Thách thức lớn đối với ngành công nghiệp sản xuất chip của Đài Loan

Ngay khi các nước bắt đầu lo lắng về tình trạng thiếu linh kiện thì trung tâm sản xuất chip toàn cầu - Đài Loan (Trung Quốc) - lại đối mặt với việc thiếu nước. Mỗi con chip cần tới rất nhiều nước.
Thách thức lớn đối với ngành công nghiệp sản xuất chip của Đài Loan ảnh 1Bên trong nhà máy sản xuất chip TSMC. (Nguồn: technode.com)

Theo mạng tin japantimes.co.jp, hóa ra sản xuất chất bán dẫn không chỉ cần tới các nhà máy trị giá hàng tỷ USD và rất nhiều trí tuệ, ngành công nghiệp này còn cần tới nước.

Mỗi một con chip cần tới rất nhiều gallon nước. Tốt hơn là nên hy vọng không xảy ra hạn hán. Nhưng rất tiếc, điều đó đã xảy ra.

Ngay khi các nhà lãnh đạo thế giới và các công ty sản xuất ôtô bắt đầu lo lắng về tình trạng thiếu linh kiện thì trung tâm sản xuất chip toàn cầu - Đài Loan (Trung Quốc) - đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước.

Tình trạng đó có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu quan trọng nhất của Đài Loan.

Hòn đảo nằm ở rìa Thái Bình Dương này không chỉ là nhà của Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) nổi tiếng hiện nay mà còn có các nhà máy nằm dưới sự điều hành của Micron Technology Inc., United Microelectronics Corp., Vanguard International Semiconductor và nhiều công ty khác.

[Đằng sau sự vững vàng của Toyota giữa “cơn khát” chip của ngành ôtô]

Tất cả các công ty này đều sản xuất chip dùng cho các sản phẩm thông dụng như điện thoại thông minh, thiết bị điện tử chơi game và ôtô.

Ngoài hàng chục trận động đất, Đài Loan còn phải hứng chịu một số ít các trận bão hàng năm. Những cơn bão này có thể có sức tàn phá rất ghê gớm, gây lũ lụt và mất điện. Nhưng mặt khác, chúng đổ hàng tấn nước vào các hồ chứa của Đài Loan, thường là trong khoảng thời gian từ tháng Sáu đến tháng Chín.

Vừa may và cũng là không may, năm ngoái không có cơn bão nào như vậy đổ bộ vào Đài Loan. Ảnh hưởng của điều đó đang được cảm nhận thấy ngay bây giờ, trong mùa khô hạn nhất của Đài Loan.

TSMC và chính phủ Đài Loan biết rằng đây là một vấn đề. Gần đây, Cơ quan Tài nguyên Nước đã thông báo cắt giảm lượng nước sử dụng công nghiệp lên tới 11% ở một số khu vực được lựa chọn. Việc phân bổ chặt chẽ hơn có thể được thực hiện nếu mùa mưa không đến sớm.

Theo phân tích dữ liệu khí hậu từ hơn hai chục trạm thời tiết, lượng mưa ở miền Trung Đài Loan trong 6 tháng tính đến hết tháng 1 vừa qua chỉ bằng 49% con số trung bình trong 20 năm qua. Ở miền Nam Đài Loan, con số này là khoảng 79%. Điều nghịch lý là miền Bắc Đài Loan lại có lượng mưa trên mức trung bình một chút. TSMC có các nhà máy trải dài trên cả ba miền.

Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến các hồ chứa. Nhìn vào các hồ chứa ở miền Trung và miền Nam Đài Loan, có thể thấy mực nước giảm xuống còn khoảng 41% dung tích, trong đó hồ lớn thứ ba của hòn đảo này - Tsengwen- hiện chỉ ở mức 15%.

Vấn đề trở nên trầm trọng hơn khi thực tế là nhu cầu về nước không hề giảm đi. Các nhà sản xuất chip sử dụng chất lỏng phổ biến nhất trên thế giới để làm sạch các tấm wafer trong suốt quá trình sản xuất, cũng như để giữ cho các nhà máy và không khí bên trong nhà máy luôn sạch sẽ.

Vào năm 2019, năm gần nhất có dữ liệu có sẵn, lượng nước tiêu thụ hàng ngày của TSMC ở Đài Loan là 156.000 tấn mỗi ngày. Tại các cơ sở sản xuất phía Bắc, công ty này sử dụng tới 10,3% nguồn cung cấp nước hàng ngày của khu vực.

Dữ liệu từ TSMC chỉ ra rằng các lô hàng tấm wafer - một tiêu chuẩn đo lường được sử dụng để đo khối lượng đầu ra - đã tăng 23% trong năm ngoái.

Hơn nữa, lượng nước cần thiết cho mỗi đơn vị tiếp tục có xu hướng tăng lên. Từ năm 2015 đến 2019, lượng nước tiêu thụ cho việc sản xuất mỗi một lớp wafer đã tăng 33%, lên 59 lít cho mỗi tấm wafer.

Nếu các con chip trở nên phức tạp hơn với nhiều lớp hơn, thì lượng nước cần dùng sẽ tăng lên.

Về mặt công khai, TSMC không tỏ ra lo lắng. Công ty này đã bắt đầu tìm cách vận chuyển nước bằng xe tải, vốn có vẻ là để giải quyết vấn đề thiếu hụt nước thực sự, nhưng điều đó chỉ có thể giúp cung cấp được khoảng 20 tấn nước mỗi lần vận chuyển.

Công ty có kế hoạch dự phòng như dự trữ hai ngày công suất sử dụng nước tại mỗi nhà máy, và chuẩn bị tàu chở dầu cùng các nguồn lực khác để có thể cung cấp được 20% nguồn nước cần thiết nếu các hạn chế nghiêm ngặt nhất được áp dụng.

Công ty này cũng tự hào báo cáo rằng, năm 2019 họ đã tiết kiệm được 3,28 triệu tấn nước thông qua các biện pháp cải tạo và tái chế nguồn - đó là một con số ấn tượng, ngoại trừ việc công ty này đã tiêu thụ khoảng 58 triệu tấn nước trong năm đó.

Một cơ sở xử lý nước mới sẽ được đưa vào hoạt động trong vòng 12 tháng tới sẽ thúc đẩy hơn nữa việc cải tạo nguồn nước, nhưng thực tế nguồn nước chính sẽ là nguồn nước mưa.

Đài Loan và ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn nổi tiếng của hòn đảo này đã vượt qua được các trận động đất, hạn hán và thậm chí là tình trạng thiếu điện.

Và Đài Loan cũng sẽ vượt qua được cuộc khủng hoảng lần này. Nhưng để chắc chắn, các nhà lãnh đạo chính trị và các lãnh đạo ngành công nghiệp này có thể sẽ muốn dành vài phút để cầu mưa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục