Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế - Bài 2: Rộng đường để kinh tế tư nhân 'cất cánh'

Trong những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, kinh tế tư nhân nổi lên như một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước.

Khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Kết quả này đã phản ánh năng lực tiềm tàng của lực lượng kinh tế tư nhân. Để có được kết của này, sự thống thoáng trong cơ chế, chính sách đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là bệ phóng để nâng cách cho kinh tế tư nhân bứt phá, có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Tiêu chí cụ thể, rõ ràng

Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã thể hiện tư duy đổi mới mạnh mẽ của Đảng trong vấn đề này, mở đường cho việc đưa ra những cơ chế, chính sách phù hợp hơn nhằm phát triển kinh tế tư nhân thành một khu vực kinh tế năng động, sáng tạo.

Chú thích ảnh
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn chính thức đưa vào khai thác từ 30/12/2018. Đây là một trong 3 công trình hạ tầng giao thông trọng điểm do Tập đoàn Sun Group đầu tư trên cả 3 lĩnh vực đường không, đường thủy, đường bộ. Ảnh: TTXVN phát

Thể chế hóa Nghị quyết số 10-NQ/TW và hoàn thiện khung khổ pháp lý, Quốc hội đã ban hành và chỉ đạo triển khai một số luật quan trọng và ưu tiên xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh những dự án luật nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 10-NQ/TW. Bên cạnh ban hành Luật Cạnh tranh, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 của Luật Đầu tư. Theo đó phạm vi ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được thu hẹp từ 267 ngành, nghề xuống còn 243 ngành, nghề, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2017.

Đưa các chủ trương của Đảng vào thực tiễn đồng bộ, hiệu quả, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã ban hành các văn bản quy định chi tiết, triển khai nhiều chương trình hành động cụ thể, qua đó tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng để kinh tế tư nhân phát triển.

Chia sẻ với doanh nghiệp tư nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện, kiến tạo không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn, với các từ khóa như: “tạo bình đẳng” trong phát triển, được “bảo vệ”, “trao cơ hội”. Những cam kết này của người đứng đầu Chính phủ đã được cụ thể qua hàng loạt văn bản chính sách quan trọng của Chính phủ như: Nghị quyết số 19/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết số 98/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-TW...

Điểm khác biệt so với chương trình trước đây là các văn bản này đều xác định rõ ràng, cụ thể các mục tiêu, giải pháp toàn diện với các tiêu chí mang tính định lượng, rõ ràng. Cùng với đó, hàng loạt giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh đã được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành, chỉ đạo thực hiện, như cải cách thủ tục hành chính; giảm chi phí sản xuất kinh doanh; tiếp cận thị trường; chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra; đơn giản hóa và giảm bớt điều kiện kinh doanh. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được Chính phủ, bộ, ngành, địa phương ban hành, hướng dẫn các luật liên quan đến hoạt động kinh doanh và quản lý khu vực kinh tế tư nhân.

Thông điệp mà Nghị quyết số 98/NQ-CP đưa ra là xây dựng "Chính phủ hành động” với mục tiêu tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường năng lực cạnh tranh. Trên tinh thần đó, Nghị quyết yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương phải “vào cuộc” để thực hiện nhiệm vụ “Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân và hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động”.

Chương trình hành động đã nêu ra các con số rất cụ thể, rõ ràng. Chẳng hạn, trong cuộc chiến không khoan nhượng với giấy phép con, Chính phủ đưa ra "tối hậu thư" là các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính, gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Chương trình hành động cũng yêu cầu, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất hai lần/năm với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Chính phủ giao các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ và của từng bộ, cơ quan, địa phương; định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện với Thủ tướng, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi và tổng hợp theo quy định.

Không chỉ riêng Nghị quyết 98/NQ-CP, nhiều cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng được Chính phủ ban hành. Trong Nghị quyết số 35/NQ-CP, Chính phủ đưa hàng loạt giải pháp nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng, mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp cận thị trường cũng như những giải pháp nhằm giảm chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển, hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực và quy mô lớn trong nước…

Khung pháp luật và chính sách được ban hành và sửa đổi, bổ sung trong thời gian qua đã hướng đến mục tiêu tăng cường tính minh bạch đối với độc quyền nhà nước; kiểm soát, ngăn chặn, xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp; tăng cường cải cách, thu hẹp những ngành lĩnh vực mà Nhà nước nắm giữ đã tạo điều kiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng bình đẳng, thuận lợi cho các chủ thể kinh tế.

Vào cuộc đồng bộ

Một điều đáng ghi nhận trong thực hiện chương trình cải cách của Chính phủ là sự chủ động, tích cực của bộ, ngành có liên quan, điều mà trong nhiều năm qua luôn là một điểm yếu, kìm hãm cải cách môi trường kinh doanh.

Năm 2018 là thời gian việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh được các bộ, ngành thực hiện mạnh mẽ nhất, theo yêu cầu tại Nghị quyết 01/2018/NQ-CP, với mục tiêu cụ thể là phải cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh. Theo đó, các bộ, ngành đã rà soát, trình ban hành 28 văn bản quy phạm pháp luật, cắt giảm, đơn giản được hơn 3.300 trong tổng số gần 6.200 điều kiện kinh doanh, tương đương 54,5%, vượt 8,1% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ. Các bộ có nhiều điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa gồm: Bộ Công Thương; Bộ Y tế; Bộ Giao thông Vận tải... Đáng chú ý, có những điều kiện kinh doanh “bám rễ” rất lâu nhưng vẫn được bãi bỏ như quy hoạch kinh doanh xăng dầu của Bộ Công Thương, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Năm 2019, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục là một trong những trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Ngày 1/1/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Thực hiện Nghị quyết này và Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao. Qua rà soát, nhiều bộ, ngành đã đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa và chuyển hậu kiểm các điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý, đạt tỷ lệ vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra; đồng thời ban hành kế hoạch cải cách hành chính năm 2019 nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Sau một năm rưỡi kể từ khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực, các Nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành luật đã cơ bản được ban hành đầy đủ. Đồng thời, để khẩn trương đưa một số chính sách quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đi vào cuộc sống, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đang tích cực hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về bổ sung một số ngành nghề, lĩnh vực ưu đãi đầu tư quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị quyết của Quốc hội về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều địa phương xây dựng các kế hoạch, đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhiều chính sách đặc thù nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh/thành phố.

Nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch đã tạo nền tảng cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển bứt phá và mạnh mẽ trong thời gian qua. Khu vực này đã tăng trưởng nhanh cả về số lượng, chất lượng, tạo điều kiện để giải phóng các nguồn lực phát triển trong xã hội, để nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát huy tối đa tiềm năng to lớn của mình.

Bài cuối: Để kinh tế tư nhân phát triển tiềm năng

Phan Phương (TTXVN)
 Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế - Bài cuối : Để kinh tế tư nhân phát huy tiềm năng
Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế - Bài cuối : Để kinh tế tư nhân phát huy tiềm năng

Sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của Đảng về vai trò của kinh tế tư nhân cùng hành động quyết liệt từ phía Chính phủ, các bộ, ngành đã tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt vươn lên, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN