Kinh tế

Hội chợ đặc sản vùng miền 2020 – Kênh quảng bá các sản vật Việt Nam

Với quy mô 300 gian hàng của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 63 tỉnh, thành phố, Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam năm 2020, diễn ra tại Tại quảng trường Trung tâm thương mại Mega Mall Royal City (72A Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) hứa hẹn là cầu nối đưa các sản vật trưng khắp 3 miền Việt Nam giới thiệu đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, kết nối “3 nhà”: sản xuất - phân phối - tiêu dùng.
Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh thành trong cả nước, do UBND thành phố Hà Nội giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) và Sở Công thương Hà Nội tổ chức.

Là sự kiện được thường niên tại Hà Nội từ năm 2014, Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam đã trở thành sự kiện xúc tiến thương mại uy tín, có tính lan tỏa, thu hút đông đảo các tỉnh, thành phố trong cả nước tham dự.

Đối tượng tham gia là các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất và các đơn vị (Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) của các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Năm nay, Ban tổ chức Hội chợ phối hợp với các sở, ngành, đặc biệt quan tâm lựa chọn các sản phẩm đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm, khuyến khích doanh nghiệp giới thiệu những sản phẩm sáng tạo, bao bì đẹp. Nhiều doanh nghiệp đã thiết kế gian hàng ấn tượng, cử các nhân viên là người có năng lực trình độ chuyên nghiệp tham gia để phục vụ nhu cầu tìm hiểu thông tin sản phẩm của người tiêu dùng tại Hội chợ.



Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam 2020 tại Trung tâm thương mại Mega Mall Royal City, Hà Nội.


Với quy mô 300 gian hàng của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 63 tỉnh thành, Hội chợ đặc sản vùng miền đã thu hút đông đảo người dân tới mua sắm.


Đây là cơ hội để người dân có thể mua được những đặc sản của nhiều vùng miền trên cả nước.


Người dân sẽ được trải nghiệm, mua sắm với những đặc sản nổi tiếng của từng tỉnh thành.


Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu của mình đến với người dân hơn.


Thương hiệu Trà đặc sản Sài Gòn vừa đạt giải Gourmet de Paris của APVA 2020.


Sản phẩm Trà hoa vàng, Quảng Ninh được nhiều người tiêu dùng quan tâm.


Sản phẩm hồ lô tỉnh Tây Ninh.

Đến với Hội chợ đặc sản vùng miền, người tiêu dùng không chỉ được thưởng thức những sản phẩm ngon, lạ, bảo đảm an toàn thực phẩm mà còn “mãn nhãn” với cách trình bày một số gian hàng với các sản phẩm đẹp mắt, hấp dẫn cả về màu sắc, hương vị và chất lượng.

Các sản phẩm được giới thiệu, quảng bá tại Hội chợ năm nay gồm các nhóm mặt hàng như: Nông sản thực phẩm; thủy hải sản tươi sống, chế biến của các tỉnh vùng biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nha Trang, Bình Thuận…; thịt lợn, thịt trâu gác bếp của các tỉnh Tây Bắc như Sơn La, Cao Bằng, Hà Giang; cam Cao Phong, Hà Giang, Hàm Yên; xoài Cao Lãnh; cà phê (Buôn Ma Thuột); sâm Ngọc Linh (Quảng Nam)...

Các đơn vị, doanh nghiệp tham dự không chỉ có cơ hội quảng bá sản phẩm đặc sản của địa phương với người tiêu dùng Hà Nội, mà còn có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng - tiêu thụ tại thị trường Thủ đô, đặt nền móng cho việc xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Thống kê nhiều năm tổ chức cho thấy, Hội chợ là nơi các nhà phân phối tìm kiếm, lựa chọn nguồn cung cấp hàng hóa.

Nếu như năm 2014, quy mô hội chợ còn khá khiêm tốn với 120 gian hàng thì đến nay, hội chợ đã lên đến 300 gian hàng, thu hút 200 doanh nghiệp đến từ 60 tỉnh, thành trong cả nước.

Hội chợ được đánh giá như là kênh quảng bá hiệu quả cho các sản phẩm đặc sản Việt Nam. “Những ngày tham gia Hội chợ là những ngày hội đặc sản của cả nước tập trung về Thủ đô cũng là dịp để giới thiệu những nét văn hóa truyền thống, du lịch đặc trưng của mỗi vùng đất tới du khách trong nước và quốc tế” - Phó Chủ tịch thường trực UBND Hà Nội, ông Nguyễn Văn Sửu  nhấn mạnh.

Sau 6 năm tổ chức, Hội chợ Đặc sản vùng miền vẫn luôn có sức hút đặc biệt. Đây là sự kiện được người tiêu dùng Thủ đô, doanh nghiệp, khách du lịch trong và ngoài nước hưởng ứng, chờ đợi vào dịp cuối năm để đến thăm quan, mua sắm, trải nghiệm nét văn hóa vùng miền Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 tại Việt Nam được kiểm soát.



Sản phẩm hành, tỏi Lý Sơn nổi tiếng của tỉnh Quảng Ngãi.


Sản phẩm chè Thái Nguyên.


Sản phẩm rượu mận (Sapa, Lào Cai).


Thương hiệu tỏi đen xuất khẩu Linh Đan cũng có mặt tại Hội chợ.


Ngoài những sản phẩm đặc sản vùng miền, các tỉnh còn tận dụng sản phẩm nổi tiếng có sẵn để ra mắt thêm thị trường những sản phẩm tốt cho sức khỏe.


Các sản phẩm mắm đóng chai, hải sản khô của tỉnh Thanh Hóa.


Sản phẩm cam Vinh (Xã Đoài, Nghệ An).


Sản phẩm Chocolate của thương hiệu CACAOKEN (Đà Lạt, Lâm Đồng).


Nước mắm cá cơm truyền thống Cà Ná, Ninh Thuận.


Với tiềm năng địa phương từ nho, tỉnh Ninh Thuận đã ra nhiều sản phẩm được sản xuất chế biến từ nho.


Các sản phẩm đặc sản lừng danh Phố Hiến, Hưng Yên.


Các sản phẩm tinh dầu tràm tỉnh Thừa Thiên Huế.


Các sản phẩm mắc ca tỉnh Đắk Lắk.


Sản phẩm gạo lứt Lào Cai.


Các món ăn đặc sản vùng Tây Bắc: lạp xưởng, thịt trâu gác bếp, thịt bò xông khói.


Thương hiệu Chocolate Duy Nghĩa của tỉnh Đắk Nông.


Giò bê của tỉnh Nghệ An.


Sản phẩm mây tre Phú Yên.

Mỗi năm tổ chức là một năm không ngừng đổi mới, sáng tạo về cả hình thức và chất lượng sản phẩm tham gia Hội chợ. Hội chợ đặc sản vùng miền tiếp tục khẳng định là cầu nối 3 "nhà": Nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng tiếp cận đặc sản của các địa phương. Đây là một trong những chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm thực hiện liên kết Hà Nội với cả nước, qua đó nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thị trường nội địa hậu Covid-19.

Hội chợ năm nay thu hút khoảng 80.000 - 90.000 lượt doanh nghiệp, người tiêu dùng, du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, giao dịch. Hội chợ cũng sẽ lựa chọn các sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu để giới thiệu tại các chương trình Tuần hàng Việt Nam tại nước ngoài (Tuần hàng Hà Nội-Việt Nam tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Tuần hàng nông sản Việt Nam tại Pháp...) tiến tới xuất khẩu, đưa vào hệ thống phân phối tại các nước./.

 
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Khánh Long

Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Với mong muốn giải quyết tình trạng thiếu cơ hội sinh kế và thu nhập thấp của thanh niên dân tộc thiểu số, Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản đã triển khai dự án “Tăng cường trao quyền phát triển kinh tế cho Thanh niên dân tộc thiểu số tại Hà Giang và Lai Châu” giúp các thanh niên dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động có thêm kiến thức về phát triển kinh tế và mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất.

Top