Nỗ lực chống tin giả về COVID-19 liệu có tác dụng?

Đa số những người phao tin giả chẳng cần biết người đọc có tin hay không, họ chỉ dùng dịch bệnh này như là một phương tiện lý tưởng nhằm đạt được mục đích của họ, để kiếm tiền, hoặc gây hoang mang.
Nỗ lực chống tin giả về COVID-19 liệu có tác dụng? ảnh 1Binh sỹ Hàn Quốc phun thuốc khử trùng đề phòng dịch COVID-19 tại nhà ga đường sắt Dongdaegu ở Daegu, cách Seoul khoảng 300km về phía Đông Nam. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh dịch bệnh viêm phổi do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19) đang lan rộng ra toàn thế giới, cuộc chiến trên không gian mạng nhằm chống lại các tin tức giả về bệnh dịch này cũng đang được thúc đẩy.

Theo AFP, hồi tuần trước, các công ty mạng đã tham gia một cuộc họp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại văn phòng của Facebook tại Thung lũng Silicon để thảo luận về cách thức đối phó với nạn tung tin giả, chẳng hạn như đẩy mạnh các nguồn tin đáng tin cậy và kiểm soát nhanh các thông tin bị cho là mơ hồ về COVID-19.

Trước đó, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyeus từng chia sẻ với AFP rằng “chúng ta phải đánh chặn sự lan truyền các thông tin giả. Và để làm được điều này, chúng ta phải hợp tác với Google để đảm bảo rằng những người dân đang tìm kiếm thông tin về COVID-19 phải được tiếp cận thông tin từ WHO đầu tiên trong danh sách các kết quả tra cứu của mình.”

Tổng giám đốc Ghebreyesus cũng cho biết các nền tảng truyền thông khác như Twitter, Facebook, Tencent và TikTok đã có những bước đi nhằm hạn chế sự lan truyền các thông tin sai lệch về COVID-19.

Mục đích của chiến dịch tung tin giả

Trao đổi với AFP ngày 26/2, Carl Bergstrom, giảng viên môn sinh vật học thuộc Đại học Washington, một chuyên gia về tin giả trên mạng, cho rằng: “Đa số những người phao tin giả chẳng thèm biết là người đọc có tin hay không. Họ chỉ dùng dịch bệnh này như là một phương tiện lý tưởng để đạt được mục đích của họ, hoặc để kiếm tiền, hoặc để gây hoang mang dư luận.”

Chuyên gia Bergstrom nói thêm: “Một số người tìm cách bán hàng, chẳng hạn như bảo đảm với mọi người là cần sa có thể giúp ngừa virus dịch COVID-19. Những người khác thì cố thu hút người xem càng nhiều càng tốt để nhận tiền quảng cáo trên mạng. Đó là chưa kể những chiến dịch tuyên truyền nhằm làm suy yếu các nền dân chủ, tạo cảm giác là không thể tin vào ai được.”

[Facebook cấm các quảng cáo y tế sai lệch về virus SARS-CoV-2]

Theo Giáo sư Bergstrom, đó là chiến lược tuyên truyền ồ ạt, thường được nước Nga sử dụng.

Trước đó hôm 22/2, các quan chức Mỹ đã nói với AFP rằng hàng nghìn tài khoản với tên giả có liên quan đến Nga trên các mạng xã hội Facebook, Twitter, Instagram đang tung những tin thất thiệt có nội dung chống Mỹ liên quan đến chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2).

Cụ thể, chiến dịch thông tin này để lan truyền các thuyết âm mưu, lúc thì cho rằng COVID-19 là do Mỹ tạo ra để gây chiến tranh thương mại với Trung Quốc, lúc thì khẳng định đây là một vũ khí sinh học do Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) chế tạo, hoặc đây là một phần trong chiến lược của phương Tây nhằm tuyên truyền chống Trung Quốc.

Về phần mình, Moskva, qua lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, đã bác bỏ những cáo buộc nói trên của Mỹ.

Các nền tảng xã hội tích cực ngăn chặn “đại dịch tin giả”

Theo RFI, hàng loạt nền tảng xã hội nói trên đã tăng cường các chính sách hiện có, tức là gỡ bỏ mọi nội dung có thể gây phương hại cho công chúng, những quảng cáo về các phương thức điều trị nguy hiểm, và thay vào đó là những thông tin đáng tin cậy, trong đó có những thông tin đến từ WHO.

Riêng Facebook còn dựa vào chương trình “Third party fact-checking,” tức là nhờ một bên thứ ba thẩm tra thông tin, một chương trình được phát triển từ năm 2016.

AFP dẫn một tuyên bố của Facebook trong một đăng tải trên mạng cho biết công ty này đang tập trung vào những thông tin mà qua đó khiến người đọc có khả năng bị bệnh nặng hơn hoặc không tuân thủ sự điều trị đúng đắn.

Ngoài ra, Facebook đã nhấn mạnh với những người sử dụng mạng xã hội này rằng khi họ tìm kiếm thông tin liên quan đến COVID-19, mạng này sẽ đưa ra các hộp “công cụ giáo dục,” trong đó có những tin tức đáng tin cậy. Facebook còn hỗ trợ các tổ chức đang xúc tiến các chiến dịch giáo dục về COVID-19 bằng cách đăng quảng cáo miễn phí cho họ.

Trong khi đó, mạng xã hội chia sẻ video Youtube cũng đã sửa đổi các chính sách và sản phẩm của mình trong vài năm gần đây để dỡ bỏ các nội dung có hại và ưu tiên có những nội dung chính thức có căn cứ xác thực.

Youtube cho biết: “Chúng tôi hiện không cho phép đăng các nội dung đưa ra các phương thuốc hoặc cách chữa trị nguy hiểm, chẳng hạn như các đoạn phim cho rằng một số chất độc hại và cách chữa trị không chuẩn có thể mang lại những lợi ích về sức khỏe.”

Theo đài truyền hình Mỹ CNBC, tập đoàn thương mại trực tuyến Amazon đã rút khỏi trang mạng những sản phẩm được quảng cáo là “thần dược” chống virus corona.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Carl Bergstrom và Jevin West, hai đồng tác giả một cuốn sách về tin giả sắp được phát hành, những biện pháp nói trên chẳng có tác dụng gì đáng kể, lý do là vì cơ cấu của các mạng xã hội vẫn tạo điều kiện dễ dàng cho sự lan truyền của những tin “giật gân” hoặc sai lạc.

Các học giả khác ở Mỹ thì cho rằng những nỗ lực thẩm tra thông tin có thể chẳng có tác dụng gì, thậm chí còn phản tác dụng.

AFP trích dẫn một nghiên cứu mới đây vừa được đăng tải trên tờ Khoa học Tiên tiến cho thấy sự “kiểm tra nhanh” nói trên không giúp được gì mấy trong việc ngăn chặn nạn tung tin giả về các dịch bệnh như là Zika, Ebola và sốt vàng da.

Các nhà nghiên cứu nói rằng “những cách tiếp cận hiện nay trong việc đối phó tin giả và các thuyết âm mưu về những đại dịch bệnh và sự lây lan của chúng có thể không hiệu quả hoặc phản tác dụng," thậm chí là gây tác dụng phụ khi làm suy giảm lòng tin vào các thông tin dịch bệnh được đưa ra trên cơ sở thực tiễn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục