Cái giá phải trả do sự thiếu chuẩn bị chống COVID-19 tại Mỹ và châu Âu

Những sự trì hoãn và thiếu chuẩn bị tại Mỹ và châu Âu đang chứng tỏ sự tai hại của nó đối với phần còn lại của thế giới với những tổn thất về kinh tế và y tế cộng đồng.
Cái giá phải trả do sự thiếu chuẩn bị chống COVID-19 tại Mỹ và châu Âu ảnh 1Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân tới phòng cấp cứu của Trung tâm y tế Wyckoff ở Brooklyn, New York, Mỹ, ngày 2/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Trang mạng eurasiareview.com, như lời khẳng định của Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây, không thể xem nhẹ chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2).

Những sự trì hoãn và thiếu chuẩn bị tại Mỹ và châu Âu đang chứng tỏ sự tai hại của nó đối với phần còn lại của thế giới với những tổn thất về kinh tế và y tế cộng đồng.

Tâm dịch viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 gây ra (còn gọi là COVID-19) hiện đang ở châu Âu và Mỹ, nơi số ca nhiễm sẽ sớm vượt qua Italy và Trung Quốc.

Do sự tự mãn và thiếu chuẩn bị đã bao trùm những khu vực ngoài Trung Quốc cho đến tận thời gian gần đây, những mất mát về con người vì đại dịch toàn cầu này đang ngày càng gia tăng.

Với việc gọi loại virus này là virus Trung Quốc, bất chấp sự phản đối của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chính quyền của Tổng thống Trump đang áp dụng những bản năng phân biệt chủng tộc tồi tệ nhất của họ, và theo đó đã góp phần vào những giọng điệu thù ghét, bêu xấu, cũng như là các vụ việc chống Trung Quốc, chống châu Á ở Mỹ.

Nhà Trắng hy vọng có thể che đậy sự thiếu chuẩn bị của mình, sau thất bại trong nỗ lực phòng ngừa và xét nghiệm địa phương (vốn chỉ mới được bắt đầu).

Ngày 16/3, tờ New York Times đã đăng một báo cáo điều tra vô tư về sự đối phó một cách thiếu quản lý với SARS-CoV-2 của chính quyền Mỹ. Một ngày sau, chính quyền đã chia sẻ báo cáo về đại dịch của mình với báo này.

Có vẻ là Nhà Trắng hy vọng thể hiện được rằng dịch bệnh đang trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, những tiết lộ về trình tự thời gian lại cho thấy một câu chuyện hoàn toàn khác.

Sự tự mãn tai hại

Mặc dù giới chức hàng đầu trong ngành y tế Mỹ đã giám sát chặt chẽ tình hình cuộc khủng hoảng ngay từ đầu tháng Một và đặt biệt là từ khi ca mắc COVID-19 đầu tiên được xác nhận tại bang Washington vào ngày 20/1, sau những cảnh báo mà WHO đưa ra, song Nhà Trắng vẫn không thể hành động dựa trên những bằng chứng cấp bách - thậm chí còn phản ứng lại những cảnh báo của cộng đồng tình báo quốc gia Mỹ.

Cách đây không lâu, Tổng thống Trump vẫn còn công khai nói rằng đến ngày 1/4 thì mọi mối nguy hiểm đều sẽ qua đi. Khi ông rốt cuộc cũng nhận thức được những nguy cơ, ông đã chắp vá một cách vụng về những tuyên bố sai lầm rõ ràng về COVID-19 ở Phòng Bầu dục và tuyên bố sai lệch sau đó tại Vườn Hồng. Cho đến giữa tháng 3, sự lây lan tại Mỹ đã bắt đầu mất kiểm soát.

Báo cáo về đại dịch đã nói rõ về các hậu quả: “Một đại dịch sẽ kéo dài 18 tháng hoặc lâu hơn, và có thể bao gồm nhiều đợt dịch… Số lượng các ca nhiễm và nghi nhiễm SARS-CoV-2 ngày càng gia tăng tại Mỹ sẽ khiến những người có nguy cơ ồ ạt nhập viện, gây sức ép nặng nề lên hệ thống y tế, và kéo theo đó sẽ là những thiếu thốn”.

Tại Anh, sai lầm tương tự cũng đã gây ra một sự thất bại thảm hại, dù Thủ tướng Boris Johnson đã cố gắng để nói về nó bằng những lời lẽ lạc quan: “Chúng ta có thể đạt đỉnh dịch trong vòng 12 tuần tới.”

[‘Hai tuần quyết định’ của nước Mỹ]

Tuy nhiên, điều này không thể đạt được nếu không có những biện pháp nghiêm ngặt, vốn cần phải được áp dụng từ cách đây vài tuần.

Ngược lại, Thủ tướng Đức Angela Merkel lại thẳng thừng tuyên bố rằng “kể từ sau Chiến tranh Thế giới II, chúng ta chưa bao giờ phải đối mặt với một thách thức lớn , đòi hỏi sự hợp tác hành động chung ở cấp độ cao đến như vậy. Chúng ta có thể thành công khi mà tất cả đều thực sự hiểu điều gì là cần thiết”.

Cái từng được coi là một đại dịch kéo dài vài tháng thì nay có nguy cơ trở thành một thách thức kéo dài hàng năm.

Sự bùng nổ các ca nhiễm mới ở Mỹ và châu Âu

Thực tế phũ phàng là Mỹ và châu Âu đã hành động chậm trễ từ 4 đến 8 tuần. Trong bối cảnh số lượng các ca nhiễm trên toàn thế giới đã đạt gần nửa triệu, những ca nhiễm mới vẫn tăng thêm hơn 40.000 ca/ngày, tức là tăng nhanh gần gấp bốn lần so với chỉ một tuần trước.

Trong giai đoạn tồi tệ nhất của dịch bệnh ở Trung Quốc, tốc độ lây lan mạnh nhất cũng chỉ gần 4.000 ca/ngày, nghĩa là chỉ 1/10 so với tốc độ hiện nay ở bên ngoài Trung Quốc. Sự gia tăng đột biến này chính là tình hình dịch bệnh hiện nay ở châu Âu và Mỹ, nơi số lượng các ca nhiễm sẽ sớm vượt qua Trung Quốc.

Với ước tính rằng số ca nhiễm mới tại Trung Quốc sẽ duy trì ở mức thấp và các ca từ nước ngoài vào có thể được cách ly; số lượng các ca nhiễm tại nước này có thể giữ ở mức dưới 85.000 ca vào cuối tháng Tư.

Tuy nhiên, nếu số ca tiếp tục gia tăng đến 40.000 ca/ngày ngoài Trung Quốc như hiện nay - đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu, thì đến tháng Tư, tổng số ca trên toàn thế giới có thể vọt lên khoảng 1,8 triệu ca.

Dần dần, một kịch bản tương tự có thể gây thiệt hại nghiêm trọng khi chuyển sang Trung Đông, Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi với tình trạng lao dốc trong các ngành tài chính, thương mại, đầu tư và di cư trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, do sự suy đoán này dựa trên tốc độ lây lan và số ca hiện tại, nên chỉ có một kịch bản khả thi duy nhất. Trên thực tế, con số cuối cùng có thể sẽ thấp hơn nếu tốc độ lây lan có thể chậm lại, hoặc con số thậm chí có thể cao hơn nếu tình trạng này không cải thiện.

Sự hợp tác thiết yếu nhằm ngăn chặn những làn sóng và ổ dịch mới

Sau khi những biện pháp hạn chế được áp dụng ở các nền kinh tế lớn, một số quốc gia có thể ghi nhận tỉ lệ tử vong nhỏ, đặc biệt tại các nhóm có nguy cơ nhiễm virus. Đây là một phiên bản đặc biệt thời đương đại của các thuyết ưu sinh cổ, vốn cho phép một số nhà hoạch định chính sách ở phương Tây che đậy những sai lầm của họ theo đúng nghĩa đen.

Trong bối cảnh biện pháp cách ly kém hiệu lực đang được áp dụng ở những nước này, những dòng người, hầu hết là không có triệu chứng bệnh, sẽ bắt đầu đi lại trở lại. Và rốt cuộc, họ sẽ xuất hiện ở các đường biên giới của những nước đang quản lý khủng hoảng tương đối hiệu quả.

Điều này được minh chứng rõ ràng ở số lượng gia tăng các ca nhiễm từ nước ngoài vào Trung Quốc, Singapore và Hong Kong.

Điều thực sự cần thiết để tránh có thêm những kịch bản ác mộng là sự hợp tác đa cực giữa các nền kinh tế lớn và xóa bỏ những bất đồng chính trị.

Về vấn đề này, Trung Quốc, nơi các biện pháp phòng ngừa tỏ ra hiệu quả, có thể chia sẻ đường lối của mình cùng với các cường quốc đang nổi và phát triển lớn khác.

Sự hợp tác toàn cầu hiệu quả đang thực sự cấp thiết để có thể giảm bớt những thiệt hại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục