Nông dân Đắk Lắk kỳ vọng về nền nông nghiệp phát triển bền vững

Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3, năm 2020 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 28/9 tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Trước thềm Hội nghị, nông dân tỉnh Đắk Lắk bày tỏ sự hân hoan đồng thời trải lòng về những kỳ vọng đối với một nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Kỳ vọng vào giá cà phê

Là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp, Đắk Lắk có nhiều cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su, điều, bơ, sầu riêng… Điều đáng nói là những năm gần đây, một số mặt hàng nông sản như cà phê, hồ tiêu, cao su giá giảm sâu khiến nông dân điêu đứng. Bên cạnh đó, điệp khúc “được mùa mất giá” hoặc “được giá mất mùa” của một số loại cây trồng khác khiến bà con loay hoay với bài toán “trồng cây gì, nuôi con gì”.

Chú thích ảnh
Thu hoạch cà phê tại tỉnh Đắk Lắk. Ảnh tư liệu: Phạm Cường/TTXVN

Là nông dân có hơn 30 năm kinh nghiệm trồng đa canh với cà phê - sầu riêng - bơ - mắc ca, bà Hoàng Thị Hương, ở thôn Tam Hà, xã Cư Klông, huyện Krông Năng cho rằng, trồng cây cà phê là bền vững nhất, thu nhập ổn định, có thương lái vào tận nhà thu mua. Tuy nhiên, mấy năm nay, giá cà phê giảm mạnh, từ 47.000 đồng/kg cà phê nhân xô vào đầu năm 2017 xuống còn 32.300 đồng/kg cà phê nhân xô như hiện nay. Cùng đó, giá phân bón, giá thuốc bảo vệ thực vật tăng cao khiến nông dân không còn lãi. 

Trước thềm Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân tại Đắk Lắk, bà Hương cho biết rất phấn khởi khi biết thông tin này và kỳ vọng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan Trung ương sẽ có những chính sách để hỗ trợ kịp thời, thiết thực cho nông dân, nhất là khâu chế biến, đầu ra sản phẩm để nâng cao giá trị nông sản.

Bày tỏ sự trăn trở, già Y Măk Byă, buôn Cư Dluê, xã Hòa Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột chia sẻ, giá cả thị trường các mặt hàng nông sản hiện nay khiến người dân rất buồn. Già Y Măk lý giải, bà con trồng cây theo giá thị trường. Nhiều năm nay, giá cà phê và hồ tiêu, cao su thấp, nông dân chuyển sang trồng cây ăn trái như sầu riêng, bơ, mít Thái, na… Thế nhưng, giá những loại trái cây này cũng bấp bênh, nông dân băn khoăn không biết trồng cây gì để có lãi. Già Y Măk kỳ vọng, Thủ tướng đối thoại với nông dân Đắk Lắk, biết được nỗi khó khăn của bà con sẽ giúp họ định hướng tăng giá nông sản để đầu tư bền vững, ổn định cuộc sống.

Theo ông Hoàng Mạnh Cường, Giám đốc một đơn vị kinh doanh trong ngành cà phê với dòng sản phẩm cao cấp là cà phê chồn, khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp này là thị trường không phân định được hàng thật và hàng giả, bởi sản phẩm càng cao cấp, nguy cơ bị hàng giả, hàng nhái cũng cao bấy nhiêu. Theo ông Cường, Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng với nông dân diễn ra tại Đắk Lắk là một tín hiệu tốt, cho thấy Thủ tướng và Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề nông nghiệp và các tỉnh vùng sâu vùng xa, vùng Tây Nguyên. Ông Cường kỳ vọng, sau Hội nghị đối thoại, Chính phủ thấy được tiềm năng, cơ hội, điểm yếu hiện nay để có giải pháp khắc phục, giúp hạt cà phê vươn ra thế giới, xứng đáng với giá trị thật trên thị trường. Ông Cường mong muốn, Chính phủ có những quyết sách có lợi hơn cho người nông dân để nông nghiệp cả nước nói chung, nông nghiệp Đắk Lắk nói riêng có những khởi sắc tốt hơn.

Là tỉnh có hơn 208.000 ha cà phê, thương hiệu “Cà phê Buôn Mê Thuột” đã nổi tiếng gần xa với bạn bè trong và ngoài nước. Cùng với trăn trở về giá của các mặt hàng nông sản khác, trăn trở lớn nhất của nông dân Đắk Lắk hiện nay là khi nào giá hạt cà phê cao và ổn định như trước, người nông dân có nên tiếp tục đầu tư vào cây trồng này.

Kỳ vọng về nông nghiệp bền vững

Ngoài trăn trở về giá một số mặt hàng nông sản chủ lực, nông dân Đắk Lắk hiện còn gặp khó khăn về nguồn vốn, công nghệ chế biến, tiêu thụ sản phẩm và khâu xuất khẩu.

Bà Lương Thị Oanh, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp Ea Wy, xã Ea Wy, huyện Ea H’Leo chia sẻ: Chủ trương của Đảng và Nhà nước là đầu tư, hướng nông nghiệp sản xuất theo chuỗi sản phẩm và nông nghiệp sạch, nông dân đã tiếp cận được. Tuy nhiên, Thủ tướng và Chính phủ cần quan tâm hơn nữa về vấn đề tiêu thụ sản phẩm để người nông dân có đầu ra ổn định, giúp nông dân kết nối được với doanh nghiệp lớn để xuất khẩu những mặt hàng chủ lực của địa phương.

Thông tin từ Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Văn Tư, công tác chuẩn bị, kế hoạch thực hiện, nội dung chương trình của Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân tại Đắk Lắk hiện đã hoàn tất. Nông dân Đắk Lắk rất phấn khởi, đã chuẩn bị nhiều câu hỏi tâm huyết gửi đến Thủ tướng Chính phủ. Toàn tỉnh Đắk Lắk có 335.340 ha cây ăn quả, sản phẩm phong phú và ngon. Do đó, trăn trở lớn của người nông dân Đắk Lắk hiện nay là sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, an toàn, hữu cơ, vậy làm thế nào để tăng giá trị và tiêu thụ được sản phẩm; nói cách khác là làm thế nào để bán được sản phẩm, để người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm sạch với sản phẩm đại trà.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk mong muốn, sau Hội nghị đối thoại, Chính phủ và các bộ, ngành tạo cơ chế, hành lang tốt nhất cho nông dân về vốn, công nhận sản phẩm, ứng dụng công nghệ tin học trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Y Giang Gry Niê Knơng cho biết: Cán bộ, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh rất vui mừng và tự hào khi Thủ tướng Chính phủ chọn Đắk Lắk là nơi tổ chức Hội nghị đối thoại với nông dân lần thứ 3. Đây là sự kiện có ý nghĩa to lớn với tỉnh. Qua đó, tỉnh Đắk Lắk kỳ vọng, Thủ tướng cùng các bộ, ngành sẽ đưa ra các giải pháp đồng bộ để chỉ đạo, định hướng cho nông dân phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Tỉnh Đắk Lắk cũng mong Thủ tướng và Chính phủ tạo cơ chế đặc thù cho các tỉnh Tây Nguyên quy hoạch ổn định về dân cư, xác lập các quyền làm chủ về nhà ở và đất canh tác, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư cho tỉnh Đắk Lắk về kết nối vùng, nhất là hạ tầng giao thông để thu hút đầu tư, nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tỉnh Đắk Lắk có đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa mát mẻ, nguồn lao động dồi dào cùng kinh nghiệm sản xuất và tinh thần ham học hỏi, dám nghĩ dám làm của người nông dân - là những tiền đề tốt cho sản xuất nông nghiệp bền vững. Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3 tại Đắk Lắk là sự kiện được nhân dân mong chờ để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, kịp thời được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và “cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt, giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại” như chủ đề của hội nghị.

Hoài Thu (TTXVN)
Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân sẽ tổ chức tại Đắk Lắk
Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân sẽ tổ chức tại Đắk Lắk

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN