Nguồn vốn tín dụng chính sách: Đòn bẩy để người nghèo vươn lên

Trong 5 năm qua, vốn tín dụng chính sách xã hội đã đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc; tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 226.560 tỷ đồng, tăng hơn 91.000 tỷ đồng so với cuối năm 2014.
Nguồn vốn tín dụng chính sách: Đòn bẩy để người nghèo vươn lên ảnh 1Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Ngày 15/7, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về tín dụng chính sách xã hội.

Thông tin tại hội nghị cho biết kể từ sau khi Chỉ thị 40 được ban hành vào tháng 11/2014, các cấp ủy đảng, chính quyền đã thường xuyên thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Thực tế trong những năm qua cho thấy, Chỉ thị 40 đã nhanh chóng đi vào cuộc sống bởi phù hợp và đáp ứng kịp thời nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định: Trong số các chính sách phát triển kinh tế-xã hội được triển khai trong thời gian qua, tín dụng chính sách xã hội là một điểm sáng, được đánh giá là giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Chỉ thị số 40 thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, thông qua đó tiếp tục khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.

[Chỉ thị số 40: Tô đậm thêm tính nhân văn của chính sách tín dụng]

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, kết quả sơ kết tình hình thực hiện Chỉ thị số 40 ở các địa phương cho thấy, địa phương nào có các cấp ủy Đảng, chính quyền nhận thức đúng đắn, đầy đủ về nội hàm tính “sáng tạo” và “nhân văn”, thực sự quan tâm trong triển khai các nhiệm vụ đã nêu tại Chỉ thị thì địa phương đó đạt kết quả rất tích cực. Hiện đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay trong triển khai thực hiện Chỉ thị quan trọng này của Đảng.

Trong 5 năm qua, vốn tín dụng chính sách xã hội đã đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc; tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 226.560 tỷ đồng, tăng hơn 91.000 tỷ đồng so với cuối năm 2014; nguồn vốn ngân sách các địa phương ủy thác để cho vay tăng 15.697 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 31,3%, tăng gấp 4,1 lần so với giai đoạn trước khi có Chỉ thị 40, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đạt 19.505 tỷ đồng; huy động vốn của xã hội đạt hơn 31.500 tỷ đồng, tăng hơn 25.000 tỷ đồng so với cuối năm 2014.

Bên cạnh đó, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 219.565 tỷ đồng, tăng 90.109 tỷ đồng (+69,6%) so với từ khi có Chỉ thị, với tổng số tiền đã giải ngân đạt 336.944 tỷ đồng cho trên 12 triệu lượt hộ được vay vốn; trong đó có hơn 2,1 triệu lượt hộ đã thoát nghèo một cách bền vững...

Nguồn vốn tín dụng chính sách: Đòn bẩy để người nghèo vươn lên ảnh 2Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư với các cá nhân nhận bằng khen là tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn người dân tộc thiểu số. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cũng chia sẻ nhờ thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40 nên ngân hàng đã huy động được thêm nguồn vốn tại địa phương. Nhờ đó, số hộ dân tộc thiểu số được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội ngày càng tăng.

Cụ thể, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 14,7% dân số cả nước nhưng tỷ lệ dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội chiếm 24,8% tồng dư nợ; toàn quốc có 3,04 triệu hộ dân tộc thiểu số thì đã có 1,4 triệu hộ vay vốn ngân hàng, chiếm 46%; dư nợ bình quân 1 hộ là 38 triệu đồng.

"Đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, nhưng truyền thống văn hóa tốt đẹp từ bao đời để lại là 'không có thì xin, 'vay thì phải trả', Ngân hàng Chính sách xã hội đưa ra hai con số: Nợ quá hạn chỉ chiếm 0,6%, nợ khoanh chiếm tỷ lệ 4,5% khiến các cấp lãnh đạo thật sự yên tâm khi quyết định chuyển vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội," ông Chiến nhấn mạnh.

Là người là trực tiếp với các tỉnh, thành phố và bà con nông dân, ông Dương Quyết Thắng-Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, khẳng định từ khi có Chỉ thị 40 cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp đã nhận thức rõ hơn về vai trò của tín dụng chính sách xã hội, quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng Chính sách. Đặc biệt, bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách để cho vay tăng hơn 15.600 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 31,3%, tăng gấp 4 lần so với trước khi có Chỉ thị 40.

Bà Hoàng Thị Thịnh, thôn Nà Lẻng, thị trấn Yên Lạc, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: Từ ngày được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách, cuộc sống của gia đình bà đã thay đổi rất nhiều, không còn phải chạy vạy đi vay vốn khắp nơi. Hiện gia đình bà đã mua cất được ngôi nhà khang trang từ việc trồng rừng và chăn nuôi gia cầm.

Bà Thịnh cũng đã tư vấn cho các hộ gia đình trong bản làm hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng Chính sách huyện để được hưởng nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp, vì vậy nhiều gia đình trong bản đã có "của ăn, của để" từ việc làm trang trại, chăn nuôi trâu bò, gia cầm, trồng rừng...

Bà Hoàng Thị Thịnh, thôn Nà Lẻng, thị trấn Yên Lạc, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ về nguồn vốn vay tín dụng chính sách:

Phát biểu và chỉ đạo tại hội nghị, ông Trần Quốc Vượng-Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, ngân hàng chính sách xã hội trong thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư đã nhanh chóng phát huy tín dụng chính sách xã hội. Chính sách tín dụng xã hội đã thành một trong những trụ cột quan trọng của chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng được nguồn vốn, nhu cầu vốn cho người nghèo.

"Nhờ đó giai đoạn 2014-2019, số hộ nghèo đã giảm nhanh, góp phần ngăn chặn từng bước đẩy lùi 'tín dụng đen', thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông nghiệp nông thôn. Hoạt động tín dụng chính sách xã hội của Việt Nam đã được quốc tế đánh giá cao, góp phần đưa Việt Nam trở thành một hình mẫu về giảm nghèo trên thế giới," ông Trần Quốc Vượng nhấn mạnh.

Thường trực Ban Bí thư cũng định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40 trong thời gian tới. Đó là tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp và hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội; nâng cao tinh thần vì nhân dân phục vụ, cùng người dân quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách, đẩy lùi tín dụng đen.

Từ đó, ngân hàng tích cực huy động nguồn vốn tiền gửi và nguồn vốn thu hồi nợ quay vòng để tập trung giải ngân đáp ứng nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là việc cho vay để phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, góp phần tích cực tạo việc làm, ổn định xã hội, phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở mỗi địa phương và cả nước./.

Hội nghị trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 22 tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu, chỉ đạo và triển khai thực hiện Chỉ thị 40; bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho 25 tập thể, cá nhân; 60 bằng khen của Bộ trưởnghủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho 60 tổ trưởng tổ tiết kiệm, vay vốn.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục