Đắk Lắk: Cả hệ thống chính trị vào cuộc ứng phó với bệnh bạch hầu

Những ngày qua, tỉnh Đắk Lắk liên tiếp ghi nhận nhiều ca bệnh mắc bạch hầu ở các địa phương, đặc biệt nhiều nhiều ca bệnh có yếu tố dịch tễ phức tạp, làm tăng nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh ở
Đắk Lắk: Cả hệ thống chính trị vào cuộc ứng phó với bệnh bạch hầu ảnh 1Bệnh nhân mắc bạch hầu được cách ly điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar. (Ảnh: TTXVN phát)

Những ngày qua, tỉnh Đắk Lắk liên tiếp ghi nhận nhiều ca bệnh mắc bạch hầu ở các địa phương, đặc biệt nhiều nhiều ca bệnh có yếu tố dịch tễ phức tạp, làm tăng nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh ở cộng đồng.

Diễn biến phức tạp và sự gia tăng nhanh số ca mắc bạch hầu đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải chung tay hành động nhằm khống chế và đẩy lùi dịch bệnh.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp

Ngày 7/7, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu đầu tiên tại buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk. Những ngày tiếp theo, nhiều ca bệnh bạch hầu xuất hiện thêm tại các địa phương. Tính đến sáng 17/7, toàn tỉnh ghi nhận 17 ca bệnh tại các huyện M’Đrắk, Cư M’gar, Cư Kuin, Krông Bông, Lắk.

Quá trình điều tra dịch tễ cho thấy, nhiều ca bệnh trước khi phát bệnh không đi đâu xa và không xác định được nguồn lây nhiễm. Nhiều ca bệnh có diễn biến dịch tễ phức tạp, sau khi khởi bệnh đã tiếp xúc với nhiều người, làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh trong cộng đồng.

Theo thống kê, khoảng 50% số ca bệnh trước khi mắc bạch hầu nhiều ngày liền không đi đâu xa và không tiếp xúc với người mắc bệnh.

Đơn cử như trường hợp của bé Y K. K. (sinh năm 2016, ở buôn Bling, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar), trước và trong thời gian bệnh khởi phát, cháu không đi đâu xa, không tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, xung quanh khu vực bé sinh sống không có trường hợp mắc bệnh tương tự.

Đặc biệt, sáng 16/7, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận trường hợp anh L.H.N. (sinh năm 1976, trú thôn 13, xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin) dương tính với bệnh bạch hầu. Trước khi bệnh khởi phát, anh N. không đi đâu xa và cũng không tiếp xúc với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Điều đáng nói, trong những ngày khởi bệnh chưa đi khám tại cơ sở y tế, do không biết bản thân mắc bệnh truyền nhiễm, anh N. vẫn giao lưu, tiếp xúc với nhiều người trong thôn và còn tham gia tiệc tân gia tại một gia đình cùng thôn với khoảng 300 người có mặt.

Bác sỹ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, sau khi bệnh nhân N. có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh bạch hầu, ngành Y tế đã tiến hành khoanh vùng cách ly phun hóa chất khử khuẩn toàn bộ khu vực thôn 13, xã Dray Bhăng; tổ chức cho người dân uống kháng sinh dự phòng và tiêm vắcxin phòng bệnh; thành lập các chốt chặn kiểm soát người ra vào thôn để ngăn chặn tình trạng lây lan mầm bệnh ra bên ngoài.

Tuy nhiên, việc bệnh nhân tiếp xúc với nhiều người trong quá trình mang bệnh là nguy cơ dẫn đến xuất hiện nhiều ca bệnh khác. Trong quá trình điều tra dịch tễ đối với bệnh nhân này, cán bộ y tế phát hiện một số người tiếp xúc với ca bệnh có dấu hiệu sốt, mệt mỏi và đau họng.

Chính quyền các địa phương và ngành Y tế Đắk Lắk đã vào cuộc, nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này. Tuy nhiên, để khống chế hiệu quả và tiến tới đẩy lùi dịch bệnh, các giải pháp chống dịch cần được triển khai đồng bộ, quyết liệt, đặc biệt là sự nhận thức đúng đắn và tham gia tích cực từ phía người dân.

Chung tay đẩy lùi dịch bệnh

Thạc sỹ, bác sỹ Trịnh Quang Trí, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nhóm B, có tốc độ lây lan cao, từ một ca ban đầu nếu không kiểm soát có thể lây lan cho các trường hợp khác. Một biến chứng rất nguy hiểm của bạch hầu đó là vi khuẩn có thể sinh độc tố và gây viêm cơ tim dẫn đến tử vong.

Do đó, để khống chế được dịch bệnh này một cách bền vững, về lâu dài, người dân phải bắt buộc tiêm chủng những loại vắcxin có phòng bệnh bạch hầu.

Cũng theo thạc sỹ, bác sỹ Trịnh Quang Trí, vi khuẩn bạch hầu có thể sống được đến 6 tháng trên bề mặt quần áo, vật dụng, đồ dùng trong nhà trong môi trường ẩm, thiếu ánh sáng.

Do đó, cùng với việc tiêm vắcxin phòng bệnh, người dân cần thực hành vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa thông thoáng, tất cả quần áo, chăn màn… phải được giặt, phơi ngoài trời, vì dưới ánh nắng mặt trời, vi khuẩn có thể bị tiêu diệt sau vài giờ.

Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk Nay Phi La, ngay sau khi tại tỉnh xuất hiện các ca bệnh bạch hầu, ngành Y tế đã nhanh chóng tổ chức các đoàn công tác, hỗ trợ các địa phương khoanh vùng dập dịch.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, ngành Y tế khuyến cáo người dân tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh; chủ động tiêm vắcxin phòng bệnh cho người lớn và tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu đúng thời gian, lộ trình cho trẻ nhỏ nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.

[Đắk Lắk liên tiếp ghi nhận thêm nhiều ca bệnh bạch hầu]

Khi phát hiện ca bệnh đầu tiên vào ngày 7/7 tại buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk, ngành Y tế đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cách ly buôn Diêo để cấp bách triển khai các biện pháp khoanh vùng dập dịch.

Bà H’ Đối Buốc, Bí thư Chi bộ buôn Diêo cho biết: Sau khi nhận được thông báo của chính quyền địa phương, người dân trong buôn đã chủ động cách ly tại gia đình, hạn chế việc đi lại, tiếp xúc với các vùng khác, đồng thời tuân thủ nghiêm các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh của cán bộ y tế.

Người dân trong buôn đã tích cực hợp tác trong khai báo dịch tế để lấy mẫu xét nghiệm, những người có triệu chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp cũng tự giác khai báo để được xử lý y tế tại chỗ.

Theo chị H’Pha Jiê, ở buôn Diêo, nhận được thông báo của chính quyền địa phương về tình hình bệnh bạch hầu xuất hiện tại buôn, bà con rất lo lắng. Sau khi được cán bộ y tế giải thích và tuyên truyền về biện pháp phòng bệnh, đồng bào thấy yên tâm hơn.

Đặc biệt, người dân trong buôn đã được uống thuốc kháng sinh dự phòng bệnh bạch hầu, trẻ em được tiêm vắcxin nên rất yên tâm, tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn phòng bệnh của cán bộ y tế để đẩy lùi dịch bệnh.

Phản ứng nhanh của ngành Y tế cùng tinh thần tích cực hợp tác của người dân buôn Diêo đã góp phần khống chế được ổ bệnh khi đã qua 10 ngày buôn Diêo không ghi nhận ca mắc mới.

Những ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, người dân cũng chủ động tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu để phòng, chống dịch bệnh.

Bà Nguyễn Thị Thương, buôn Ko Tam, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, khi nắm được thông tin về tình hình dịch bệnh bạch hầu qua phương tiện thông tin đại chúng, các thành viên trong gia đình đã cùng nhau đến Trung tâm tiêm chủng để tiêm vắcxin phòng bệnh.

Cùng chung quan điểm trên, chị Nguyễn Thị Mai, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk cho rằng: Hiện dịch bệnh bạch hầu đang diễn biến khó lường, người dân cần chủ động nắm thông tin và làm theo các khuyến cáo của ngành Y tế.

Đặc biệt, trẻ dưới 15 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh nếu không được tiêm phòng đầy đủ. Do đó, các bậc phụ huynh cần tiêm vắcxin cho trẻ đủ liều và đúng thời gian quy định.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo ngành Y tế tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình, giám sát tiếp xúc, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp bị bệnh và nghi ngờ bệnh để cách ly, điều trị, điều trị dự phòng, khoanh vùng, xử lý ổ bệnh kịp thời, khống chế không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng trong cộng đồng.

Chính quyền các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt tại các địa bàn đã xuất hiện ca bệnh khẩn trương khai công tác phòng, chống dịch, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch đối với tất cả các loại vắcxin trong tiêm chủng mở rộng nói chung và vắcxin bạch hầu nói riêng.

Bạch hầu là dịch bệnh nguy hiểm có thể gây hậu quả nghiêm trọng nếu không nhận thức đúng đắn và quyết liệt trong phòng, chống.

Tại tỉnh Đắk Lắk, cả hệ thống chính trị vào cuộc, mỗi người dân nhận thức rõ về mức độ nguy hiểm cùng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để trở thành những “chiến sỹ” trong cuộc chiến nhằm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục