Kinh tế

Rau an toàn Văn Đức xuất ngoại

Với 7 sản phẩm rau OCOP đạt hạng 4 sao (năm 2019), cùng một số sản phẩm được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Đài Loan từ nhiều năm nay, Hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (HTX Văn Đức) hiện đang là vùng rau an toàn lớn nhất của thành phố Hà Nội. Văn Đức đã được Bộ NN&PTNT chọn làm điểm về mô hình kiểm soát, quản lý theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ trong cả nước.
Thay đổi tư duy sản xuất

Hiện nay, trong khi nhiều vùng sản xuất rau an toàn (RAT) của thành phố Hà Nội đang gặp khó khăn về đầu ra, thì tại vùng RAT Văn Đức (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm), các sản phẩm RAT luôn tiêu thụ hết ngay tại ruộng. Các sản phẩm RAT của HTX Văn Đức không chỉ có nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, mà một số sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Đài Loan, Hàn Quốc. Thành quả này có được chính là nhờ việc thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân xã Văn Đức.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc HTX Văn Đức, một vài năm trước đây, người nông dân trong xã phần lớn sản xuất theo “hướng mệnh ai nấy làm”. Việc sản xuất không theo nhu cầu của thị trường và không đồng bộ, đảm bảo về quy trình sản xuất dẫn đến tình trạng rau ế ẩm, khó tiêu thụ.

Nhận thấy điều đó, chính quyền địa phương, HTX Văn Đức cùng các cán bộ ngành nông nghiệp đã tổ chức lại quy trình sản xuất, mở các lớp tập huấn thay đổi thói quen, tư duy và cách thức sản xuất cho các hộ nông dân trong xã.



Hiện nay, toàn xã Văn Đức có 220ha rau an toàn, trong đó 26,9ha sản xuất theo quy trình VietGAP.


Theo đó, rau phải đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, không dùng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng. 


Giống bầu sao trồng ở Văn Đức có đặc tính kháng bệnh tốt, sai trái, trái dài 40 – 50cm, da xanh có đốm trắng,
trọng lượng bình quân 1.2 kg – 1.6 kg, khả năng phân nhánh mạnh nên năng suất cao.


Giàn mướp đắng sai trĩu quả của hộ gia đình xã viên HTX Văn Đức, được sản xuất theo mô hình rau an toàn.


Sản phẩm ớt sạch cũng là một thế mạnh của HTX Văn Đức.


Từ sử dụng thuốc, phân bón hóa học, HTX chuyển sang dùng thuốc, phân bón sinh học;
ý thức về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong mỗi người dân được nâng cao.

Khi đã xác định được hướng phát triển bền vững, an toàn, HTX Văn Đức tiến hành tổ chức lại quy trình sản xuất ngay tại ruộng. HTX đã thực hiện mô hình kiểm tra cộng đồng áp dụng hệ thống đảm bảo có sự truy xuất nguồn gốc (PGS) trong sản xuất RAT. Các thành viên trong HTX được chia thành 20 nhóm sản xuất, mỗi nhóm từ 25 – 30 hộ thành viên trồng rau. Mỗi nhóm sẽ có một nhóm trưởng. Nhóm trưởng có nhiệm vụ chịu trách nhiệm quản lý và giám sát quy trình sản xuất của các hộ trong nhóm dưới sự chỉ đạo và giám sát của cán bộ Chi cục bảo vệ thực vật.

Các hộ thành viên đều được cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội tập huấn sản xuất RAT, sản xuất theo VietGAP, phòng trừ dịch hại IPM... Bên cạnh đó, mỗi hộ còn được cấp sổ nhật ký đồng ruộng cập nhật đầy đủ thông tin quy trình sản xuất (thời gian, cách sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu sinh học...). Với cách làm này, các sản phẩm rau của HTX Văn Đức được giám sát chặt chẽ từ khâu chọn giống, chăm sóc đến thu hoạch, đảm bảo đúng chất lượng theo mô hình RAT. Bà Đinh Thị Luyến (phó giám đốc HTX Văn Đức) cho biết: “HTX thường xuyên lấy rau đi thử nghiệm, có khi còn xin được mang rau đi thử nghiệm để khẳng định chất lượng rau của HTX”.

Sản xuất không đủ bán

Năm 2020, toàn huyện Gia Lâm có 17 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao, thì riêng HTX Văn Đức có 8 sản phẩm. Với lợi thế là diện tích bãi bồi ven sông Hồng rộng lớn và màu mỡ, không khí trong lành, nên các sản phẩm rau của xã Văn Đức có độ ngọt cao, đậm đà hơn các vùng rau khác.

Hiện nay, toàn xã Văn Đức có 220ha RAT, trong đó 26,9ha sản xuất theo quy trình VietGAP. Ông Nguyễn Văn Minh – Giám đốc HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức cho biết, trung bình mỗi ngày HTX cung cấp ra thị trường khoảng 40 – 50 tấn rau các loại từ rau ăn lá, rau ăn củ, đến các loại rau gia vị. Trong số đó khoảng 70% sản lượng được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị và chợ đầu mối trên địa bàn thành phố Hà Nội, còn lại tiêu thụ tại các tỉnh lân cận.









Một số sản phẩm rau củ quả an toàn của HTX Văn Đức như cà tím tròn, cà chua, su su, cải bắp, cải thảo…


Dán tem truy xuất nguồn gốc và đóng gói rau an toàn tại HTX rau an toàn Văn Đức.


Trung bình mỗi ngày HTX cung cấp ra thị trường khoảng 40 – 50 tấn rau các loại từ rau ăn lá, rau ăn củ, đến các loại rau gia vị.

Đặc biệt, HTX đang duy trì xuất khẩu 300-500 tấn/năm các loại: Cải thảo, bắp cải, súp lơ... tới thị trường Đài Loan, Hàn Quốc. Nhờ sản xuất theo đúng quy trình, rau của HTX đã được đưa vào hệ thống siêu thị lớn, uy tín ở Hà Nội như Coo.p mart, Metro, AEON,… Doanh thu từ sản xuất rau VietGAP của HTX là 400 triệu đồng/ha (trong đó, chi phí sản xuất chiếm khoảng 30%).

Theo ông Nguyễn Văn Minh, HTX Văn Đức đã đăng ký sở hữu trí tuệ, Văn Đức chịu trách nhiệm các sản phẩm gắn tem nhãn mác của HTX. Tem truy xuất nguồn gốc của HTX Văn Đức được cụ thể đến từng đội sản xuất, hộ sản xuất. Chính vì vậy, người tiêu dùng khi ăn sản phẩm biết rất rõ nguồn gốc.

HTX Văn Đức hướng tới việc gắn trách nhiệm của từng người sản xuất với người tiêu dùng. “Chính vì vậy, hiện nay, rau Văn Đức sản xuất ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Chúng tôi sản xuất không đủ bán...”, ông Nguyễn Văn Minh cho biết./.


 
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Công Đạt

Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Với mong muốn giải quyết tình trạng thiếu cơ hội sinh kế và thu nhập thấp của thanh niên dân tộc thiểu số, Tổ chức Plan International và Bộ ngoại giao Nhật Bản đã triển khai dự án “Tăng cường trao quyền phát triển kinh tế cho Thanh niên dân tộc thiểu số tại Hà Giang và Lai Châu” giúp các thanh niên dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động có thêm kiến thức về phát triển kinh tế và mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất.

Top