Tăng cường năng lực định giá đất tại Việt Nam

Ngày 21/8, tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo về mô hình định giá đất thuộc Dự án “Tăng cường năng lực định giá đất và hệ thống thông tin giá đất dựa trên VietLis” nhằm xây dựng một hệ thống quản lý tài nguyên đất đai hiện đại với hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Đào Trung Chính cho biết: Với định hướng phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững, Việt Nam xác định nhiệm vụ cần tập trung trước nhất là xây dựng và phát triển đồng bộ các thị trường, trong đó thị trường đất đai và bất động sản đóng vai trò rất quan trọng. Thị trường này hoạt động hiệu quả nếu dựa trên nền tảng một hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu đất đai, hệ thống thông tin giá đất công khai, minh bạch và đáng tin cậy đi kèm với cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai. Đây cũng là mục tiêu mà Bộ Tài nguyên và Môi trường nỗ lực hướng tới nhằm xây dựng một hệ thống quản lý tài nguyên đất đai hiện đại để có thể chia sẻ thông tin dữ liệu giữa các cấp, các ngành và cung cấp thông tin cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.

Thời gian qua, với sự hỗ trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Tổng cục Quản lý đất đai đang phối hợp với Hàn Quốc triển khai dự án “Tăng cường năng lực định giá đất và hệ thống thông tin giá đất dựa trên VietLis” trên cơ sở tiếp nối từ dự án “Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng mô hình hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu” đã được triển khai trước đây.

Vì vậy, hội thảo này nhằm mục đích tham vấn ý kiến của các bộ, ngành, hiệp hội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, trường học về các nội dung như: Phương pháp mô hình quy trình định giá đất hàng loạt; kết quả thử nghiệm mô hình và quy trình định giá đất trên địa bàn thí điểm; chiến lược phát triển hệ thống định giá đất tại Việt Nam...

Báo cáo kết quả thử nghiệm mô hình và quy trình định giá đất trên địa bàn thí điểm tại Việt Nam, Tiến sỹ Won Youho, Ban Hợp tác quốc tế Hàn Quốc cho rằng: Trong thời gian nghiên cứu từ tháng 3/2018 đến tháng 5/2019, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ và Vĩnh Phúc đã tiến hành điều tra đặc tính đất thửa chuẩn, thửa cụ thể; lựa chọn và điều tra giá thửa chuẩn; xây dựng mô hình định giá đất, lập bảng so sánh; định giá thửa cụ thể trên địa bàn thí điểm. Kết quả cho thấy các văn bản pháp lý về định giá đất được ban hành theo từng địa phương đang nhấn mạnh nhiều vào đặc trưng địa phương, nên khó có thể đưa ra được các hạng mục tiêu chuẩn chung.

Qua điều tra thí điểm tại tỉnh Bắc Ninh, trong 18.424 thửa đất theo bản đồ địa chính, đã loại những trường hợp có dưới 30 thửa trên một mục đích sử dụng đất, đất sử dụng với mục đích công cộng (1.650 thửa). Khi điều tra hồ sơ địa chính đã loại những trường hợp như: Chưa thể hiện nội dung cập nhật về mục đích sử dụng đất, nghi ngờ hoặc xác định chính xác là đất gộp thửa, tình trạng sử dụng đất thực tế (đường không có trên bản đồ địa chính, khe đường...).

Phân tích chiến lược phát triển và lộ trình triển khai hệ thống định giá đất tại Việt Nam, đại diện Ủy ban Thẩm định giá Hàn Quốc (KAB) cho biết: Việt Nam cần phân tích các chính sách giá đất công khai của các nước ở tầm vĩ mô và vi mô, từ đó đưa ra phương hướng có tính thực tiễn cho chính sách giá đất ở Việt Nam; đồng thời nên mở rộng thêm nội dung về giá đất trong Luật Đất đai hiện hành hoặc cần ban hành Bộ luật riêng về định giá và công khai giá đất; tăng cường năng lực chuyên môn nguồn nhân lực định giá; nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin về giá đất trên toàn quốc…

Tại hội thảo, đại diện 4 tỉnh, thành phố thí điểm quy trình định giá đất và Ban Quản lý Dự án cấp Trung ương, các chuyên gia cùng thảo luận nhằm đóng góp ý kiến trong Chiến lược triển khai và lộ trình xây dựng hệ thống định giá đất Việt Nam. Trong đó, các đại biểu nhấn mạnh đến cải thiện khung pháp lý về giá đất (xây dựng văn bản hướng dẫn nghiệp vụ; xây dựng chính sách hỗ trợ định giá đất...), góp phần thiết lập chính sách giá đất của Việt Nam đến năm 2020 một cách thành công.

Diệu Thúy (TTXVN)
Thực hiện Luật Đất đai 2013, nhìn từ Bình Thuận - Bài 2: 'Lỗ hổng' về định giá đất
Thực hiện Luật Đất đai 2013, nhìn từ Bình Thuận - Bài 2: 'Lỗ hổng' về định giá đất

Trên thực tế, Luật Đất đai năm 2013 đã tiếp cận và thể hiện vấn đề tài chính đất đai theo cơ chế thị trường, nhưng càng thực hiện càng bộc lộ những bất cập về khung giá đất Nhà nước quy định có khoảng cách khá xa so với giá thị trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN