Kinh tế

Kinh tế Việt Nam vững vàng trước thách thức do dịch COVID-19

Từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình kinh tế thế giới gặp những khó khăn, thách thức chưa từng có trong nhiều thập kỷ do tác động của đại dịch COVID-19. Việt Nam là nền kinh tế hội nhập sâu rộng và có độ mở lớn, nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch bệnh. Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Mới đây, để phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2020 và tạo tiền đề thuận lợi cho năm 2021 và thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để góp phần sớm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Nhìn vào nên kinh tế trong nước, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, Việt Nam tới nay đã cơ bản vượt qua dịch bệnh. Lòng tin của doanh nghiệp trong nước và các đối tác, nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam đang được củng cố mạnh mẽ. Điểm đáng lưu ý, là kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng hai con số, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt theo Tổng cục Hải quan, sau 5 tháng, cán cân thương mại tiếp tục duy trì thặng dư ở mức 3,54 tỷ USD, đóng góp vào ổn định các nền tảng vĩ mô của nền kinh tế.


Cầu Vàng tại khu du lịch Bà Nà Hills (Đà Nẵng) được cắm cờ cờ Tổ quốc chào đón du khách trở lại tham quan sau thời gian tạm nghỉ vì dịch. Ảnh: TTXVN phát


100 tấn chanh leo ở Gia Lai được xuất khẩu sang thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực ngày 1/8/2020.
Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất Chanh leo tại Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Ảnh: Hồng Điệp / TTXVN


Nông dân các xã thuộc huyện Hải Lăng (Quảng Trị) thu hoạch lúa hè thu. Ảnh: TTXVN
 

Tính đến hết tháng 8/2020, kim ngạch xuất khẩu gỗ của tỉnh Bình Dương ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong ảnh: Đóng gói sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty chế biến gỗ Triệu Phú Lộc (xã An Lập, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).
Ảnh: Dương Chí Tưởng / TTXVN


VNPT Technology là đơn vị chủ lực của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) trong lĩnh vực sản xuất Viễn thông Công nghệ thông tin,
Truyền thông và Công nghiệp Nội dung số. VNPT Technology đầu tư 5 dây chuyền sản xuất điện tử hiện đại, đáp ứng hơn 10 triệu sản phẩm mỗi năm,
chiếm lĩnh trên 60% thị phần trong nước. Ảnh: Minh Quyết / TTXVN


Hiện nay, tại thành phố Đà Nẵng có khoảng 490 doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao với hơn 77 nghìn lao động.
Tất cả các doanh nghiệp đều đang nỗ lực, quyết liệt thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 cho công nhân,
vừa duy trì sản xuất, phát triển kinh tế. Ảnh: Quốc Dũng / TTXVN


Từ đầu năm 2020 đến nay, tỉnh Hưng Yên thu hút được 27 dự án đầu tư, trong đó có 13 dự án đầu tư trong nước, 14 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài,
với tổng số vốn đăng ký mới, điều chỉnh tăng thêm tương đương 250 triệu USD.
Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Dệt nhuộm Jasan Việt Nam  ở Khu Công nghiệp Phố nối B, Yên Mỹ, Hưng Yên. Ảnh: Phạm Kiên / TTXVN

Một điểm tựa khác cho phục hồi sản xuất và xuất khẩu đến từ việc Bộ Công thương triển khai Kế hoạch hành động với 3 nhóm vấn đề cốt lõi nhất vừa xử lý những khó khăn vướng mắc cấp bách trước mắt, vừa thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, tạo đà cho tăng trưởng bền vững ở những năm tiếp theo. Trong đó, ngành Công thương tập trung củng cố và tổ chức lại các chuỗi cung ứng cho sản xuất công nghiệp, tạo sự bền vững nhưng linh hoạt hơn, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lớn của ta như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ... theo hướng bền vững hơn với một số đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ... tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác hoặc thị trường.

Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries lạc quan và tự tin nhân định  rằng: "Tiêu dùng nội địa giảm sút và nhu cầu toàn cầu suy yếu do dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn dự kiến. Nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ vững vàng trong năm 2020, phần lớn là nhờ thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19. Tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ bởi sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tăng cường chi tiêu công và những cải cách đang tiến hành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh".

Báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2020, ấn bản kinh tế thường niên hàng đầu của ADB cho biết, triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn vẫn rất tích cực. Việc Việt Nam tham gia một số lượng lớn các hiệp định thương mại song phương và đa phương sẽ giúp nền kinh tế của đất nước phục hồi. Việt Nam cũng có nhiều khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển hiện nay của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí thấp hơn./.


Nền kinh tế Việt Nam được dự kiến tăng trưởng 1,8% trong năm 2020 giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 và gia tăng ở mức 6,3% trong năm 2021, theo nhận định trong Báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2020, ấn bản kinh tế thường niên hàng đầu được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 15/9.
 
Bài: Phong Thu - Ảnh: TTXVN

Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Với mong muốn giải quyết tình trạng thiếu cơ hội sinh kế và thu nhập thấp của thanh niên dân tộc thiểu số, Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản đã triển khai dự án “Tăng cường trao quyền phát triển kinh tế cho Thanh niên dân tộc thiểu số tại Hà Giang và Lai Châu” giúp các thanh niên dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động có thêm kiến thức về phát triển kinh tế và mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất.

Top