Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ảnh 1Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: Phan Dũng/TTXVN)

Ngày 3/7, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo, chất lượng an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp 6 tháng đầu năm, nhiệmvụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 và triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác đảm bảo, chất lượng an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay còn nhiều khó khăn, thách thức.

Vì vậy, các đơn vị trực thuộc Bộ cần tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng cường thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội nâng cao hiệu quả giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm.

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kiện toàn tổ chức bộ máy ngành dọc cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đảm trách công tác quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm; Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ...

[Ngành nông nghiệp thích ứng linh hoạt theo tín hiệu thị trường]

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, phải tiếp tục thúc đẩy sản xuất nông lâm thủy sản đảm bảo an toàn; hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, sản xuất kinh doanh thực phẩm theo chuỗi; phát triển làng nghề thực phẩm đảm bảo an toàn; chợ đầu mối nông sản thực phẩm an toàn.

Cùng với đó, phải tăng cường giám sát, thanh, kiểm tra, tập trung vào kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ; kiểm soát sử dụng phụ gia, điều kiện vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm tại làng nghề thực phẩm, chợ thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm, cơ sở chuyên doanh thực phẩm nông lâm thủy sản.

Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm, kể cả về hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lơ là, thiếu trách nhiệm trong quản lý an toàn thực phẩm.

Đối với các địa phương, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (Hà Nội, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh) tham mưu trình Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị phù hợp với đặc điểm, thế mạnh của từng địa phương.

Hàng tháng gửi báo cáo tóm tắt kết quả triển khai Chỉ thị lồng ghép vào Báo cáo định kỳ công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm.

Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ảnh 2Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh/TTXVN)

Trong 6 tháng cuối năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, các cơ quan thuộc Bộ, doanh nghiệp duy trì phòng chống dịch COVID-19 đồng thời đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, chuẩn bị gia tăng nội tiêu và xuất khẩu khi dịch COVID-19 từng bước được khống chế. Chủ động tổ chức và đôn đốc các địa phương triển khai, kiểm tra theo quy định, tập trung thanh tra đột xuất, xử lý kịp thời, nghiêm túc các vi phạm về an toàn thực phẩm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm nay đã hỗ trợ người dân, doanh nghiệp qui mô nhỏ áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), thực hành sản xuất tốt (GMP), HACCP trong sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản được các địa phương chú trọng; sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ của cơ quan địa phương và cơ sở sản xuất kinh doanh đã góp phần xây dựng, hình thành được nhiều vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến.

Tính đến 20/6, cả nước đã có 170.000ha cây trồng được chứng nhận VietGAP. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới là 58,2%; trong đó, các xã đều đạt tiêu chí đảm bảo an toàn thực phẩm; có 1.711 sản phẩm đạt chuẩn theo bộ tiêu chí sản phẩm thuộc Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm OCOP."

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tiếp tục chỉ đạo các địa phương nhân rộng, mở rộng các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã triển khai xây dựng và phát triển được 1.612 chuỗi (tăng 367 chuỗi so với cùng kỳ năm 2019).

Trong số các chuỗi nêu trên có sự tham gia của khoảng 100 hợp tác xã, 250 công ty; trong đó có một số tập đoàn lớn (Dabaco, Ba Huân, Saigon Coop, San Hà...) tham gia mô hình chuỗi.

Các chương trình giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản được duy trì, mở rộng và chuyển mạnh thanh tra theo kế hoạch sang thanh tra đột xuất đã giúp kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm túc các vi phạm an toàn thực phẩm.

Từ đầu năm đến nay toàn Ngành nông nghiệp đã kiểm tra 29.200 cơ sở, xử phạt hành chính 1.740 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản với số tiền phạt trên 12 tỷ đồng, tăng hơn so với cùng kỳ năm 2019.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đảm bảo, chất lượng an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, liên kết với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ở nhiều địa phương còn chậm dẫn đến sản lượng, quy mô liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn còn hạn chế.

Tổ chức bộ máy làm công tác quản lý, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản tại các địa phương biến động, không đồng nhất. Ở một số địa phương việc giám sát, kiểm tra chưa đầy đủ, kịp thời; chưa chuyển biến mạnh sang thanh tra đột xuất để phát hiện và xử lý kịp thời vi phạm.

Tại hội nghị các đại biểu cũng đã được nghe Triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước  về an toàn thực phẩm trong tình hình mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục