Sân khấu Hà Nội sáng đèn trở lại: Nghệ sỹ vừa mừng vừa lo

Việc lựa chọn những tác phẩm chất lượng cao để biểu diễn trong lần “ra quân” này được kỳ vọng sẽ thu hút khán giả, kéo người xem trở lại với thói quen tới nhà hát xem biểu diễn trực tiếp.
Sân khấu Hà Nội sáng đèn trở lại: Nghệ sỹ vừa mừng vừa lo ảnh 1"Bệnh sỹ" do Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng. (Ảnh: Nhà hát Kịch Việt Nam)

Sau một thời gian tạm ngừng biểu diễn vì dịch COVID-19, sân khấu Hà Nội đã bắt đầu sáng đèn trở lại. Tuy nhiên, cùng với niềm vui trở lại sàn diễn, các nghệ sỹ cũng có không ít băn khoăn, trăn trở.

Trở lại bằng tác phẩm chất lượng cao

Buổi biểu diễn “Bệnh sỹ” (tác giả Lưu Quang Vũ) của Nhà hát Kịch Việt Nam vào cuối tuần qua (tối 23/5) đã đánh dấu sự trở lại của sân khấu Thủ đô. “Buổi diễn thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Đó là tín hiệu rất đáng mừng, nguồn động viên tinh thần rất lớn đối với các diễn viên,” nghệ sỹ ưu tú Xuân Bắc, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam bày tỏ.

Chia sẻ về lý do lựa chọn “Bệnh sỹ” để trở lại, nghệ sỹ Xuân Bắc cho biết đây là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, được nhà hát đầu tư dàn dựng công phu. Bên cạnh tiếng cười vui vẻ, sảng khoái cho khán giả, “Bệnh sỹ” cũng ẩn chứa nhiều thông điệp sâu sắc.

[Nghệ sỹ Việt hưởng ứng chiến dịch ‘Nghệ thuật kiên cường’ của UNESCO]

Vở kịch lấy bối cảnh ở một vùng nông thôn với ông chủ tịch xã Toàn Nha và những nhân vật của xã Hùng Tâm. Họ vốn đều là những người dân hiền lành, thật thà… nhưng vì thói háo danh, sỹ diện nên ai cũng cố tạo cho mình một cái mác sang trọng. Để rồi, bao chuyện dở khóc dở cười đã nảy sinh và tất cả phải tự nhận ra “căn bệnh chung” của mình.

Mặc dù “Bênh sỹ” ra đời cách đây hơn 30 năm nhưng tính thời sự của kịch bản vẫn vẹn nguyên. Giữa thời bao cấp và giai đoạn hiện nay, căn bệnh sỹ có những biểu hiện khác nhau nhưng tư tưởng xuyên suốt mà tác giả Lưu Quang Vũ gửi gắm trong đó thì không bao giờ là cũ. Sau khi tưng bừng dối trá, tưng bừng phô trương, tưng bừng thành tích,” ý nghĩa thực sự mà nhân vật nhận ra vẫn là “Thà làm gỗ tốt còn hơn bạc giả.”

Cùng với Nhà hát Kịch Việt Nam, nhiều đơn vị nghệ thuật ở Hà Nội cũng đánh dấu sự trở lại với những chương trình chất lượng cao, mang dấu ấn riêng, được đầu tư dàn dựng công phu: Liên đoàn Xiếc Việt Nam với “Cướp biển” (31/5), Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam có chương trình “Mặt Trời phương Đông” (12/6), Nhà hát Chèo Việt Nam diễn vở “Vân dại” (13/6), Nhà hát Múa rối Việt Nam với vở “Thân phận nàng Kiều” (20/6), Nhà hát Cải lương Việt Nam với “Chuyện tình Khau Vai” (11/7), Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam diễn “Hồ thiên nga”

Trước đó, vào cuối năm 2019, “Hồ thiên nga” đã tạo nên một cơn “địa chấn” về nghệ thuật hàn lâm khi bảy đêm diễn đều “cháy vé” từ trước ngày công diễn. Sau 35 năm vắng bóng trên sàn diễn, vở ballet “Hồ thiên nga” kinh điển của thế giới được các nghệ sỹ Việt Nam trình diễn hoàn chỉnh trên sân khấu.

Sân khấu Hà Nội sáng đèn trở lại: Nghệ sỹ vừa mừng vừa lo ảnh 2Vở ballet kinh điển của thế giới “Hồ thiên nga” sẽ được các nghệ sỹ Việt trình diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội. (Ảnh: VNOB)

Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết việc Bộ hỗ trợ kinh phí cho những buổi biểu diễn này nhằm góp phần giải quyết những khó khăn do COVID-19, để các đơn vị nghệ thuật sáng đèn trở lại.

Việc lựa chọn những tác phẩm chất lượng cao để biểu diễn trong lần “ra quân” này được kỳ vọng sẽ thu hút khán giả, kéo người xem trở lại với thói quen tới nhà hát xem biểu diễn trực tiếp.

Còn đó những nỗi lo

Bên cạnh các buổi diễn với sự hỗ trợ kinh phí từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhà hát cũng chủ động xây dựng chương trình biểu diễn, dàn dựng tác phẩm mới.

Nhân dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6), Nhà hát Tuổi Trẻ giới thiệu dự án nghệ thuật “Bay lên những ước mơ” với các chương trình: kịch vui “Vaxilixa và phù thủy độc ác,” nhạc kịch “Cuộc chiến vô cực” và ca-múa-nhạc “Trống choai đi đâu thế?”

Nghệ sỹ Nguyễn Sỹ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ cho biết các buổi diễn thuộc dự án “Bay lên những ước mơ” sẽ áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Trước khi vào rạp, khán giả sẽ được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, phát tặng khẩu trang…

Bên cạnh đó, đại diện Nhà hát Tuổi Trẻ cho biết trong tháng Sáu và tháng Bảy, đơn vị này sẽ tiếp tục trình diễn các chương trình hài kịch.

Sân khấu Hà Nội sáng đèn trở lại: Nghệ sỹ vừa mừng vừa lo ảnh 3Một cảnh trong vở kịch thiếu nhi “Vaxilixa và phù thủy độc ác.” (Ảnh: Nhà hát Tuổi Trẻ)

Tuy nhiên, các nghệ sỹ cũng bày tỏ nhiều băn khoăn. Sau thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh, nhiều khán giả đã quen với các hình thức giải trí trực tuyến. Hơn nữa, do thay đổi của lịch học, lịch thi nên lượng khán giả nhí đến rạp xem các chương trình nghệ thuật dự kiến sẽ giảm so với những năm trước.

Ngoài ra, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng đã khởi công vở diễn mới mang tên “Nữ cảnh sát SBC.” Đó là những lát cắt, câu chuyện về đời sống thường ngày của các chiến sỹ công an nhân dân.

Nghệ sỹ ưu tú Xuân Bắc cho biết “Nữ cảnh sát SBC” sẽ mang đến cho khán giả góc nhìn đa chiều về con người, công việc, cuộc sống của các nữ cảnh sát. Để tiếp cận khán giả đương đại, êkíp thực hiện hướng đến việc đổi mới cách thức dàn dựng. Yêu cầu đặt ra với tác phẩm là nội dung câu chuyện mạch lạc, giàu tính nhân văn, thiết kế sân khấu đẹp. “Đặc biệt, diễn viên phải thực sự nhập vai, diễn bằng cảm xúc thật,” nghệ sỹ Xuân Bắc bày tỏ.

Cùng khai thác đề tài chiến sỹ công an nhân dân, sân khấu tư nhân Lệ Ngọc cũng trình làng tác phẩm “Hoa sen lửa.” Vở diễn khắc họa hình tượng chiến sỹ công an nhân dân trên nhiều mặt trận: từ công việc điều tra, phá án đến giáo dục, cảm hóa những người đã phạm tội.

“Dẫu biết việc dàn dựng vở diễn mới trong thời gian này là khá mạo hiểm bởi nhiều khán giả vẫn giữ tâm lý, thái độ e dè, hạn chế tập trung đông người nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện. Sàn diễn là môi trường rèn nghề của diễn viên. Nếu nghệ sỹ mà không được diễn, sống với các nhân vật, số phận thì sẽ rất dễ bị mất cảm xúc,” nghệ sỹ nhân dân Lệ Ngọc chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục