Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ nói về động thái rút quân khỏi Đức

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert C. O’Brien đã nêu quan điểm về động thái Mỹ rút quân khỏi Đức trên tờ Wall Street Journal.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Mỹ kiểm tra thiết bị quân sự tại Drawsko Pomorskie, Ba Lan ngày 21/3. Ảnh: Reuters

Theo nội dung bài viết, để đối phó với Trung Quốc và Nga, các lực lượng của Mỹ phải được triển khai theo phương thức áp sát tiền tiêu và tăng cường viễn chinh nhiều hơn so với vài năm trước. Đó là lý do chính để Mỹ đi đến quyết định cắt giảm binh sĩ đồn trú thường trực ở Đức từ 34.500 quân xuống còn 25.000 quân. 

Tổng thống Donald Trump đã xác nhận kế hoạch này hôm 15/1, nhưng nội dung chi tiết vẫn đang trong quá trình hoạch định, chưa có bất kỳ tuyên bố chính thức công khai nào được đưa ra. Bộ trưởng Quốc phòng và Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đang phối hợp cùng nhau để trình các lựa chọn giải pháp lên Tổng thống. 

Thế bố trí quân sự thời Chiến tranh Lạnh theo hướng đồn trú một lượng lớn binh sĩ cùng với thành viên gia đình ở một loạt các căn cứ tại nhiều nơi như Đức giờ đây đã lạc hậu. Chiến tranh hiện đại đòi hỏi tính viễn chinh ngày càng cao, cùng với đó là một số nền tảng tăng tầm tác chiến, cơ động và đối phó. Các căn cứ hậu cần và không quân vẫn rất quan trọng, nhưng việc đồn trú quân sự thường trực thời Chiến tranh Lạnh hiện ít có giá trị về mặt quân sự và tài chính so với những năm 1970. 

Trong số 9.500 quân được rút khỏi Đức, sẽ có vài nghìn quân được điều chuyển tới một số nước châu Âu. Vài nghìn binh sĩ cũng sẽ được tái triển khai ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, địa bàn Mỹ hiện duy trì hiện diện quân sự ở Guam, Hawaii, Alaska và Nhật Bản, cũng như khả năng bổ sung quân đóng ở những địa điểm khác như Australia. Đây là chiến trường mà Mỹ và đồng minh đối diện với những thách thức địa chính trị nổi bật nhất từ thời Chiến tranh Lạnh. Số binh sĩ còn lại sẽ được điều về các căn cứ khác ở Mỹ. 

Sau khi tái bố trí lực lượng, Mỹ vẫn duy trì khoảng 25.000 lính bộ binh, thủy quân lục chiến, không quân ở Đức. Quan hệ Mỹ-Đức vẫn mạnh mẽ, cùng với đó là những cam kết của Mỹ đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tuy nhiên, đã đến lúc tất cả các nước châu Âu cần đóng góp phần chi phí công bằng phục vụ việc bảo vệ đất nước. Đức là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, nhưng chỉ dành 1,4% GDP cho quốc phòng, bất chấp việc các nước thành viên NATO đã cam kết về mục tiêu tăng khoản kinh phí này lên mức 2% GDP. Riêng Mỹ, mức đóng góp này hiện ở mức 3,4% GDP. 

Sau khi ông Trump lên nhậm chức, các đồng minh NATO đã tăng đáng kể ngân sách chi cho quốc phòng, ở mức khoảng 130 tỉ USD trong năm 2020. Mỹ đã truyền được cảm hứng về chia sẻ gánh nặng tài chính trong liên minh NATO, thúc đẩy sứ mệnh của tổ chức này trong bảo vệ châu Âu, Bắc Mỹ trước các thách thức bên ngoài, đồng thời đảm nhận vai trò tích cực ở các điểm nóng trên thế giới, như tại Iraq và Afghanistan.

Theo ông O’Brien, Berlin vẫn còn thời gian để đứng lên và thể hiện vai trò lãnh đạo. Tuyến đường ống khí đốt Nord Stream 2 nối Nga với Đức vẫn chưa hoàn tất. Quyết định của Đức về dừng dự án này sẽ tăng cường an ninh năng lượng cho châu Âu. Berlin cho đến thời điểm này cũng chưa quyết định lựa chọn nhà cung cấp mạng 5G. Để một công ty đáng tin của châu Âu, ví như Nokia hay Ericsson, đảm nhận trọng trách này sẽ an toàn hơn là giao cho Huawei của Trung Quốc. 

Dưới quyền lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, Mỹ sẽ tiếp tục dẫn dắt thế giới tự do. Thế bố trí quân sự toàn cầu của Mỹ là minh chứng cho cam kết này, giúp tạo ra an ninh tuyệt đối cho người dân Mỹ. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức
Ba Lan sẵn sàng tiếp nhận số binh sĩ Mỹ từ Đức
Ba Lan sẵn sàng tiếp nhận số binh sĩ Mỹ từ Đức

Đài phát thanh Ba Lan ngày 20/6 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng nước này Mariusz Błaszczak cho biết Ba Lan đã chuẩn bị để binh lính Mỹ có thể tăng cường sự hiện diện trên lãnh thổ quốc gia châu Âu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN