng vũ lực giải quyết tình hình ở Afghanistan

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh Moskva ủng hộ giải pháp cho vấn đề Afghanistan với sự tham gia của mọi lực lượng chính trị, sắc tộc ở nước này, có sự nhượng bộ lẫn nhau.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN