Sai lầm và phản ứng yếu kém của Indonesia trước dịch bệnh COVID-19

Dư luận thế giới không khỏi sửng sốt khi Phó Tổng thống Indonesia và Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng lời cầu nguyện của các giáo sỹ và của người dân đã giúp Indonesia ngăn dịch COVID-19.
Sai lầm và phản ứng yếu kém của Indonesia trước dịch bệnh COVID-19 ảnh 1Nhân viên phun thuốc khử trùng trên tàu hỏa ở Bandung, Tây Java, Indonesia ngày 15/3/2020, nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tờ The Diplomat đăng bài viết “Những sai lầm và phản ứng yếu kém của Indonesia trước sự bùng phát dịch COVID-19," trong đó chỉ ra cách tiếp cận thiếu cơ sở khoa học của chính quyền Tổng thống Jokowi trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) ngày càng diễn biến phức tạp.

Cách tiếp cận này bắt nguồn từ mục đích kinh tế nhưng lại đang có nguy cơ gây ra những tác động tiêu cực đối với sức khỏe của người dân và nền kinh tế của Indonesia.

Sau gần ba tháng phủ nhận thông tin dịch bệnh lây lan tại Indonesia, Tổng thống Jokowi cuối cùng đã phải thừa nhận thực trạng bệnh dịch tại Xứ sở Vạn đảo này đang diễn biến rất nghiêm trọng, đồng thời kêu gọi người dân khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng ngừa sự lây lan nhanh chóng của COVID-19.

Ông Jokowi không thể tiếp tục né tránh truyền thông và áp lực từ xã hội sau khi nhiều người dân Indonesia, thâm chí có cả giới quan chức như Bộ trưởng Giao thông Vận tải Budi Karya Sumadi, có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2). 

Theo số liệu công bố của cơ quan y tế Indonesia, hiện Indonesia có gần 500 ca được xác định lây nhiễm SARS-CoV-2 và hàng chục trường trường hợp đã tử vong do COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, dư luận cho rằng đây chỉ là con số do chính phủ cung cấp, và con số này không phản ánh đúng tình hình thực tế. Số bệnh nhân bị lây nhiễm và tử vong do COVID-19 trên thực tế còn lớn hơn rất nhiều.

Còn rất nhiều người dân có các triệu chứng giống như bị lây nhiễm COVID-19 nhưng không được cách ly, xét nghiệm do Indonesia đang thiếu trầm trọng các thiết bị y tế cần thiết. Nhiều người dân Indonesia, thậm chí là những du khách nước ngoài, đã tử vong nhưng chính quyền địa phương không xác nhận họ bị nhiễm COVID-19.

Đánh giá về vấn đề trên, giới chuyên gia cho rằng cách tiếp cận trong việc ngăn ngừa dịch bệnh của chính quyền Tổng thống Jokowi thiếu cơ sở khoa học và đang gây ra những tác động tiêu cực đến quốc gia này.

Tại Indonesia, không những chính quyền sai lầm trong việc kiểm soát dịch bệnh, các nhóm được mệnh danh là “tinh hoa” chính trị của đất nước cũng đã nhận thức không đúng đắn vấn đề dịch bệnh. Tất cả đang làm cho tình hình bệnh dịch tại Indonesia trở nên trầm trọng hơn.

Dư luận thế giới không khỏi sửng sốt khi Phó Tổng thống Indonesia Ma Marruf Amin và Bộ trưởng Bộ Y tế Agus Terawan lập luận rằng những lời cầu nguyện của các giáo sỹ và của người dân đã giúp Indonesia có thêm sức mạnh để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh tại quốc gia rộng lớn có 270 triệu dân này.

Cũng giống như ông Ma Marruf Amin và Agus Terawan, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia (BNPB) Indonesia, Doni Monardo tuyên bố người Indonesia có khả năng miễn dịch với SARS-CoV-2 nhờ thói quen uống thảo dược hàng ngày của họ.

Chính phủ của Tổng thống Jokowi đã làm gì trước hình hình bùng phát dịch bệnh nguy hiểm này? Khi bắt đầu bùng phát dịch bệnh tại Trung Quốc, ngành du lịch quốc tế nói chung và du lịch của Indonesia đã sụt giảm nghiêm trọng doanh thu vì người dân hạn chế đi lại.

Tuy nhiên, vì coi du lịch là một trong những ngành mang lại nguồn thu lớn cho quốc gia, chính phủ đã tuyên bố phân bổ 4,8 triệu USD để thúc đẩy ngành du lịch nhằm tránh tác động tiêu cực từ sự bùng phát của COVID-19. Gói hỗ trợ tài chính này được đưa ra nhằm thu hút hơn số lượng khách du lịch đến Indonesia, giúp Indonesia cải thiện nguồn thu từ du lịch. Tuy nhiên, đây được coi là một trong những sai lầm nghiêm trọng của chính phủ Indonesia trong việc ngăn chặn, kiểm soát các nguồn dịch bệnh từ bên ngoài.

Gói hỗ trợ tài chính này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của dư luận trong nước và nhanh chóng bị rút lại. Đó chỉ là một trong nhiều ví dụ về cách tiếp cận thiếu khoa học của chính phủ Indonesia đối với việc phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh.

Giới quan sát cho rằng Indonesia rất cần tiếp cận vấn đề bằng những cơ sở khoa học thuyết phục, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh đang bùng phát hiện nay. Cho đến nay, phản ứng được coi là mạnh mẽ nhất của chính phủ Indonesia là kêu gọi các công chức làm việc tại nhà; người dân tránh tụ tập tại những nơi đông người và không tổ chức các sự kiện nhằm giảm bớt nguy cơ lây lan của dịch bệnh.

Chính quyền trung ương cũng đã trao quyền cho chính quyền địa phương thực hiện các bước ngăn ngừa dịch bệnh cần thiết khác, nhưng đồng thời cấm các địa phương thực hiện biện pháp cách ly, phong tỏa địa giới hành chính. Điều này dường như đang mâu thuẫn rất lớn trong việc phối hợp kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh giữa chính quyền trung ương và địa phương. Điều này cũng chứng tỏ rằng ông Jokowi đang cố gắng ngăn chặn sự hoảng loạn của công chúng đối với dịch bệnh nhưng vẫn ưu tiên các mục tiêu phát triển kinh tế của quốc gia trong giai đoạn hiện nay. Và thái độ của chính quyền Jokowi đối với sự bùng phát của dịch bệnh có thể được cho là còn tương đối thờ ơ, chưa thực sự coi trọng.

[Indonesia kéo dài tình trạng khẩn cấp tại Jakarta do dịch COVID-19]

Nếu Chính phủ Indonesia cố tình lảng tránh hoặc tiếp tục áp dụng các chính sách cũng như các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh bất hợp lý, quốc gia này sẽ phải trả giá. Kể cả khi Indonesia quyết định chi 66,4 triệu USD để đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế, nâng cấp hạ tầng cơ sở khám chữa bệnh, họ cũng chưa hẳn sẽ kiểm soát được sự bùng phát của dịch bệnh vì hiện nay nguồn cung cho mặt hàng này đều rất khan hiếm, mọi quốc gia trên thế giới đều có nhu cầu rất lớn. Do vậy, để đáp ứng được nhu cầu này là rất khó.

Virus corona là một thách thức lớn đối với hệ thống y tế của Indonesia. Hệ thống bảo hiểm sức khỏe (BPJS) của Indonesia sẽ không chi trả phí y tế cho bệnh nhân bị lây nhiễm loại virus này, đồng nghĩa với việc người dân khi bị lây nhiễm COVID-19 sẽ phải tự chi trả hoàn toàn chi phí khám, chữa bệnh.

Hiện tại, Chính phủ Indonesia thông báo đã chuẩn bị khoảng 100 bệnh viện làm nơi chữa trị cho các bệnh nhân bị COVID-19. Tuy nhiên, sự thiếu minh bạch trong công tác thông tin và cách giải thích thiếu cơ sở khoa học của chính phủ đã khiến người dân và dư luận lo ngại.

Đến nay, chưa có thông tin chính xác về việc mức độ lây lan thực sự của COVID-19 tại Indonesia. Hiện cũng chưa có thông tin cụ thể về dự kiến thời gian kiểm soát dịch bệnh thành công của chính phủ. Tất cả chỉ là những khuyến cáo quen thuộc như tránh tụ tập nơi đông người hay giữ khoảng cách khi tiếp xúc, và không ai biết sẽ mất bao lâu để chính phủ Indonesia dập tắt được dịch bệnh và cũng không ai biết điều gì đang xảy ra?

Hơn lúc nào hết, Indonesia cần phải nhanh chóng áp dụng các biện pháp cần thiết, học hỏi kinh nghiệm các quốc gia trong khu vực như Singapore, Thái Lan hay Hàn Quốc, thông báo rộng rãi và truy tìm nguồn gốc lây nhiễm, áp dụng các biện pháp cách ly hiệu quả và quan trọng hơn hãy đặt ưu tiên ngăn ngừa bệnh dịch lên hàng đầu để giải quyết dứt điểm, sau đó mới tính đến các biện pháp phát triển kinh tế. Có như vậy, Indonesia mới có thể tránh khỏi tổn thất nặng nề./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục