Vị thế của nhóm G20 ở đâu trong thời đại dịch COVID-19?

Các nhà lãnh đạo G20 cần phải vượt ra khỏi các cuộc tranh cãi gần đây và ngừng vũ khí hóa virus SAR-CoV-2 trong cuộc chiến giành ảnh hưởng toàn cầu để giúp ổn định niềm tin công chúng, thị trường.
Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về dịch COVID-19 ngày 26/3/2020 đã ra tuyên bố khẳng định G20 sẽ nỗ lực hết mình và cam kết thành lập một mặt trận thống nhất chống dịch COVID-19. (Ảnh: AFP
Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về dịch COVID-19 ngày 26/3/2020 đã ra tuyên bố khẳng định G20 sẽ nỗ lực hết mình và cam kết thành lập một mặt trận thống nhất chống dịch COVID-19. (Ảnh: AFP

Theo Reuters và The Guardian, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 23/3 đã nhất trí về việc triển khai một “kế hoạch hành động” để ứng phó với đại dịch COVID-19.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đang lo ngại đại dịch này sẽ làm dấy lên một cuộc suy thoái toàn cầu, song lại không đưa ra hành động cụ thể nào.

Ban thư ký của G20 đã ra tuyên bố sau cuộc họp trực tuyến của các quan chức tài chính diễn ra trong gần 2 giờ, trong bối cảnh những chỉ trích ngày càng gia tăng rằng “trạm cứu hỏa” của thế giới đã ứng phó chậm chạp với cuộc khủng hoảng đang ngày càng tồi tệ.

Các nhà lãnh đạo G20 sẽ nhóm họp hội nghị thượng đỉnh thực sự bất thường trong những ngày tới trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang lan truyền rộng rãi khiến 370.000 người bị lây nhiễm và hơn 16.000 người thiệt mạng trên toàn cầu.

Hội nghị thượng đỉnh, do nước Chủ tịch G20 năm nay là Saudi Arabia triệu tập, sẽ rất phức tạp bởi cuộc chiến giá dầu giữa hai thành viên là Saudi Arabia và Nga, và sự gia tăng căng thẳng giữa hai đối tượng khác là Mỹ và Trung Quốc liên quan đến nguồn gốc của virus.

Trao đổi với Fox News, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết những người đồng cấp của ông đều nhất trí hành động để hỗ trợ chính nền kinh tế của nước họ, và điều phối ở quy mô quốc tế nếu cần thiết. Tuy nhiên, ông đã không đưa ra chi tiết cụ thể.

Theo một nguồn tin nắm rõ các kế hoạch, ông Mnuchin chủ trì hội nghị các bộ trưởng Tài chính và Ngân hàng Trung ương G7 vào ngày 24/3.

Ông cho biết Mỹ đã phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên của G20, G7, IMF cũng như Ngân hàng Thế giới (WB) để tìm cách ứng phó với cuộc khủng hoảng, đồng thời nhấn mạnh “đây là nỗ lực của nhóm để tiêu diệt virus này và cung cấp sự cứu trợ cho nền kinh tế." Ông Mnuchin cũng đang đấu tranh để giành được sự chấp thuận của Quốc hội cho gói cứu trợ gần 2.000 tỷ USD.

[G20 khẳng định quyết tâm cùng nhau vượt qua đại dịch COVID-19]

Hung Tran - học giả giàu kinh nghiệm tại Hội đồng Atlantic, cho biết: “Các nhà lãnh đạo G20 cần phải vượt ra khỏi các cuộc tranh cãi gần đây và ngừng vũ khí hóa loại virus corona chủng mới này trong cuộc chiến giành ảnh hưởng toàn cầu để giúp ổn định niềm tin công chúng và thị trường."

Theo ông, những hành động cụ thể có thể bao gồm chia sẻ kết quả các phương pháp điều trị và vaccine mới; giảm thuế quan vốn đang khiến tăng trưởng toàn cầu sụt giảm thậm chí là từ trước khi khủng hoảng dịch bệnh lần này xảy ra; và có những hành động tài chính đồng bộ. “Đơn giản, cần lập đi lập lại câu thần chú rằng 'Chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì có thể'," ông Hung Tran bổ sung.

Cả IMF và WB ngày 23/3 đều dự báo đại dịch có thể làm dấy lên một cuộc suy thoái toàn cầu trong năm 2020.

Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva hoan nghênh các bước đi tài chính và tiền tệ đã được các nước thực hiện, song cũng cho biết có thể cần nhiều biện pháp hơn nữa, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính.

Vị thế của nhóm G20 ở đâu trong thời đại dịch COVID-19? ảnh 1Kỹ thuật viên xét nghiệm mẫu bệnh phẩm COVID-19 trong phòng thí nghiệm tại Roosendaal, Hà Lan, ngày 4/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo tờ Guardian, bà Kristalina Georgieva cho rằng triển vọng tăng trưởng toàn cầu là tiêu cực và thế giới đang phải đối mặt "với một cuộc suy thoái kinh tế ít nhất là tồi tệ như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hoặc tồi tệ hơn."

Theo bà, "các nhà đầu tư đã loại bỏ 83 tỷ USD ra khỏi các thị trường mới nổi kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng, dòng vốn lớn nhất từng được ghi nhận. Chúng tôi đặc biệt lo ngại đối với các quốc gia có thu nhập thấp đang ngập trong nợ," đồng thời cho biết thêm 80 quốc gia đã nộp đơn xin IMF cứu trợ tài chính khẩn cấp.

Quy mô trung bình của các biện pháp tài chính do hơn 20 nước đưa ra chiếm khoảng 1,8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thấp hơn gói cứu trợ 2% mà nhóm các nước G20 đưa ra hồi năm 2009 trong cuộc khủng hoảng tài chính, ông Hung Tran nói.

Nhật Bản, một thành viên của G7, bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng của virus corona và hối thúc các nước thành viên của G20 hành động “không ngần ngại một cách kịp thời."

Argentina, quốc gia mà IMF cho rằng có khoản nợ không bền vững, cảnh báo các nước thành viên G20 phải hành động dứt khoát để “tránh một cuộc khủng hoảng xã hội” do đại dịch lan rộng.

Trao đổi với các bộ trưởng về lời kêu gọi của G20, Bộ trưởng Tài chính Argentina Martin Guzman cho rằng các nước nên sử dụng “toàn bộ công cụ” của các chính sách kinh tế, bao gồm việc mở rộng các hoán đổi giao dịch song phương để hỗ trợ cho các quốc gia đang cần hỗ trợ nhất.

Các bộ trưởng tài chính khẳng định cuộc họp thực sự của G20 hôm 23/3 rất có giá trị. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã tuyên bố trên trang tweeter rằng cuộc họp đã thảo luận về tác động mạnh mẽ của đại dịch đối với nền kinh tế toàn cầu, hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển và chuẩn bị cho chiến lược chung để thoát khỏi cuộc khủng hoảng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục