Yêu cầu báo cáo các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy cần quản lý

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, danh sách các chất POP cần quản lý theo Công ước Stockholm gồm có 30 nhóm chất được sử dụng trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, y tế, dân sinh...
Yêu cầu báo cáo các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy cần quản lý ảnh 1Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản số 4727/BTNMT-TCMT, gửi một số Bộ, ngành và Hiệp hội đề nghị báo cáo về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) cần quản lý theo Công ước Stockholm để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban thư ký Công ước Stockholm theo quy định.

POP là những hợp chất hóa học có khả năng lưu trữ trong thời gian dài, phát tán xa từ các nguồn phát thải và tác động xấu đến sức khỏe con người và hệ sinh thái.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, danh sách các chất POP cần quản lý theo Công ước Stockholm gồm có 30 nhóm chất (trong đó có 12 nhóm chất POP cũ, 18 nhóm chất POP mới bổ sung) được sử dụng trong các lĩnh vực khác nhau như công nghiệp, nông nghiệp, y tế, dân sinh...

Trong các nhóm chất POP nêu trên, Việt Nam đã có các quy định về việc cấm sử dụng nhiều loại hóa chất POP trong nông nghiệp (bảo vệ thực vật và diệt côn trùng), y tế và một số lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện vẫn còn nhiều nhóm chất POP đang được sử dụng trong các lĩnh vực khác nhau cần được đánh giá, quản lý và báo cáo theo yêu cầu của Công ước Stockholm.

Với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia triển khai thực hiện Công ước Stockholm về các chất POP tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị có liên quan triển khai nhiều hoạt động, chương trình, dự án nhằm quản lý và giảm thiểu ô nhiễm các chất POP.

[Vụ cháy ở công ty Rạng Đông: Vận chuyển hơn 50 tấn phế thải đi xử lý]

Để có thông tin tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban thư ký Công ước Stockholm theo quy định, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các các Bộ, ngành và các Hiệp hội rà soát, thông tin về các hoạt động quản lý các chất POP đã và đang thực hiện; báo cáo kết quả triển khai thực hiện các chương trình, dự án được phân công.

Yêu cầu báo cáo các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy cần quản lý ảnh 2Nông dân thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật để tiêu hủy. (Nguồn ảnh: Vietnam+)

Theo đó, Bộ Công Thương có trách nhiệm thông tin hoạt động kiểm kê, đánh giá các chất POP sử dụng trong các ngành công nghiệp; áp dụng các biện pháp giảm thiểu, thay thế và giảm phát thải các chất POP trong công nghiệp; nhập khẩu hóa chất, sản phẩm chứa các chất POP…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin công tác quản lý hóa chất bảo vệ thực vật dạng POP tại Việt Nam; tình hình xuất, nhập khẩu các chất POP sử dụng trong nông nghiệp.

Bộ Quốc phòng thông tin công tác quản lý và khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu vực ô nhiễm các chất POP; thực hiện Đề án xử lý triệt để các khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng chất da cam/Dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Bộ Y tế thông tin công tác quản lý chất thải y tế chứa POP, thủy ngân; kiểm soát việc xuất nhập khẩu các chất POP sử dụng trong lĩnh vực y tế.

Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông thông tin công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về rủi ro của các chất POP và hóa chất nguy hại đến môi trường và sức khỏe con người…

Các Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Dệt may Việt Nam, Cao su Việt Nam... thông tin về nhóm chất POP được sử dụng trong sản xuất của các ngành, các doanh nghiệp hiện đang sử dụng POP trong sản xuất../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục