Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Tin tức trong ngành

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020: Những trải nghiệm khó quên


(03/12/2020 09:28:29)

Đưa tin cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 có lẽ là trải nghiệm đáng nhớ nhất của tôi trong nhiệm kỳ công tác tại Cơ quan thường trú (CQTT) Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Washington. Đây là quãng thời gian bận rộn nhất với nhiều căng thẳng, lo lắng, thậm chí cả stress do phải đối mặt với khối lượng công việc khổng lồ, ở quốc gia có hệ thống bầu cử được coi là phức tạp nhất trên thế giới với nhiều giai đoạn cũng như các quy định khác nhau, trong khi tôi chưa có nhiều kinh nghiệm đưa tin bầu cử. Thế nhưng, đó lại là cơ hội tuyệt vời khi được đưa tin về sự kiện quan trọng diễn ra 4 năm một lần, thu hút sự quan tâm không chỉ của người Mỹ mà của nhiều nước trên toàn thế giới. Chiến dịch thông tin này là dấu mốc để tôi cảm nhận sự trưởng thành của mình trong công tác thông tin và công tác quản lý.

Nhóm phóng viên CQTT TTXVN tại Washington phản ánh không khí bầu cử ở một điểm bỏ phiếu bang Virginia trong ngày tổng tuyển cử 3/11

1. Không giống như nhiều tuyến thông tin khác mà tôi từng thực hiện tại địa bàn khi những sự kiện dù quan trọng và nổi bật cũng chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, chiến dịch thông tin về bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 kéo dài hai năm, từ các cuộc tranh luận của các ứng cử viên cho tới ngày tổng tuyển cử và hậu bầu cử.

Mặc dù đã ý thức được tầm quan trọng và khối lượng công việc từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, thời điểm tôi đang luân chuyển công tác tại Phòng thời sự của Ban biên tập tin Thế giới, nhưng lần này trong vai trò là người phụ trách chính tuyến tin, tôi thực sự thấy áp lực. Tôi chưa hình dung sẽ tổ chức tuyến tin này như thế nào cho thật hiệu quả, khoa học, đáp ứng tốt nhất yêu cầu thông tin của Tổng xã, trong khi vẫn đảm bảo đưa tin các sự kiện quan trọng khác.

Để chủ động nắm chắc công việc, tôi đã tìm hiểu kỹ quy trình bầu cử Mỹ, trao đổi kinh nghiệm với những người tiền nhiệm tại địa bàn và đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với Phòng thời sự, Phòng media của Ban biên tập tin Thế giới để hoàn thành bản đề cương chi tiết với ba phần riêng biệt. Đó là: cuộc bầu cử sơ bộ để chọn ra ứng cử viên chính thức của mỗi đảng tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng; cuộc đua chính thức giữa hai ứng cử viên Tổng thống cho tới ngày kết thúc cuộc tổng tuyển cử 3/11 và hậu bầu cử.

2. Với kế hoạch thông tin chi tiết và cụ thể, tôi phần nào yên tâm về sự chuẩn bị của mình. Sẽ không có gì đáng nói nếu như đại dịch COVID-19 không xảy ra và làm đảo lộn mọi kế hoạch. Dù biết rằng sẽ có những bất ngờ không thể lường hết được, nhưng quả thực, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 đã bị xáo trộn quá lớn và diễn ra trong hoàn cảnh chưa từng có trong lịch sử. Điều này buộc CQTT Washington phải thay đổi kế hoạch, phương thức tác nghiệp để phù hợp với tình hình mới. Nhiều chuyến công tác có trong kế hoạch như tham dự đại hội của hai đảng đã bị hủy, mặc dù trước đó việc xin thẻ tham dự rất khó khăn. Bên cạnh đó, chúng tôi nhanh chóng chuyển các cuộc phỏng vấn chuyên gia tại địa bàn qua Zoom, Skype - điều mà CQTT chưa bao giờ thực hiện và thực tế cũng đã gặp không ít khó khăn.

Điều đầu tiên phải vượt qua chính là nỗi sợ bị nhiễm COVID-19 khi đi tác nghiệp tại hiện trường. Việc phỏng vấn người dân, phản ánh không khí bầu cử vào những ngày “Siêu thứ ba” hay ngày “tổng tuyển cử” vẫn diễn ra giữa tâm dịch. Sau mỗi lần như vậy, dù đã đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp bảo hộ đầy đủ, nhưng tâm lý lo lắng vẫn kéo dài nhiều ngày. Thế nhưng, mọi nỗi sợ hãi dường như biến mất, dần nhường chỗ cho nhiệt huyết và say mê khi cuốn vào guồng công việc. Và chúng tôi lại tiếp tục có mặt tại hiện trường để đưa tin.
 
Trưởng CQTT TTXVN tại Washington Đặng Thu Huyền dẫn hiện trường tại một quảng trường ở trung tâm thủ đô Washington - nơi người dân Mỹ đổ về ăn mừng chiến thắng của ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden, sáng 7/11

3. Trong quá trình phối hợp thông tin với các đơn vị tại Tổng xã, có rất nhiều chuyện đáng nhớ khi chuẩn bị kịch bản cho ngày tổng tuyển cử, hay nội dung chương trình 360 độ cho hậu bầu cử. Trong quá trình theo dõi thông tin, diễn biến tại địa bàn cùng các phân tích, nhận định của giới chuyên gia khi phỏng vấn, tôi đã chủ động đề xuất ba kịch bản, thay vì hai kịch bản như truyền thống những lần bầu cử trước đây với kết quả rõ ràng ngay trong đêm bầu cử. Kịch bản thứ ba được tôi đưa ra cho năm khác biệt này chính là cuộc bầu cử 2020 sẽ không có kết quả ngay và có khả năng sẽ diễn ra cuộc chiến pháp lý giữa hai bên. Đúng như dự báo, kịch bản này đã xảy ra và sự chuẩn bị kỹ lưỡng đã thực sự hữu ích, giúp tôi hoàn toàn chủ động được công việc.

Thế nhưng, có những việc khó có thể chuẩn bị trước được và nhiều khi lại phụ thuộc vào sự may mắn. Khi làm chương trình 360 độ phát vào tối 7/11 (theo giờ Việt Nam), cuộc đua lúc đó chưa ngã ngũ với sự bám đuổi sát sao của hai ứng cử viên. Nếu ông Biden giành chiến thắng vào sáng 7/11 theo giờ Mỹ, thông tin của chương trình sẽ trở nên lạc hậu, buộc ê kíp phải xử lý tình huống gấp để chữa cháy hoặc phải thay thế. Nhưng thật may mắn, tới tận trưa 7/11, ông Biden mới được giới truyền thông dự đoán trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Những tình huống như vậy rất dễ gây “đau tim” cho cả nhóm làm chương trình.

Điều tôi cảm thấy đặc biệt thú vị và bất ngờ là được chứng kiến niềm vui của người dân Mỹ khi nghe tin ông Biden chiến thắng và những khoảnh khắc họ ăn mừng trên đường phố ở khu trung tâm của thủ đô trong tiếng còi xe inh ỏi, tiếng reo hò, ca hát không dứt. Và dĩ nhiên, tôi đã không bỏ qua cơ hội đó để kịp thời tác nghiệp bằng chiếc điện thoại của mình.

Cuộc bầu cử chưa kết thúc khi Tổng thống Trump chưa công nhận kết quả bầu cử với cáo buộc gian lận phiếu bầu và phải tiếp tục theo dõi các diễn biến hậu bầu cử cho tới khi người chiến thắng chính thức nhậm chức. Bầu cử đối với tôi giờ không còn là nỗi sợ nữa mà là một cơ hội để có những trải nghiệm thú vị, khó quên trong quãng thời gian làm phóng viên thường trú tại xứ sở Cờ hoa./.
 
Với những kinh nghiệm có được sau đợt thông tin về bầu cử, tôi nhận thấy, điều quan trọng nhất để làm tốt tuyến thông tin này phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, lên kế hoạch và phân công công việc hợp lý. Bên cạnh đó, cần sắp xếp tư liệu mà mình có được khi khai thác các nguồn thông tin tại nước sở tại và sử dụng làm tư liệu cá nhân để có thể theo dõi xuyên suốt cả quá trình bầu cử, từ đó có nhận định và góc nhìn riêng một cách khoa học và chính xác.

Đặng Thu Huyền - Trưởng CQTT tại Washington, Mỹ
Nội san Thông tấn số 11/2020

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Tác nghiệp thời đại dịch COVID giữa lòng châu Âu (03/12/2020 09:25:27)

Dòng tin từ rốn lũ (03/12/2020 09:21:30)

Năm Chủ tịch ASEAN 2020: Đi hội nghị “ảo” làm tin thật (03/12/2020 09:19:53)

Năm Chủ tịch ASEAN 2020: Nỗ lực trong từng bản tin hình (03/12/2020 09:18:51)

Tình người qua những câu chuyện (03/12/2020 09:16:50)

Những lá thư của liệt sỹ Phạm Văn Bình (03/12/2020 09:14:40)

Chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 (03/12/2020 08:48:54)

Nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn (03/12/2020 08:47:37)

Tập huấn sử dụng phần mềm quản lý văn bản điện tử liên thông (03/12/2020 08:47:00)

Khám sức khỏe định kỳ cho công chức, viên chức và người lao động (03/12/2020 08:45:32)