Hà Nội điều tra dịch tễ, khoanh vùng có ca dương tính SARS-CoV-2

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cho rằng quan trọng nhất bây giờ là điều tra dịch tế để xác định các đối tượng tiếp xúc F1, F2, F3, đây là yếu tố quyết định hạn chế sự lây lan dịch bệnh.
Bên trong khu cách ly phố Trúc Bạch người dân nhận lương thực, thực phẩm từ bên ngoài chuyển vào qua trạm kiểm tra an ninh đặt tại đầu phố. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Bên trong khu cách ly phố Trúc Bạch người dân nhận lương thực, thực phẩm từ bên ngoài chuyển vào qua trạm kiểm tra an ninh đặt tại đầu phố. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội sáng 8/3, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, Hà Nội đang ở mức độ 2 của dịch COVID-19.

Nhận định diễn biến dịch sẽ có nhiều phức tạp, dự báo nhiều khả năng các trường hợp tiếp xúc trực tiếp (F1) sẽ dương tính…, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cho rằng quan trọng nhất bây giờ là điều tra dịch tế để xác định các đối tượng tiếp xúc F1, F2, F3, đây là yếu tố quyết định hạn chế sự lây lan dịch bệnh.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, trong 40 giờ qua, Ban Chỉ đạo thành phố đã chỉ đạo quyết liệt, không kể ngày đêm để xử lý kịp thời đối với diễn biến của dịch bệnh. Công tác tuyên truyền thực hiện công khai, minh bạch. Nhân dân thành phố rất ủng hộ, tin tưởng vào các giải pháp mà chính quyền thành phố đang thực hiện.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu tổ chức cách ly theo hướng nâng lên một cấp. Đối với trường hợp tiếp xúc trực tiếp cách ly tại các cơ sở y tế; đối tượng F2 cách ly tại nhà có sự giám sát; F3 khuyến cáo nếu xuất hiện biểu hiện ho sốt phải đến cơ sở y tế.

Trong trường hợp, nếu đối tượng tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 (F1) dương tính thì toàn bộ F2 phải chuyển lên F1 và cách ly tại cơ sở y tế, để tránh bỏ sót và ngăn ngừa việc lây lan trong cộng đồng. Sở Y tế chủ trì điều phối, phân luồng việc cách ly.

Bên cạnh đó, tổ chức khoanh vùng khử khuẩn tại các nơi có ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cũng giao cho Sở Y tế và Sở Tài chính chuẩn bị cơ sở vật chất cao hơn một mức (mức độ 3) để đảm bảo kịp thời ứng phó.

[Đã có ca lây nhiễm thứ phát, Hà Nội đề nghị công bố dịch COVID-19]

Trước nguy cơ quá tải tại các khu cách ly tập trung cũng như dựa trên thành công trong công tác cách ly ở Vũ Hán (Trung Quốc), nhận định trong thời gian tới Hà Nội có thể tiếp tục có thêm bệnh nhân nhiễm COVID-19 mới, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Đức Chung cho rằng cần tính đến giải pháp cách ly tại nhà các trường hợp tiếp xúc của tiếp xúc (F3) xét nghiệm âm tính với với virus SARS-CoV-2 với việc đảm bảo các điều kiện của cách ly (phòng rộng, thoáng mát)… Nếu không đủ điều kiện thì cách ly tại trạm y tế xã, phường. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố lưu ý, đối với các trường hợp sức khỏe yếu thì có thể kéo dài thời gian cách ly.

Tất cả các khu có trường hợp dịch bệnh đều phải được tổ chức phun khử khuẩn. Xác định tất cả các trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 phải khẩn trương xác minh để cách ly các đối tượng có tiếp xúc, lưu ý ưu tiên cho những người già…

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố đề nghị Trung tâm kiểm soát dịch bệnh thành phố soạn một cuốn về những điều được làm không được làm, thông tin liên lạc của những cơ quan chức năng cho những người thực hiện cách ly tại nhà.

Đánh giá về công tác phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố trong thời gian qua, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố khẳng định, đến nay, thành phố đã xác định rõ nguồn gốc lây nhiễm của các ca dương tính với với virus SARS-CoV-2. Làm rõ được những người tiếp xúc gần F1, F2, F3; lịch trình sinh hoạt của bốn bệnh nhân; biết đến đâu cách ly đến đó, xử lý rất triệt để. Đồng thời cho biết, đến nay, sức khỏe của 4 bệnh nhân đều tiến triển tốt, không có trường hợp nào nặng, thậm chí tiến triển tốt rất nhanh.

Để người dân chủ động phòng, chống lây nhiễm, tới đây, thành phố sẽ công bố tất cả những nơi bệnh nhân COVID-19 ở, đi đến, để người dân hạn chế đi lại những vùng này. Ngay cả đối với trường hợp nghi ngờ là N.H.P (đường Láng, Đống Đa), mặc dù chưa có kết quả chính thức nhưng thành phố cũng coi như người bị bệnh để khuyến cáo, đưa những người tiếp xúc đi cách ly và tổ chức khử khuẩn tại khu vực này.

Trong ngày hôm nay 8/3, các tuyến phố chính của quận Ba Đình sẽ được phun thuốc khử khuẩn để ngày mai, thứ Hai đầu tuần, các cơ quan, công sở đi làm bình thường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục