Muôn vàn kiểu khuyến cáo trên thế giới chống dịch COVID-19

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, mỗi nước lại đưa ra những hướng dẫn khác nhau về những nơi cần tránh lui tới, cũng như những điều cần làm trong và sau mỗi chuyến đi.
Muôn vàn kiểu khuyến cáo trên thế giới chống dịch COVID-19 ảnh 1Hành khách được sơ tán khỏi khu vực an ninh của nhà ga ở Lyon, Pháp, nơi một xe buýt đến từ Milan (Italy) bị cách lý do chở khách nghi nhiễm COVID-19, ngày 24/2/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Liệu khách du lịch có cần tránh đến những khu vực ở gần các "điểm nóng" bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên thế giới? Hay là vẫn đến nhưng cần thận trọng?

Những khuyến cáo chính thức mà các du khách nhận được có thể sẽ không giống nhau, tùy thuộc nơi họ sinh sống.

Khi dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc, chính phủ các nước trên toàn thế giới đã ban bố cảnh báo trong đó đều khuyến cáo công dân thận trọng khi đi lại.

[Video] Hàng nghìn người bị cách ly tại khách sạn ở Tây Ban Nha

Tuy nhiên, mỗi nước lại đưa ra những hướng dẫn khác nhau về những nơi cần tránh lui tới, cũng như những điều cần làm trong và sau mỗi chuyến đi.

Chỉ trừ một số ngoại lệ, đa số nhà chức trách các nước khuyến cáo công dân không tới tỉnh Hồ Bắc - vùng tâm dịch COVID-19 ở Trung Quốc, và hạn chế tối đa tới Trung Quốc nói chung.

Với những công dân đang ở Trung Quốc, nhà chức trách Thụy Sĩ khuyến cáo tránh những nơi tụ tập đông người và "ho hoặc hắt hơi vào khăn giấy, hoặc khuỷu tay áo," trong khi Pháp khuyến cáo công dân không ăn thịt động vật sống hoặc đến các khu chợ bán động vật.

Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha cũng kêu gọi các công dân tránh tiếp xúc với động vật và đứng cách xa người đối diện ít nhất 1 mét.

Đối với Italy, quốc gia có số trường hợp lây nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất châu Âu, Chính phủ Hà Lan cảnh báo công dân hạn chế lui tới các khu vực hiện bị nhà chức trách phong tỏa, và chỉ đến các khu vực khác chưa bị phong tỏa thuộc vùng Lombardy nếu thật sự cần thiết.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Phần Lan chỉ đơn giản khuyến cáo công dân cần "chú ý giữ gìn sức khỏe."

Quan điểm của các nước trên thế giới cũng khác nhau khi hướng dẫn những điều cần làm đối với công dân trở về từ những khu vực bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Cơ quan phụ trách bệnh truyền nhiễm ở Đức khuyến cáo công dân trở về từ "ổ dịch" ở Italy với triệu chứng nhiễm SARS-CoV-2 cần đi khám bác sỹ.

Tuy nhiên, giới chức y tế Pháp lại yêu cầu những trường hợp tương tự không đến bác sỹ mà phải gọi tới các dịch vụ khẩn cấp.

Anh hối thúc công dân tự cách ly ở nhà nếu họ đã từng đến các khu vực cách ly ở Italy dù có xuất hiện triệu chứng nhiễm hay không.

Trong khi đó, Cơ quan Y tế Đan Mạch hiện vẫn chưa áp đặt các biện pháp cách ly đối với công dân trở về từ Trung Quốc hoặc các khu vực khác bị ảnh hưởng của COVID-19.

Các quốc gia ngoài châu Âu cũng có quan điểm khác nhau về các biện pháp phòng dịch.

Thổ Nhĩ Kỳ khuyến cáo công dân hạn chế đến Trung Quốc nhưng đến nay vẫn chưa ban bố cảnh báo đi lại tới Italy.

Nigeria thực thi biện pháp cách ly tự nguyện trong 2 tuần đối với tất cả những người đến từ Trung Quốc hoặc các nước "bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng."

Hướng dẫn của Nigeria khuyến nghị người dân "cố gắng hạn chế" việc đi ra khỏi nhà và đeo khẩu trang khi đi ra ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục