Dịch COVID-19: Cùng doanh nghiệp vượt khó  

Dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng có bước phát triển chậm lại.

Chú thích ảnh
Công nhân sản xuất sản phẩm may mặc tai Công ty Cổ phần may Tiên Hưng (huyện Tiên Lữ, Hưng Yên). Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Trước tình hình này, Chính phủ, các cơ quan, ban ngành và địa phương đã tức thời ban hành nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, vực dậy các hoạt động sản xuất, kinh doanh và giao thương…đúng với tinh thần “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp” vượt gian khó, bước qua đại dịch.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, nhiều tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại đã triển khai các chương trình “Chia sẻ cùng doanh nghiệp”, các gói tín dụng quy mô lớn để khuyến khích vay và thúc đẩy dư nợ cho vay. Các gói tín dụng tập trung nhiều nhất vào các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn do dịch bệnh như: du lịch, vận tải, kho bãi, nông nghiệp, xuất khẩu, vui chơi giải trí...  Cùng với đó, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng doanh nghiệp bằng cách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay…

Từ thực tiễn các địa phương, ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Thanh Hóa cho biết, bên cạnh việc khoanh nợ, giãn thời gian nộp thuế, giãn tiến độ nộp tiền thuê đất, giảm tiền thuê đất và mặt bằng sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng, các sở ban, ngành và chính quyền địa phương tiếp tục rà soát cắt giảm bớt quy trình và thủ tục hành chính về đầu tư.

Từ đó, khơi dậy tinh thần đầu tư của doanh nghiệp; đồng thời, hạn chế thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp trong bối cảnh đang phải nỗ lực khắc phục những khó khăn do dịch bệnh gây ra. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng cần xem xét các gói vay ưu đãi cho doanh nghiệp để vực dậy hoạt động “hậu” dịch bệnh.

Đại diện tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp ở thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng cũng hiến kế khắc phục những vướng mắc như: thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, cạn đơn đặt hàng do nhu cầu từ các đối tác suy giảm, áp lực tài chính, lãi suất vốn vay… đang là những áp lực khiến doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động…

Ông Quang cho rằng, các doanh nghiệp cần tính toán để cắt giảm tối đa chi phí, cơ cấu lại các khoản đầu tư, tập trung vào các ngành nghề kinh doanh cốt lõi, tránh dàn trải… Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần huy động thêm nguồn tài chính từ chuyển đổi mô hình hoạt động như: thực hiện sáp nhập, liên kết hay cổ phần hóa, phát hành trái phiếu, góp vốn kinh doanh, kêu gọi nhà đầu tư đối tác mới có năng lực, huy động vốn từ người thân, người lao động, cơ cấu lại tài sản…  

Theo các chuyên gia kinh tế, nỗi lo về nguyên liệu và thị trường đang là hai lực cản lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Nhiều doanh nghiệp thông tin, số lượng nguyên vật liệu dự trữ trong kho chỉ đủ vận hành máy móc sản xuất trong vòng 1 tháng tới.

Qua tổng hợp ý kiến từ nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực dân doanh cho thấy, nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đã được ban hành cùng nhiều gói tín dụng cho vay được một số ngân hàng thương mại triển khai, quảng bá tới khách hàng. Điều này nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trước bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp; tình hình thị trường chưa có sự cải thiện khiến đa phần người dân và doanh nghiệp không khỏi lo lắng.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, những chính sách miễn giảm thuế phí, hạ lãi suất cho vay… sẽ giúp doanh nghiệp giảm tải áp lực khi sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nhưng việc vay thêm để mở rộng hay phát triển hiện tại chưa được nghĩ tới. Thậm chí, có doanh nghiệp đang có xu hướng thu hẹp các khoản đầu tư để bảo toàn vốn.

Chia sẻ về thực trạng của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Sinh, Giám đốc Công ty May Minh Anh – Kim Liên tại Khu công nghiệp Bắc Vinh (tỉnh Nghệ An) cho biết, nếu dịch bệnh COVID-19 tiếp tục kéo dài đến hết năm 2020 thì hàng chục nghìn công nhân có nguy cơ tạm nghỉ việc.

“Hiện nay, doanh nghiệp đã lên sẵn kịch bản sản xuất đến hết tháng 9/2020. Đó là nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc đã được dự trữ sẵn từ trước. Vì vậy, tạm thời đến thời điểm nói trên, đơn vị vẫn duy trì dây chuyền sản xuất diễn ra bình thường. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang xây dựng kịch bản tiếp theo là tìm mối hàng ở các nước khác như Hàn Quốc, Ấn Độ, châu Âu… để không phải gặp cảnh bị động”. 

Đối với ngành du lịch, ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Vietsence, cho biết, thiệt hại từ dịch COVID-19 khiến tất cả mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị tê liệt. Nếu dịch bệnh kéo dài sẽ tiếp tục gây tổn thất cho ngành du lịch nói chung cũng như khó khăn cho tất cả các công ty du lịch Việt Nam nói riêng.

“Chúng tôi mong muốn, các cơ quan quản lý Nhà nước tạo điều kiện xem xét, giúp chúng tôi tiếp cận với các nguồn vốn mới từ ngân hàng; đồng thời, điều chỉnh mức lãi suất từ các nguồn huy động. Chính sách thuế của doanh nghiệp hay những phí thu phải đóng với các cơ quan Nhà nước cũng nên được điều chỉnh giảm hoặc miễn. Điều này sẽ rất hữu ích cho các doanh nghiệp trong ngành và nhất là với doanh nghiệp của chúng tôi”, ông Tài cho hay.

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó trong bối cảnh này, ông Tài cũng kiến nghị các cơ quan chức năng nên kiểm soát và xử lý được những thông tin sai lệch; tăng cường quảng bá mạnh hơn nữa về du lịch để khách hàng hiểu biết rõ và tự tin khi lựa chọn và đến với các điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Chỉ khi khách hàng hiểu đúng, đầy đủ và có những thông tin tích cực thì họ sẽ sẵn sàng tham gia các tour du lịch cũng như có phương pháp phòng tránh dịch bệnh.

Thạch Huê (TTXVN)
Giúp doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng
Giúp doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng

Mặc dù mới đầu năm nhưng xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong ngắn hạn được dự báo sẽ có nhiều khó khăn do yếu tố bất lợi từ diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại Trung Quốc, đặc biệt là tại Hàn Quốc và Nhật Bản là những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN