Khoảng cách Mỹ-Trung đang thu hẹp nhanh: Thực tế không thể đảo ngược

Nhiều viện nghiên cứu kinh tế đã đưa ra những dự báo rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2028, trong khi các tổ chức tư vấn chiến lược của Trung Quốc dự báo là vào năm 2032.
Khoảng cách Mỹ-Trung đang thu hẹp nhanh: Thực tế không thể đảo ngược ảnh 1Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, ngày 19/2/2021. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo bài phân tích đăng trên trang mạng thinkchina.sg (Singapore) mới đây, những con số được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố vừa qua cho thấy tính theo tỷ giá hối đoái trung bình của năm 2020, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc năm 2020 đạt khoảng 14.730 tỷ USD.

Theo con số mới nhất từ Nikkei, GDP năm 2020 của Mỹ giảm 2,3% tính trên cơ sở hàng năm so với hồi năm 2019, xuống còn 20.930 tỷ USD.

Với sự gia tăng của nước này và giảm sút của nước kia, GDP của Trung Quốc hiện bằng 70,4% GDP của Mỹ, cao hơn 3,6 điểm phần trăm so với năm 2019.

Điều này làm cho Trung Quốc trở thành nền kinh tế tiệm cận gần nhất với kinh tế Mỹ về quy mô kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Trung Quốc vượt Mỹ: Chỉ còn là vấn đề thời gian?

Ở thời kỳ đỉnh điểm của cuộc Chiến tranh Lạnh, nền kinh tế Liên Xô cũ chỉ bằng 40% nền kinh tế Mỹ.

Sau đó, cuối những năm 1980, hiệu ứng "bong bóng" đã đẩy nền kinh tế Nhật Bản lên gần bằng 70% kinh tế Mỹ.

[Trung Quốc khẳng định không nhượng bộ Mỹ trong các vấn đề trọng yếu]

Đồng thời, đã có sự bùng nổ lòng tin giữa những người dân Nhật Bản với dự đoán rằng ở một thời điểm nào đó, nước này sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Không may là khi "bong bóng" sau đó bị vỡ, nền kinh tế Nhật Bản đã không thể phục hồi và vẫn bị đình trệ trong nhiều năm.

Năm 2019, nền kinh tế Nhật Bản suy giảm còn chưa bằng 1/4 nền kinh tế Mỹ. Tỷ lệ này thậm chí còn giảm hơn nữa vào năm 2020, vì nền kinh tế Xứ Kim chi giảm 4,8% vào năm ngoái, trong khi Mỹ giảm 3,5%.

Theo những dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), đối với tăng trưởng của các nền kinh tế lớn trong năm nay, Trung Quốc đạt 7,9% và Mỹ đạt 3,5%; vì vậy, chừng nào tỷ lệ tăng trưởng của Mỹ chưa bằng 70% của Trung Quốc, thì khi đó khoảng cách giữa Trung Quốc và Mỹ thậm chí sẽ còn thu hẹp hơn nữa.

Trên thực tế, kể từ nửa cuối năm 2020, nhiều viện nghiên cứu kinh tế trên toàn thế giới đã đưa ra những dự báo rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2028, trong khi các tổ chức tư vấn chiến lược của Trung Quốc dự báo là vào năm 2032.

Trên thực tế, vấn đề thời điểm nào nền kinh tế Trung Quốc vượt Mỹ không còn là điều quan trọng nữa.

Điều quan trọng là phù hợp với những xu hướng phát triển của lịch sử, vì những nước khởi động muộn và tích cực hội nhập vào quá trình toàn cầu hóa sẽ thực sự có cơ hội thành công hơn khi nhiều điều kiện bên ngoài đã được đáp ứng. Các nước đang dẫn đầu phải làm quen và chấp nhận thực tế này.

Chính phủ Trung Quốc không tập trung vào việc liệu hay khi nào kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ; điều mà Trung Quốc đang tìm kiếm là vượt qua chính mình, vì mục tiêu tối thượng của họ là xây dựng một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại hùng mạnh, và việc vượt Mỹ chỉ là một kết quả của quá trình này.

Và ngay dù nếu điều đó xảy ra vào một thời điểm nào đó trong tương lai, thì người Trung Quốc sẽ không tự mãn hay thu mình lại.

Điều này là vì cách đây hai thế kỷ, Trung Quốc từng là nền kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm tới 1/3 nền kinh tế toàn cầu.

Dân số Trung Quốc gấp khoảng 4,3 lần dân số Mỹ, vì vậy vẫn tồn tại một khoảng cách đáng kể về thu nhập bình quân đầu người, vấn đề mà Trung Quốc sẽ phải làm việc tích cực để thu hẹp.

Đồng thời, Trung Quốc sẽ tiếp tục cải thiện khuôn khổ kinh tế và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của mình.

Mỹ sẽ đối phó với sự thay đổi này như thế nào?

Vấn đề ở đây là Mỹ sẽ đánh giá khoảng cách đang thu hẹp giữa hai nền kinh tế như thế nào? Rõ ràng là Mỹ sẽ khó chấp nhận một thực tế như vậy, vì Mỹ đã giữ vị trí số một trong hơn một thế kỷ, tâm lý của Washington là có thể hiểu được.

Kể từ thời Chính quyền ông Donald Trump, Mỹ đã coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh quan trọng nhất của mình. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phát biểu rằng trong sự giám sát của mình, ông sẽ không để Trung Quốc vượt Mỹ.

Không có gì sai với những điều mà ông Biden nói, nhưng điều quan trọng là điều gì sẽ xảy ra sau triều đại của ông Biden?

Theo những gì các quan chức Mỹ đã phát biểu cho đến nay, một kịch bản như vậy khiến các nhà lãnh đạo Mỹ cảm thấy bị khủng hoảng, và họ đang tiến hành tất cả các biện pháp có thể để mở rộng lợi thế của Mỹ với Trung Quốc, chẳng hạn như tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng.

Trước đó, ông Biden cũng đã nói rằng Trung Quốc sẽ "ăn bữa trưa của chúng ta" nếu Mỹ không tiến lên về cơ sở hạ tầng. Lời cảnh báo đó là đủ để cho thấy mức độ nghiêm trọng mà Nhà Trắng đề cập đến trong cạnh tranh Mỹ-Trung.

Chính quyền Tổng thống Trump đã rút lại tất cả các điểm dừng trong quan hệ với Trung Quốc, sử dụng các biện pháp gây sức ép cực đoan để kiềm chế và áp bức nước này. Trong khi Chính quyền ông Biden làm hoàn toàn khác, nhưng quan điểm cơ bản thì hoàn toàn giống nhau.

Dựa trên những việc làm trước đây của Mỹ, các biện pháp cứng rắn nhằm vào đối thủ được cho là sẽ xảy ra. Các giá trị và hệ thống xã hội của Trung Quốc và Mỹ khác biệt rất lớn, và Mỹ coi sự tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc là "không đội trời chung." Tuy ở một mức độ nào đó, đây là một phản ứng thái quá, nhưng đó là điều có thể hiểu được.

Trung Quốc - thách thức đầy khó khăn

Bắc Kinh không có ý định khởi động một cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ, cũng sẽ không phụ thuộc vào Mỹ như Nhật Bản. Trung Quốc là một cường quốc xã hội chủ nghĩa hoàn toàn độc lập và tự trị.

Miễn là Bắc Kinh không mắc phải những sai lầm chiến lược mang tính phá vỡ, thế giới có thể trông đợi vào sự tăng trưởng liên tục của nước này. Có rất nhiều không gian cho việc cải thiện quá trình đô thị hóa của Trung Quốc. Nhóm có thu nhập trung bình của nước này chiếm chưa đến 30% dân số, để lại không gian rất lớn cho tăng trưởng trong tương lai.

Cũng có rất nhiều khoảng trống cần lấp đầy trong cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.

Tất cả điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ vẫn duy trì được mức tăng trưởng từ trung bình đến cao trong một thời gian, trong khi không ai có thể đảm bảo rằng những tình trạng hỗn loạn đã xảy ra trong năm vừa qua ở Mỹ sẽ không tái diễn.

Mỹ đã phải trả - và sẽ tiếp tục phải trả - một cái giá đắt cho những chia rẽ xã hội nghiêm trọng do nền chính trị đảng phái gây ra, cũng như những tệ nạn xã hội như vấn đề sắc tộc.

Trong bối cảnh này, mong muốn của Nhà Trắng nhằm duy trì vị trí dẫn đầu về kinh tế trước Trung Quốc có thể chỉ là "giấc mơ viển vông." Không chính trị gia hay chính sách nào có thể làm thay đổi khoảng cách kinh tế đang ngày càng thu hẹp nhanh chóng giữa Trung Quốc và Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục