Xoay vòng sản xuất trong mùa dịch

Việc giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 khiến hàng loạt nông sản ở khu vực phía Nam chưa thể tiêu thụ, nông dân gặp nhiều khó khăn. Các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang linh động thực hiện nhiều giải pháp giúp nông dân sớm xoay vòng sản xuất.

Chú thích ảnh
Các nhà bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh nỗ lực không để trống quầy/kệ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

Phát huy tự lực tại chỗ

Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 8/2021, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thu hoạch nhiều loại nông sản theo chu kỳ sản xuất. Cụ thể, thu hoạch khoảng 700 nghìn ha lúa, với khoảng 3,8 triệu tấn gạo gồm: 2,3 triệu tấn nhóm gạo chất lượng cao, 700 nghìn tấn nhóm gạo đặc sản, 380 nghìn tấn nhóm chất lượng gạo trung bình, 380 nghìn tấn nhóm gạo nếp và nhóm khác khoảng 36 nghìn tấn.

Riêng sản phẩm rau, củ, trái cây dự kiến có khoảng 1,1 triệu tấn; trong đó, nhu cầu tiêu dùng tại chỗ của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 500 nghìn tấn, còn 610 nghìn tấn sẽ cung ứng về trung tâm kinh tế phía Nam là TP Hồ Chí Minh như trước đây. Tuy nhiên, các sản phẩm này hiện chưa có hợp đồng tiêu thụ.

Trước việc nhiều mặt hàng nông sản còn bị ách tắc do giãn cách xã hội, khâu vận chuyển bị ảnh hưởng, các thương lái cũng không dám kí hợp đồng thu mua bởi đang gặp khó về vận chuyển, chính quyền địa phương các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã nhanh chóng tìm giải pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản để nhanh chóng xoay vòng sản xuất.

Tại tỉnh Đồng Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhanh chóng hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm thu hoạch trong tháng 8, với tinh thần tự lực tại chỗ; quản lý tốt tình hình thu hoạch đối với các loại nông sản có sản lượng lớn chuẩn bị thu hoạch. Cùng với đó, từng địa phương nắm bắt thông tin, cập nhật hàng ngày về tình hình tiêu thụ nông sản, sau đó gửi về Tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản của tỉnh để nhanh chóng tìm đầu mối tiêu thụ, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ùn ứ hàng hóa.

Về phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp vừa liên kết tìm đầu ra thông qua Tổ 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời, khuyến khích nông dân bán hàng trong mức giá có thể chấp nhận được, mang lại lợi nhuận dù ít để giải quyết nguồn thu nhập, xoay vòng vốn và xoay vòng sản xuất, vừa giúp tránh ùn ứ sản phẩm, gây thiệt hại kinh tế lớn hơn.

Thực hiện chuỗi liên kết thương mại điện tử

Trong thời điểm giãn cách xã hội, các đầu mối liên hệ trao đổi, mua bán hàng hóa nông sản trực tiếp hầu như bị đứt gãy tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Vậy nên, bên cạnh phát huy tự lực tại chỗ, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển đổi phương thức liên kết và giao dịch để hàng hóa được lưu thông thuận lợi hơn. Từ đó, giúp tiêu thụ nông sản nhanh, tránh thiệt hại và thất thoát do hư hao, thiếu kho chứa và hệ thống bảo quản với số lượng lớn.

Nhận thấy hiệu quả đổi mới phương pháp tiêu thụ hàng hoá, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu đã thành Tập tổ công tác kết nối, cung ứng, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Song song đó, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh về vấn đề tiêu thụ nông sản.

Theo ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, cơ cấu Tổ công tác kết nối, cung ứng, tiêu thụ nông sản cho nông dân của tỉnh gồm lãnh đạo UBND các huyện, thị, thành phố. Tổ này có trách nhiệm trực tiếp làm việc với Tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tiêu thụ nông sản cho nông dân. Kết quả, những ngày qua, sản phẩm tôm càng xanh ở huyện Hồng Dân, rau các loại ở huyện Phước Long… bắt đầu có đầu ra dù số lượng chưa nhiều.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu cũng đề nghị các sở, ban, ngành đoàn thể các cấp tiếp tục đồng hành giúp nông dân tiêu thụ nông sản. Các huyện, thị, thành phố trong tỉnh tạo mọi điều kiện để nông dân vừa tiêu thụ lượng nông sản tồn đọng vừa tiếp tục sản xuất để chuỗi sản xuất - tiêu thụ không bị đứt gãy.

Bằng sự kết nối này, tỉnh Bạc Liêu đã kết nối giúp Công ty Muối Bạc Liêu tiêu thụ được 37,5 tấn muối cho các tỉnh, thành. Trong số đó, xuất bán cho tỉnh Cà Mau 5,5 tấn, Hậu Giang 16 tấn, Đồng Tháp 2 tấn… Cũng từ sự kết nối này, tỉnh cũng đã giúp nông dân bán được 5,5 tấn rau cho các thương lái Cà Mau.

Tại tỉnh An Giang cũng đã thành lập đường dây nóng và Tổ phản ứng nhanh, cùng bộ phận giúp việc hỗ trợ tiêu thụ, lưu thông nông sản trong tình hình ứng phó dịch bệnh COVID-19. Theo đó, Tổ phản ứng nhanh có trách nhiệm triển khai, phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 huyện, thị xã, thành phố kịp thời tháo gỡ, xử lý các tình huống khó khăn để hỗ trợ địa phương thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản được thuận lợi, đảm bảo thông suốt, an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp nhận thông tin phản ánh trực tiếp, gián tiếp của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp liên quan đến tình hình sản xuất, thu hoạch tiêu thụ nông sản tại các địa phương. Đối với các trường hợp vượt thẩm quyền, Tổ báo cáo nhanh cho Thường trực UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

Hồng Nhung - Minh Hưng (TTXVN)
Tổ chức sản xuất, phân phối để bình ổn giá hàng hóa thiết yếu
Tổ chức sản xuất, phân phối để bình ổn giá hàng hóa thiết yếu

Ghi nhận tại thị trường TP Hồ Chí Minh, hiện giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đã tăng đáng kể so với thời điểm cuối tháng 5/2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN