Lộ trình nâng trình độ chuẩn của giáo viên Mầm non, Tiểu học, THCS

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở (THCS).

Chú thích ảnh
Giờ học của học sinh trường Mầm non Thạch Vĩnh (Thạch Hà, Hà Tĩnh). Ảnh minh họa: Hoàng Ngà/TTXVN

Theo đó, đối tượng thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo gồm: Giáo viên Mầm non chưa có bằng tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm trở lên, tính từ ngày 1/7/2020 còn đủ 7 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định; Giáo viên Tiểu học chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên Tiểu học hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 1/7/2020 còn đủ 8 năm công tác (96 tháng) đối với giáo viên có trình độ trung cấp, còn đủ 7 năm công tác (84 tháng) đối với giáo viên có trình độ cao đẳng đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

Giáo viên Trung học Cơ sở chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 1/7/2020 còn đủ 7 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định cũng thuộc đối tượng thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo.

Lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo thực hiện từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2030, chia làm hai giai đoạn.

Đối với giáo viên Mầm non: Giai đoạn 1, từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025, bảo đảm đạt ít nhất 60% số giáo viên Mầm non đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm. Giai đoạn 2, từ ngày 1/1/2026 đến hết ngày 31/12/2030, thực hiện đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên Mầm non hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm.

Đối với giáo viên Tiểu học: Giai đoạn 1, từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025, bảo đảm đạt ít nhất 50% số giáo viên Tiểu học đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân. Giai đoạn 2, từ ngày 1/1/2026 đến hết ngày 31/12/2030, thực hiện đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên Tiểu học hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân.

Đối với giáo viên Trung học Cơ sở: Giai đoạn 1, từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025, bảo đảm đạt ít nhất 60% số giáo viên Trung học Cơ sở đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân. Giai đoạn 2, từ ngày 1/1/2026 đến hết ngày 31/12/2030, thực hiện đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên Trung học Cơ sở hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân.

Nghị định nêu rõ: Việc đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở được thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu giữa các địa phương với cơ sở đào tạo giáo viên trên cơ sở kế hoạch thực hiện hàng năm của các địa phương.

Việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên thực hiện theo các quy định hiện hành về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Đơn giá thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu việc đào tạo nâng trình độ chuẩn giáo viên được xác định bằng mức hỗ trợ tiền đóng học phí đối với sinh viên sư phạm theo quy định hiện hành của pháp luật.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 18/8/2020.

TTXVN/Báo Tin tức
 Trên 800 cán bộ, giáo viên được tập huấn dạy học sách giáo khoa lớp 1 mới
Trên 800 cán bộ, giáo viên được tập huấn dạy học sách giáo khoa lớp 1 mới

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các trường tiểu học trên địa bàn hoàn tất công tác lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai từ năm học 2020-2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN