Đánh thức tiềm năng du lịch Đồng Tháp - Bài cuối: Tạo cú hích từ sợi dây liên kết

Dựa trên thế mạnh, tài nguyên du lịch từng địa phương, hiện các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Đồng Tháp đã và đang thực hiện liên kết tour - tuyến, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch vùng.

Đặc biệt, năm 2019, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp và 12 tỉnh, thành trong khu vực đã ký kết thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025,  mở ra cơ hội cho ngành Du lịch vùng Tây Nam Bộ vốn giàu văn hóa, tài nguyên du lịch. Đây là động lực, bước đệm giúp “ngành công nghiệp không khói” phát huy tiềm năng, lợi thế. Qua đó tạo sự liên kết lan tỏa, tổng thể trên nhiều lĩnh vực theo hướng bền vững, cùng phát triển.

Cùng “bện” sợi dây liên kết du lịch 

Chú thích ảnh
Du khách Australia trải nghiệm đạp xe tại cù lao Tân Thuận Đông, thuộc địa phận thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Năm 2017, ý tưởng “Một hành trình ba điểm đến” giữa Thành phố Hồ Chí Minh với 3 tỉnh tiểu vùng Đồng Tháp Mười (Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp) được đánh động. Đây có thể nói là sự kết nối liên tỉnh, xây dựng tour theo hướng “du lịch chậm”, gia tăng trải nghiệm, tăng thời gian khách lưu trú ở các điểm đến để cảm thụ văn hoá sông nước... Bên cạnh đó, các tỉnh chú ý tránh trùng lặp lại dịch vụ phục vụ khách du lịch.

Ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp cho biết, Đồng Tháp Mười là vùng đất ngập nước có diện tích gần 730 ha, chiếm 18% diện tích tự nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long, trải rộng trên 3 tỉnh Long An, Đồng Tháp và Tiền Giang. Sản phẩm bản địa của tiểu vùng khá đa dạng như, lúa gạo, trái cây, thủy sản... Đặc biệt, nơi đây có mùa nước nổi từ tháng 7 - 12 hàng năm; là vùng đất có hệ sinh thái đa dạng gồm: Hệ sinh thái rừng tràm, hệ sinh thái đồng cỏ ngập nước theo mùa... gắn với Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, Vườn Quốc gia Tràm Chim… 

Với ý tưởng “Một hành trình ba điểm đến”, lộ trình đó là du khách sẽ xuất phát tại Thành phố Hồ Chí Minh và dừng chân ở Long An. Ở đây, du khách sẽ tham quan Khu Du lịch sinh thái làng nổi Tân Lập, Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn dược liệu Đồng Tháp Mười, với hình ảnh chủ đạo là cây tràm, ẩm thực gắn với cây hẹ nước. Tiếp tục hành trình, du khách đến Tiền Giang tham quan Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười gắn Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, với đặc sắc là hình ảnh vùng cây trái trên đất phèn, ẩm thực gắn liền với trái thơm. Điểm kết thúc hành trình là Đồng Tháp - quê hương đất Sen hồng, du khách tham quan Khu Di tích lịch sử văn hóa khảo cổ quốc gia đặc biệt Gò Tháp, Vườn Quốc gia Tràm Chim - Khu Ramsar 2000 của thế giới, thứ 4 của Việt Nam và là danh lam thắng cảnh của Việt Nam với hình ảnh thiên nhiên hoang sơ...

Đáng chú ý, tháng 12/2019, Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh miền Tây Nam Bộ đã ngồi lại cùng “bện” sợi dây liên kết du lịch dựa trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, lịch sử, văn hóa, quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch của quốc gia, vùng và địa phương. Từ đó, xây dựng thương hiệu liên kết vùng về du lịch, nâng tầm và chất trong các hoạt động hợp tác.

Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho biết, việc liên kết giữa 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh để cùng phát triển bền vững là tất yếu. Trong những năm qua, việc liên kết đã hình thành nhưng chưa đi vào chiều sâu do đó hiệu quả không cao. Vì vậy, Đồng Tháp tin tưởng và kỳ vọng đây là cột mốc quan trọng cho sự phát triển không chỉ là du lịch mà còn về hạ tầng giao thông, văn hóa và kinh tế toàn vùng. Bởi lẽ, Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là trung tâm thu hút khách du lịch của cả nước mà còn là trung tâm trung chuyển, đưa khách du lịch đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Đồng Tháp.

Dưới góc nhìn của một nhà hoạt động du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam - Vietravel cho rằng, du lịch vùng chưa khai hết lợi thế, tiềm năng để mang lại kết quả tương xứng. Liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong cụm và trong vùng chưa như kỳ vọng, chưa bổ trợ cho nhau để cùng phát triển. Thêm vào đó, sản phẩm du lịch của các địa phương thiếu sự đa dạng và trùng lắp. Thương hiệu du lịch của vùng và từng địa phương chưa được đầu tư đẩy mạnh, đa số khách du lịch quốc tế chỉ biết đến Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang)…

Hành động tạo cú hích

Chú thích ảnh
Hoạt động đờn ca tài tử phục vụ khách du lịch tại cù lao Tân Thuận Đông, thuộc địa phận thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp phấn khởi chia sẻ, mặc dù còn khó khăn, ngành Du lịch địa phương đã có bước phát triển. Hai chỉ tiêu quan trọng là tổng thu từ du lịch, tổng lượt khách đều đạt tốc độ tăng trưởng cao và vượt so với kế hoạch đề ra. Năm 2019, Đồng Tháp đón và phục vụ 3,9 triệu lượt khách (đứng đầu 6 tỉnh cụm Đông Đồng bằng sông Cửu Long), doanh thu đạt 1.050 tỷ đồng, so với năm 2014, lượng khách tăng gấp 2,1 lần, doanh thu tăng 3,3 lần.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, năm 2020, Đồng Tháp tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, tổng doanh thu từ du lịch giai đoạn 2015-2020 đạt 1.200 tỷ đồng, chi tiêu bình quân khách có lưu trú đạt 650.000 đồng/ngày. Để làm được điều này, nội tại ngành Du lịch địa phương đã xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh gắn với chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) và xây dựng nông thôn mới.

Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nêu rõ, với tâm thế cả vùng quyết tâm thay đổi để tạo đột phá du lịch, Đồng Tháp tiếp tục triển khai Dự án kết nối giao thông phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển du lịch. Trong đó, tỉnh tập trung đầu tư nâng cấp tuyến đường giao thông huyết mạch dẫn đến các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh như: Khu Di tích Gò Tháp, Khu Di tích Xẻo Quýt, Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng, Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc, Vườn Quốc gia Tràm Chim, Làng hoa kiểng Sa Đéc, Khu Du lịch Văn hóa Phương Nam… và tuyến giao thông kết nối liên tỉnh, thành.

Ngoài tăng cường quảng bá xúc tiến và kêu gọi đầu tư, đào tạo đội ngũ nhân lực phục vụ du lịch đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, có năng lực, địa phương sẽ đầu tư phát triển các công trình dịch vụ du lịch, khu vui chơi giải trí phù hợp tại những khu di tích, điểm tham quan du lịch trọng điểm. Tỉnh phát triển hệ thống trạm dừng chân, hệ thống quầy hàng đặc sản, quà lưu niệm trên các tuyến du lịch. Cùng với đó là phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng phù hợp với đặc điểm và thế mạnh nội tại từng nơi...

Cụ thể, dựa vào lợi thế là khu căn cứ kháng chiến chống Mỹ tiêu biểu của vùng đồng bằng ngập lũ ở Khu Di tích Xẻo Quýt, tỉnh phát triển sản phẩm du lịch theo chủ đề “Bảo tồn lịch sử - gìn giữ hồn quê”. Qua đó khai thác các giá trị văn hóa truyền thống gắn với hình ảnh vùng Đồng Tháp Mười xưa và bộ sưu tập hoa súng để làm điểm nhấn du lịch về gìn giữ hồn quê.

Chú thích ảnh
Một loại bánh dân gian được làm và bán tại điểm du lịch cộng đồng cù lao Tân Thuận Đông.

Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng là nơi dã ngoại thưởng thức ẩm thực đồng quê, gắn với bảo tồn và phát triển cây tràm, cây tre cùng bộ sưu tập tre. Tỉnh phát triển sản phẩm du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Tràm Chim dựa trên cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ được biết đến như một Đồng Tháp Mười thu nhỏ và trải nghiệm cuộc sống của ngư dân vùng ngập lũ…

Với tiềm năng sẵn có, sự hỗ trợ của Thành phố Hồ Chí Minh và sự nỗ lực của các tỉnh, thành lân cận, Đồng Tháp nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung quyết tâm khai thác hiệu quả lợi thế tài nguyên du lịch các địa phương, mở lòng chào đón du khách bốn phương. Qua đó, phát triển thị trường tiềm năng khách nội địa và quốc tế, giữ ổn định thị trường khách truyền thống, nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường, góp phần thay đổi diện mạo, hình ảnh địa phương, cải thiện đời sống nhân dân, tạo sự lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp của vùng đất Sen hồng.

Bài và ảnh: Chương Đài (TTXVN)
Đánh thức tiềm năng du lịch Đồng Tháp - Bài 1: Phát huy thế mạnh địa phương
Đánh thức tiềm năng du lịch Đồng Tháp - Bài 1: Phát huy thế mạnh địa phương

Điều kiện tự nhiên, đặc trưng văn hóa đã tạo cho Đồng Tháp những sản phẩm du lịch miệt vườn, du lịch sinh thái, trải nghiệm, du lịch cộng đồng vô cùng hấp dẫn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN