Chiến tranh thương mại có ngăn cản hành trình trỗi dậy của Trung Quốc

Chuyên gia Hong Kong Tôn Chí cho rằng chiến tranh thương mại ảnh hưởng đến nhịp độ phát triển của Trung Quốc, nhưng Trung Quốc không vì thế chùn bước, trái lại tiếp tục hành trình trỗi dậy.
Chiến tranh thương mại có ngăn cản hành trình trỗi dậy của Trung Quốc ảnh 1Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất ống thép ở Sơn Đông, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chuyên mục “Quan sát Bắc Kinh của tờ Đại Công báo, nhật báo có quan điểm thân Trung Quốc của Hong Kong, ngày 19/9 đăng bài viết của chuyên gia bình luận thời sự Hong Kong Tôn Chí cho rằng chiến tranh thương mại Trung-Mỹ ảnh hưởng đến nhịp độ phát triển của Trung Quốc, nhưng Trung Quốc cũng không vì thế mà chùn bước hay phải nhượng bộ.

Trái lại, càng trong khó khăn, người Trung Quốc càng biết cách giải quyết tốt công việc của mình, tiếp tục hành trình trỗi dậy.

Ngày 17/9, Tổng thống Mỹ tuyên bố tăng thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có tổng giá trị 200 tỷ USD và bắt đầu thực hiện từ ngày 24/9.

Tính đến thời điểm hiện tại, đây là hành động tăng thuế suất nhằm vào hàng hóa Trung Quốc với quy mô lớn nhất của Mỹ trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc kể từ hồi đầu tháng 7/2018 đến nay, đồng thời đánh dấu sự nâng cấp của chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Không thể phủ nhận rằng việc Mỹ chủ động phát động chiến tranh thương mại đã làm loạn nhịp độ phát triển của Trung Quốc.

Đối những hành động mang tính bá quyền này của Mỹ, Trung Quốc đáp trả một cách bị động, nhưng cũng rất kiên định.

Điều đáng nói là Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ khua “cây gậy thương mại” đưa ra “cái giá trên trời” với Trung Quốc, mà còn coi đọ sức kinh tế-thương mại với Trung Quốc là vụ “làm ăn” lớn.

Có điều, Trump đã đi sai một nước cờ, đánh giá thấp quyết tâm của Trung Quốc trong việc bảo vệ quyền phát triển của mình. Chiến tranh thương mại sẽ không thể ngăn nổi bước tiến của Trung Quốc trong quá trình trỗi dậy.

[Bắc Kinh cảnh báo đối đầu thương mại khiến Mỹ-Trung đều thiệt hại]

Gần đây, cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng Larry Kudlow tuyên bố rằng phía Mỹ vẫn muốn đàm phán với Trung Quốc. Tuy nhiên, Larry Kudlow cũng không quên nhắc lại “cái giá trên trời” mà Mỹ đưa ra: “Không thuế, không rào cản, không trợ giá, ngừng ăn cắp bản quyền tri thức, công ty của người Mỹ do người Mỹ sở hữu.”

Thế nhưng, nhìn lại những diễn biến gần đây có thể thấy “Mỹ công khai một đường, ngấm ngầm làm một nẻo”, thiếu thành ý đàm phán nghiêm túc.

Trong khi đó, quan điểm của Trung Quốc rất rõ ràng: từ chối “cái giá trên trời” mà Mỹ đưa ra, đồng thời bác bỏ mọi chỉ trích ác ý của Mỹ nhằm vào Trung Quốc.

Giới phân tích quốc tế phần đông nhận định rằng chiến tranh thương mại Trung-Mỹ sẽ tiếp tục quyết liệt. Hiển nhiên, cuộc chiến tranh "không khói súng" này không chỉ ảnh hưởng đến vận mệnh của Trung Quốc, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cục diện thế giới hiện nay.

Trong 10 năm phát triển, đây chính là giai đoạn mấu chốt “leo dốc vượt núi” đầy khó khăn của Trung Quốc.

Hơn thế, trong quá trình trỗi dậy của nước lớn mới nổi, gặp phải sự chèn ép của nước lớn phát triển là hiện thực không thể né tránh. Nhận thức được điều này, Trung Quốc sẽ có đủ dũng khí và niềm tin dùng trí tuệ của mình để đối phó với cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ hiện nay.

Với Trung Quốc, hiện nay vừa là “tâm bão” của chiến tranh thương mại, cũng là “tâm bão” của cải cách mở cửa.

Cách đây 40 năm, Trung Quốc mở cửa quốc gia, thực hiện “cất cánh kinh tế,”, đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ.

Sau 40 năm, Trung Quốc bước vào thời kỳ phát triển mới với tiêu chí là một đợt cải cách mới đang “giương buồm ra khơi.”

Người Trung Quốc những tưởng tranh thủ phấn đấu không mệt khỏi trong thời bình để có đủ năng lực duy trì hòa bình vĩnh cửu, nhưng “gió bão” ập đến, khiến “con tàu cải cách mở cửa” của Trung Quốc gặp nhiều khó khăn hơn trong hành trình tiến lên phía trước.

Có điều càng trong khó khăn, người Trung Quốc càng biết cách làm tốt công việc của mình, giống như một bài viết trên tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, mới đây đã nêu rõ: “Đối với những quan điểm mang tính thành kiến, Trung Quốc cần dùng hành động để nói chuyện. Còn đối với sức ép, hãy để năng lực của Trung Quốc lên tiếng”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục