Thứ ba, ngày 30/04/2024

Tin tức trong ngành

Hội thảo tăng cường truyền thông về Pháp ngữ


(09/12/2020 16:34:15)

Khoảng 50 nhà báo, đại diện các cơ quan truyền thông Việt Nam và các diễn giả khách mời đã cùng nhau thảo luận để hiểu sâu hơn về cộng đồng Pháp ngữ, về báo chí Pháp ngữ tại hội thảo “Tăng cường truyền thông về Pháp ngữ và các cơ hội hợp tác” diễn ra ngày 3/12 tại Trung tâm Thông tấn quốc gia. Hội thảo do báo Le Courrier du Vietnam (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức dưới sự hỗ trợ của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) và được kết nối trực tuyến năm điểm cầu là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cùng hai thành phố của nước Pháp là Lyon và Paris, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập OIF.

Phó tổng giám đốc TTXVN  Lê Quốc Minh phát biểu khai mạc hội thảo

Một thực thể đa dạng

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó tổng giám đốc Lê Quốc Minh khẳng định, hội thảo không chỉ nhằm tôn vinh một cộng đồng gồm các quốc gia, lãnh thổ, các tổ chức và thể chế có sử dụng tiếng Pháp, mà còn góp phần giới thiệu để báo chí trong nước hiểu thêm về vai trò, hoạt động của cộng đồng này và sự tham gia của Việt Nam cũng như sự phát triển của báo chí truyền thông Pháp ngữ. Hội thảo góp phần tăng cường sự đoàn kết của các đối tác Pháp ngữ tại Việt Nam, khẳng định sự năng động của các đơn vị làm báo bằng tiếng Pháp của TTXVN, trong đó có báo Le Courrier du Vietnam, cũng như vai trò của Văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của OIF ở Việt Nam và khu vực.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số chủ đề như: lịch sử phát triển cộng đồng Pháp ngữ và OIF; hợp tác kinh tế trong cộng đồng; Pháp ngữ và tiếng Pháp trong chính sách đối ngoại của Việt Nam; thực trạng và các vấn đề của báo chí Pháp ngữ tại Việt Nam; cơ quan đại học Pháp ngữ (AUF) và các cơ hội việc làm...

Theo trưởng đại diện khu vực châu Á-Thái Bình Dương của OIF Chékou Oussouman, tiếng Pháp tuy không phải là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi nhất, nhưng lại phổ biến và được dạy nhiều nhất sau tiếng Anh. Thông qua các hoạt động của mình, OIF đã huy động các nguồn lực để tạo điều kiện và dành ưu tiên cho thanh niên và phụ nữ khởi nghiệp. Bên cạnh đó, OIF cũng giúp mọi người tiếp cận giáo dục và đổi mới thông qua các công cụ kỹ thuật số. Vận động, nâng cao năng lực thúc đẩy bình đẳng giới, xây dựng không gian đoàn kết trên nguyên tắc của chủ nghĩa nhân văn, dân chủ, tôn trọng sự đa dạng văn hóa và ngôn ngữ là mục tiêu mà Tổ chức quốc tế Pháp ngữ theo đuổi.

Hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực

Đề cập đến Pháp ngữ trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, Đại sứ đại diện quốc gia Việt Nam bên cạnh OIF Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh, Việt Nam tiếp tục xem Pháp ngữ là diễn đàn quan trọng để triển khai đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế và chủ động tích cực hội nhập toàn cầu. Việt Nam tiếp tục là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng và có nhiều đóng góp để phát huy vai trò là cửa ngõ của Pháp ngữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pháp ngữ tiếp tục đi vào chiều sâu và phát triển hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Hiện nay, các nước Pháp ngữ ở châu Phi đang trở thành đối tác thương mại về nguồn nguyên liệu quan trọng cho công nghiệp chế biến của Việt Nam. Thời gian tới, Việt Nam sẽ quan tâm thúc đẩy các dự án hợp tác ba bên (OIF, nước tài trợ, nước thụ hưởng) với các nước châu Phi trong các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, viễn thông và hạ tầng.

Đại sứ Đinh Toàn Thắng cũng nhấn mạnh, Việt Nam cần một nền tảng tiếng Pháp vững chắc và chú ý đến việc giảng dạy tiếng Pháp hơn nữa để thuận lợi trong việc hội nhập và hợp tác. Hiện nay, Việt Nam có hơn 600.000 người biết tiếng Pháp, nhưng số lượng người nói tiếng Pháp thường xuyên vẫn còn hạn chế. Do đó, chúng ta cần tìm kiếm chất lượng hơn là số lượng.

Quan điểm này nhận được sự đồng tình của Giáo sư Jean-Marc Lavest, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của cơ quan đại học Pháp ngữ AUF. Theo ông, ngoài việc đào tạo kiến thức, ngay trên ghế nhà trường, học sinh, sinh viên cần trang bị những hiểu biết về thị trường lao động, kỹ năng phỏng vấn xin việc và các kỹ năng mềm cần thiết khác. Pháp ngữ có ưu thế đặc trưng rèn luyện cho người học khả năng tư duy, lập luận, phân tích chặt chẽ và sắc bén. Do đó, chúng ta cần trân trọng Pháp ngữ như là cánh cửa mở ra nhiều nền văn hóa, cộng đồng của sự gắn kết và chia sẻ.
 
Quang cảnh hội thảo 

Báo chí Pháp ngữ tại Việt Nam

Phân tích thực trạng và các vấn đề hiện nay của báo chí Pháp ngữ ở Việt Nam, Tổng biên tập báo Le Courrier du Vietnam Nguyễn Thu Hà cho biết, với những đặc điểm và phong cách riêng biệt, báo chí Pháp ngữ đã khẳng định được vị thế của mình trong làng báo chí Việt Nam. Báo chí Pháp ngữ đang thực hiện tốt nhiệm vụ giới thiệu về đất nước, con người và bản sắc văn hóa Việt Nam; tuyên truyền, giải thích để cộng đồng Pháp ngữ hiểu hơn về đường lối chính sách đối nội, đối ngoại của Nhà nước. Từ đó ủng hộ Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế; phản bác lại luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, chống phá đất nước và là cầu nối giữa Việt Nam với cộng đồng Pháp ngữ.

Là bộ phận không thể tách rời của báo chí Việt Nam, cùng với chủ trương đẩy mạnh thông tin đối ngoại, báo chí Pháp ngữ đã khởi sắc. Tuy số lượng không nhiều nhưng các bản tin, chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng Pháp đang ngày càng được cải thiện về chất lượng nội dung. Trong đó, đặc biệt là TTXVN với gần một chục đầu báo, bản tin và chuyên đề tiếng Pháp cùng lực lượng hùng hậu hơn 50 nhà báo sử dụng tiếng Pháp.

Trong quá trình phát triển, báo chí Pháp ngữ có nhiều thuận lợi song cũng phải đối mặt với không ít khó khăn như: cạnh tranh về ngôn ngữ (Anh, Hàn, Trung, Nhật…); cạnh tranh giữa các tờ báo Pháp ngữ với nhau; trong phát triển và mở rộng thị phần độc giả; đội ngũ phóng viên, biên tập viên còn thiếu, năng lực chuyên môn và ngoại ngữ chưa được như mong muốn; đặc biệt là sự thờ ơ của chính các đối tác Pháp ngữ ở Việt Nam đối với báo chí nói tiếng Pháp trong nước.

Trước những thách thức đó, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra các phương hướng hành động nhằm lan tỏa thông tin Pháp ngữ hiệu quả hơn và tăng cường hợp tác giữa các cơ quan truyền thông. Đồng thời, khẳng định tiếp tục ủng hộ các hoạt động của OIF tại Việt Nam cũng như trong khu vực, đặc biệt các chương trình hợp tác báo chí và truyền thông. Trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa vị trí của Pháp ngữ trong chính sách đối ngoại của Việt Nam cần sự quyết tâm và hành động cụ thể của OIF, các cơ quan Pháp ngữ, chính phủ Việt Nam và của chính mỗi công dân Pháp ngữ./.
 
Các sản phẩm thông tin của tòa soạn báo Le Courrier du Vietnam - tờ báo bằng tiếng Pháp duy nhất tại Việt Nam

Bùi Phương
Nội san Thông tấn

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Tiếp tục Dự án "Nói không với fake news" và trao Tủ sách Đinh Hữu Dư tại Quảng Nam (09/12/2020 15:11:32)

TTXVN khai trương trang thông tin về Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (03/12/2020 14:22:09)

Năm Chủ tịch ASEAN 2020: Hãng thông tấn chủ nhà phát huy sức mạnh gắn kết và chủ động thích ứng (03/12/2020 09:31:58)

Năm Chủ tịch ASEAN 2020: Chủ động và tích cực (03/12/2020 09:29:47)

Năm Chủ tịch ASEAN 2020: Thích ứng linh hoạt (03/12/2020 09:29:05)

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020: Những trải nghiệm khó quên (03/12/2020 09:28:29)

Tác nghiệp thời đại dịch COVID giữa lòng châu Âu (03/12/2020 09:25:27)

Dòng tin từ rốn lũ (03/12/2020 09:21:30)

Năm Chủ tịch ASEAN 2020: Đi hội nghị “ảo” làm tin thật (03/12/2020 09:19:53)

Năm Chủ tịch ASEAN 2020: Nỗ lực trong từng bản tin hình (03/12/2020 09:18:51)