Phi toàn cầu hóa sẽ là xu hướng chính của thế giới hậu COVID-19

Nếu bình thường hóa là yếu tố duy nhất thì tỷ lệ xuất khẩu trên GDP toàn cầu sẽ chỉ đi ngang, với thị phần xuất khẩu do Trung Quốc nhường lại sẽ được các nước đang phát triển khác tiếp quản.
Phi toàn cầu hóa sẽ là xu hướng chính của thế giới hậu COVID-19 ảnh 1Công nhân làm việc bên trong một dây chuyền sản xuất ở Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. (Nguồn: THX/TTXVN)

Đại dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng như thế nào tới triển vọng tăng trưởng của các quốc gia đang phát triển?

Theo Giáo sư Arvind Subramanian thuộc Đại học Ashoka và nhà nghiên cứu Josh Felman, Giám đốc Công ty Tư vấn JH Consulting, của Ấn Độ, câu trả lời sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc tiến trình toàn cầu hóa, với sự hỗ trợ của giới tri thức, diễn ra như thế nào sau khi đại dịch kết thúc. Tuy nhiên, cả hai tác giả nhận định triển vọng của bức tranh toàn cảnh không có nhiều "gam màu sáng."

Trong bài phân tích có tựa đề "Giới trí thức đang 'giết chết' quá trình hội tụ thế giới?" đăng tải trên trang mạng Project Syndicate, hai nhà nghiên cứu diễn giải rằng: "Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa toàn cầu trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cũng đã ghi nhận mức sụt giảm lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, với khoảng 5 điểm phần trăm bị mất vào năm 2008 và dừng lại ở mức 20% trong năm nay."

"Đây không phải là lần đầu tiên thế giới chứng kiến sự phi toàn cầu hóa. Trong giai đoạn giữa Thế chiến I và II, thương mại toàn cầu đã sụp đổ, với tỷ lệ xuất khẩu trên GDP giảm từ mức đỉnh 16% vào năm 1913 xuống còn 6%."

[Kịch bản nào để Việt Nam phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19?]

Theo nhận định của nhà kinh tế học John Maynard Keynes, sự thu hẹp này là kết quả của "các dự án và nền chính trị của chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa đế quốc, của sự cạnh tranh về chủng tộc và văn hóa, của độc quyền, hạn chế và loại trừ lẫn nhau."

Quá trình phi toàn cầu hóa ngày nay do các yếu tố khác cấu thành. Đầu tiên phải kể tới những rào cản bảo hộ mới đã được dựng lên, mặc dù không phải ở quy mô như những năm 1930.

Hạn chế thương mại do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt, kể từ năm 2017, nhìn chung là tương đối nghiêm ngặt với mục tiêu chủ yếu nhắm vào Trung Quốc.

Ở cấp độ toàn cầu, những hạn chế này được bù đắp một phần bởi các thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới, chẳng hạn như Hiệp định Đối tác Kinh tế giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản, ký kết năm 2018.

Một yếu tố khác quan trọng hơn, đằng sau quá trình phi toàn cầu hóa ngày nay, là sự rạn nứt của các chuỗi giá trị toàn cầu, mà bản thân nó là kết quả của quá trình Trung Quốc chuyển đổi từ nền kinh tế nhỏ dựa vào xuất khẩu sang nền kinh tế lớn hơn dựa phần lớn vào nhu cầu trong nước.

Như vậy, một thập kỷ vừa qua một phần có thể coi là giai đoạn bình thường hóa sau những năm duy trì chủ nghĩa ngoại lệ của Trung Quốc. Nhưng rõ ràng nó còn hơn thế nữa.

Nếu bình thường hóa là yếu tố duy nhất thì tỷ lệ xuất khẩu trên GDP toàn cầu sẽ chỉ đi ngang, với thị phần xuất khẩu do Trung Quốc nhường lại sẽ được các nước đang phát triển khác tiếp quản.

Tuy nhiên, thế giới lại đang chứng kiến một sự sụt giảm nghiêm trọng của tỷ lệ này, kéo theo những hậu quả nặng nề đối với nhiều nước đang phát triển.

Kể từ những năm đầu thập niên 90, thế giới đã chứng kiến "sự hội tụ" kinh tế, theo đó các nước nghèo cuối cùng (sau 200 năm) đã bắt đầu đuổi kịp các nước giàu.

Mặc dù một vài quốc gia, đặc biệt là ở Đông Á, đã "hội tụ" từ lâu, nhưng chỉ trong ba thập kỷ gần đây, điều này mới thực sự trở thành hiện tượng toàn cầu.

Mở rộng các cơ hội thương mại là một yếu tố hết sức quan trọng thúc đẩy "sự hội tụ" nói trên.

Theo đánh giá của các nhà kinh tế học, giai đoạn những năm 1990 và 2000 là kỷ nguyên siêu toàn cầu hóa, khi những tiến bộ công nghệ, cuộc cách mạng container, việc cắt giảm chi phí thông tin và truyền thông, cùng với động thái dỡ bỏ rào cản thương mại, đã trở thành động lực mở rộng phát triển kinh tế.

Hơn thế nữa, siêu toàn cầu hóa còn giúp đẩy tỷ lệ xuất khẩu trên GDP toàn cầu từ con số 15% lên 25% trong vòng hai thập kỷ, dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, và sự bùng nổ xuất khẩu này đã tạo đà tăng trưởng nhanh chóng tại các quốc gia đang phát triển.

Do đó, siêu toàn cầu hóa và sự hội tụ chính là những hiện tượng được liên kết với nhau. Nhưng kể từ khi hai hiện tượng này được kết nối, việc phi toàn cầu hóa bắt đầu tái xuất hiện đã ảnh hưởng đáng kể đến quá trình hội tụ.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là đại dịch sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quá trình phi toàn cầu hóa vốn đã diễn ra. Còn quá sớm để đưa ra một câu trả lời chắc chắn, nhưng có hai khả năng nổi bật.

Một kịch bản hợp lý sẽ là một cuộc thoái lui tổng thể, trong đó quá trình phi toàn cầu hóa tăng tốc khi các quốc gia và doanh nghiệp đánh giá lại lợi ích của thương mại đối với rủi ro của việc phụ thuộc nhập khẩu. Khả năng khác là giai đoạn tiếp theo của phi toàn cầu hóa có thể bị hạn chế và thúc đẩy bởi sự chuyển đổi kinh tế tại Trung Quốc.

Trong trường hợp này, một vài quốc gia đang phát triển có thể hưởng lợi trong ngắn hạn, nhưng không đảm bảo giữ được lợi thế bền vững, vì rủi ro cao về thương mại trong tương lai và xung đột chiến lược sẽ mở ra một môi trường bất ổn mới sâu sắc hơn.

Phản ứng của giới trí thức thế giới với phi toàn cầu hóa và sự đảo ngược tiến trình hội tụ đã rơi vào bế tắc.

Rất ít các học giả hay các nhà hoạch định chính sách tại các nền kinh tế tiên tiến lên tiếng bảo vệ một trật tự toàn cầu mới mở rộng, thay mặt cho các nước nghèo hơn. Giới tinh hoa toàn cầu, những người trước đây ủng hộ nhiệt tình cho toàn cầu hóa, đã quay lưng lại với khái niệm này.

Thật vậy, con lắc có thể bị dao động theo hướng ngược lại, về phía hồi sinh của các ý tưởng phát triển cũ hơn trong quá khứ, mà theo đó các quốc gia đang phát triển được "khuyên" nên chuyển từ mô hình thành công "tăng trưởng dựa trên xuất khẩu" sang chiến lược hướng nội.

Có những lý do để giải thích cho quan điểm này, bao gồm cả những lo ngại xác đáng về tác động của toàn cầu hóa đối với bất bình đẳng xã hội tại các nền kinh tế tiên tiến. Tuy nhiên, sự thực vẫn là: lợi ích của các nước đang phát triển đã bị bỏ rơi.

Trên thực tế, giới trí thức ở các nước đang phát triển cũng né tránh không bảo vệ cho việc duy trì một nền thương mại mở.

Ở các nước đang phát triển chủ chốt, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, bối cảnh chính sách và trí thức nghiêng hẳn về phía tự cường và hướng nội.

Ở một mức độ nào đó, các nhà hoạch định chính sách đang thực hiện bước đi cần thiết, trong bối cảnh các quốc gia đang phát triển thiếu tầm ảnh hưởng đến toàn cầu hóa.

Nhưng một sự thật không thể chối bỏ rằng kể cả các nhà hoạch định chính sách phương Tây đã tin vào một ý tưởng cũ về mô hình thay thế nhập khẩu, vốn đã thất bại hồi những năm 1960-1970.

Thế giới hậu COVID-19 sẽ đi theo xu hướng phi toàn cầu hóa. Trong trường hợp tốt nhất, một số nước đang phát triển có thể nắm bắt cơ hội xuất khẩu mới khi các công ty toàn cầu lớn tìm cách đa dạng hóa sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Nhưng đối với hầu hết các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình, giá cả sẽ trở nên đắt đỏ hơn do mất cơ hội giao dịch.

Những bước tăng trưởng tại các nền kinh tế như Singapore, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam sẽ không còn được chứng kiến tại các quốc gia vẫn đang tụt hậu ở khu vực Nam và Trung Á, Mỹ Latinh và khu vực châu Phi cận Sahara.

Trong hai thập kỷ vàng son vừa qua, các nước đang phát triển đã được hưởng thành quả của siêu toàn cầu hóa và sự hội tụ.

Tuy nhiên, quá trình phi toàn cầu hóa, không bị phản đối bởi giới trí thức, đang làm mất đi động lực kinh tế dài hạn cho các khu vực nghèo hơn trên thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục