Các FTA của EU ảnh hưởng thế nào với ngành nông nghiệp châu Âu?

Trong số các nội dung của những hiệp định thương mại tự do của EU với các đối tác khác nhau, lĩnh vực nông nghiệp luôn chiếm vị trí trung tâm trong các cuộc tranh luận nội bộ.
Các FTA của EU ảnh hưởng thế nào với ngành nông nghiệp châu Âu? ảnh 1(Nguồn: AFP)

Nếu như từ khoảng 20 năm qua, Liên minh châu Âu (EU) tập trung chủ yếu cho việc mở rộng thị trường khu vực, thì nay lại chuyển hướng ra thị trường nước ngoài.

Thực tế cho thấy EU là một trong những khu vực thúc đẩy tích cực nhất các hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) với các đối tác ngoài khu vực.

Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế Pháp, chiến lược của EU trong hoạt động thương mại song phương được thể hiện trong chính nội dung của các hiệp định mà liên minh đã ký kết hoặc đang đàm phán với các đối tác.

Ban đầu, EU chỉ giới hạn đàm phán những nội dung liên quan đến trao đổi hàng hóa và dịch vụ, nhưng sau đó còn mở rộng sang cả vấn đề đầu tư, sở hữu trí tuệ, các quy tắc tiếp cận thị trường công cộng, các tiêu chuẩn về y tế và môi trường.

Cho đến nay, EU đã mở rộng cả về địa lý và nội dung của các FTA với hàng loạt đối tác, trong đó có dự thảo thỏa thuận với Mỹ (Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương-TTIP), Canada (Hiệp định Kinh tế và Thương mại Toàn diện - CETA) và Mercosur (Hiệp định Thương mại giữa châu Âu với Khối thị trường chung Nam Mỹ gồm Argentina, Brazil, Paraguay, Uruguay).

Trong số các nội dung của những hiệp định thương mại tự do của EU với các đối tác khác nhau, lĩnh vực nông nghiệp luôn chiếm vị trí trung tâm trong các cuộc tranh luận nội bộ, đồng thời gây ra nhiều quan ngại đối với những nhà sản xuất và chế biến nông sản châu Âu. Chiến lược của Ủy ban châu Âu (EC) đối với các FTA đã làm gia tăng phản kháng trong dư luận.

[Anh và EU xây dựng mối quan hệ 'bình thường mới' hậu Brexit]

Các mối quan tâm của xã hội (việc làm, môi trường, y tế) đều thể hiện chống lại các hiệp định như TTIP, CETA và và EU-Mercosur. Thậm chí, sự phản kháng của dư luận không chỉ khiến EU buộc phải từ bỏ TTIP và sửa đổi hiệp định CETA, mà còn gây ra những bất ổn lớn về số phận chính trị của hiệp định EU-Mercosur.

Điển hình của một trong các FTA là trường hợp CETA được ký với Canada ngày 30/10/2016, được Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào ngày 15/2/2017 và tạm thời có hiệu lực từ ngày 21/9/2017.

Trên thực tế, EU là nhà cung cấp hàng hóa lớn thứ hai của Canada sau Mỹ, còn Canada là thị trường xuất khẩu lớn thứ 12 của EU-28.

Các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm (ngũ cốc, hạt có dầu, thịt và đồ uống dẫn đầu) chiếm gần 10% giá trị thương mại với Canada.

Cán cân thương mại nông sản và thực phẩm hiện đang thặng dư, chủ yếu từ xuất khẩu đồ uống. Ngược lại, thâm hụt thương mại đang gia tăng trong trao đổi các sản phẩm ngũ cốc và hạt có dầu cũng như các sản phẩm thịt và cá.

Theo cam kết trong CETA, các bên đang thực hiện việc dỡ bỏ 93,8% số dòng thuế vào EU và 91,7% vào Canada. Tuy nhiên, một số sản phẩm được đánh giá là "nhạy cảm" sẽ là đối tượng của các biện pháp xử lý khác nhau, như thịt bò và thịt lợn. Còn một số sản phẩm đồ ngọt nhất định (hạn ngạch), hoặc thịt gia cầm sẽ không được tự do hóa.

Trong khi đó, EC lại quan tâm đến những lợi ích kinh tế, đặc biệt đối với sản phẩm pho mát (tăng gấp đôi hạn ngạch miễn thuế hải quan), rượu vang và rượu mạnh (loại bỏ "các rào cản đáng kể"), sôcôla, bánh kẹo, bánh mì, bánh ngọt và bánh quy (thuế quan bằng không).

Bên cạnh đó, EC cũng chú ý đến việc bảo hộ 143 chỉ dẫn địa lý (GIs), dự kiến sẽ bảo hộ các dòng sản phẩm nhạy cảm nhất bằng việc gỡ bỏ hạn ngạch thuế quan bị hạn chế cuối cùng về số lượng ở mức rất thấp so với sản xuất của EU.

Ủy ban cũng khẳng định giữ vững lập trường cấm nhập khẩu các loại sản phẩm có chứa hormone hoặc ractopamine.

Các đánh giá độc lập cũng đang khẳng định thêm cho những kết quả này. Theo báo cáo đánh giá về tác động của hiệp định CETA do "Ủy ban Schubert" (nhóm chín chuyên gia kinh tế độc lập của Pháp do Giáo sư Katheline Schubert thuộc Đại học Paris 1 Panthéon-Sorbonne làm trưởng nhóm) thực hiện, CETA dự tính tăng hạn ngạch nhập khẩu miễn thuế vào EU lên 67.950 tấn thịt tương đương vào năm 2022.

Ngành này có thể bị ảnh hưởng nếu hiệp định dẫn đến việc gia nhập thị trường các loại sản phẩm chất lượng cao với chi phí thấp hơn. Các nhà xuất khẩu Canada, vốn rất thành công trong khả năng đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, sẽ nắm bắt nhanh chóng các cơ hội mới để phát triển sản xuất thịt lợn không có ractopamine và thịt bò không có hormone, với hạn ngạch được tăng theo thời gian.

Ngoài ra, nếu CETA đóng vai trò như một hình mẫu cho các hiệp định khu vực trong tương lai, thì nhiều khả năng các đối tác mới sẽ được cấp thêm hạn ngạch nhập khẩu thịt cao hơn so với hạn ngạch hiện có.

Trường hợp của hiệp định EU-Mercosur là một minh chứng khác về khó khăn của EU trong việc đàm phán một hiệp định "có lợi" cho tất cả các bên và cũng có lợi cho ngành nông nghiệp châu Âu. Mercosur ngày nay được bảo vệ thông qua thuế quan mà EU dành cho khu vực này.

Ngành công nghiệp Mercosur được bảo vệ đặc biệt. Ví dụ như trong ngành ôtô của Brazil, thuế áp đối với xuất khẩu của châu Âu là 23%.

3/4 xuất khẩu của EU sang Mercosur đến từ ngành công nghiệp của khu vực này (hóa chất, máy móc, thuốc, máy bay). Hiệp định EU-Mercosur đặt EU vào tình huống phải đánh đổi, theo đó để giành được thị phần trong ngành công nghiệp và dịch vụ, EU cần mở cửa lĩnh vực nông nghiệp cho một số nhà xuất khẩu cạnh tranh nhất trên thế giới.

Những đánh giá mới nhất của giới kinh tế Pháp về hậu quả của hiệp định đối với lĩnh vực nông nghiệp cũng cho thấy rằng, ngoại trừ rượu vang và rượu mạnh, và các sản phẩm từ sữa ít bị ảnh hưởng, sản xuất nông nghiệp của EU trong một kịch bản của hiệp định "ít tham vọng" sẽ bị tụt hậu.

Nhập khẩu đang gia tăng, đặc biệt là sản phẩm thịt bò. Mercosur cung cấp từ 2/3 đến 3/4 lượng thịt bò nhập khẩu vào châu Âu, tùy theo mỗi năm, và khối lượng có thể tăng từ 25% đến 80% tùy thuộc vào phiên bản của hiệp định đã đàm phán.

Mercosur xuất khẩu thịt bò đông lạnh, không xương (chiếm khoảng 2/3 tổng lượng thịt bò xuất khẩu của mình) ra thế giới. EU cho rằng các sản phẩm này ít được quan tâm do châu Âu chủ yếu sử dụng thịt tươi.

Những người chăn nuôi bò thịt ở châu Âu, hiện được bảo vệ bởi các hàng rào thuế quan và hạn ngạch thuế quan, hiện nhận thấy hạn ngạch nhập khẩu thịt bò và bê từ Mercosur tăng lên 99.000 tấn, với mức ưu đãi 7,5%. Con số này là thấp trong tổng xuất khẩu của Brazil, chiếm ít hơn 1,5% tiêu thụ của EU.

Mặc dù EU vẫn giữ được một khoảng cách khá xa so với mức 350.000 tấn hạn ngạch nhập khẩu ưu đãi mà Mercosur yêu cầu, nhưng về lý thuyết, việc tăng hạn ngạch dự kiến hiện nay, ngay cả khi thấp hơn cũng không lường được lượng thịt bò nhập khẩu để xác định được giá trên thị trường nội địa châu Âu.

Theo mong muốn của Mercosur, hạn ngạch có thể phải tăng theo thời gian và đạt 350.000 tấn được yêu cầu kể từ khi bắt đầu đàm phán. Mối đe dọa đằng sau những con số này là tương lai của ngành chăn nuôi châu Âu.

Rõ ràng một thỏa thuận thương mại, để được dư luận ủng hộ thì phải đảm bảo được các yếu tố về chiến lược. Việc EU ký kết các hiệp định thương mại còn gây tranh cãi có thể do mong muốn các bên tham gia có thêm trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường và xã hội.

Thời gian tới, nhiều khả năng EU sẽ đề ra một số giải pháp nhằm khôi phục sự cân bằng ưu tiên giữa chủ nghĩa đa phương và chủ nghĩa song phương, đồng thời xác định các mục tiêu rõ ràng cho các FTA.

Các FTA là một sự rời bỏ chủ nghĩa đa phương do EU chủ trương. Do vậy, trong tương lai EU sẽ chỉ chấp nhận và xem xét các FTA nếu được xác định là biện pháp tốt nhất về mặt xã hội và môi trường so với hoạt động kinh doanh thông thường của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Quy tắc này sẽ xác định các đối tác mà EU đàm phán các FTA trong tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục