Ecole 42 - Mô hình trường học tương lai của Pháp có gì đặc biệt?

Ecole 42 là trường đào tạo lập trình viên máy tính do tỷ phú viễn thông Pháp Xavier Niel thành lập vào năm 2013, nhằm đào tạo chuyên môn, giúp những người trẻ tuổi tìm việc làm trong lĩnh vực IT.
Ecole 42 - Mô hình trường học tương lai của Pháp có gì đặc biệt? ảnh 1Một lớp học lập trình ở Ecole 42. (Nguồn: AP)

Sáng 20/8, hàng trăm học sinh tại thủ đô Paris (Pháp) băt đầu kỳ thi vào một trường cao đẳng công nghệ thông tin (IT). Khác với những bài thi vào các trường cao đẳng khác, bài thi tại Ecole 42 thường kéo dài cả tháng và diễn ra trong một tòa nhà cực kỳ hiện đại.

Ecole 42 là trường đào tạo lập trình viên máy tính do tỷ phú viễn thông Pháp Xavier Niel thành lập vào năm 2013, nhằm đào tạo chuyên môn, giúp những người trẻ tuổi tìm việc làm trong lĩnh vực IT hoặc thậm chí có thể trở thành ông chủ của chính mình.

Ecole 42 không có giáo sư, không có giảng viên trực tiếp giảng dạy hay những khoản học phí thông thường, nhưng danh tiếng của trường này lớn tới mức mỗi năm có khoảng 40.000 người nộp đơn để chạy đua vào một trong số khoảng 1.000 suất cho mỗi chương trình học.

["Lấy người học làm trung tâm, nâng cao chất lượng giáo dục"]

Ở thời điểm này, gần 3.000 người đang thực hiện bài thi đầy cam go tại Ecole 42, trong đó các thí sinh dành 10 đến 16 giờ/ngày trong vòng 4 tuần để hoàn thành các dự án và làm bài kiểm tra. Nhiều người trong số này thậm chí đã phải ăn-ngủ-nghỉ tại chỗ. Thí sinh 19 tuổi Aristide Rivet-Tissot cho biết: "Ở đây, bạn sẽ đắm chìm đến nỗi đôi quên mất thế giới bên ngoài đang tồn tại!"

Khi tỷ phú Xavier Niel tuyên bố thành lập một trường miễn phí cho tất cả mọi người, trong đó có tới 40% số sinh viên không có bằng cử nhân - liên đoàn các chủ lao động trong lĩnh vực IT ở Pháp đã tỏ ra rất hoài nghi về tính khả thi. Nhưng 6 năm sau đó, Ecole 42 đã cho họ thấy kết quả: 100% sinh viên tốt nghiệp nhận được việc làm.

Nhiều sinh viên của Ecole 42 đã được các công ty IT săn đón ngay cả trước khi họ hoàn thành 21 học phần của chương trình học kéo dài 3 năm. Sinh viên Bastien Botella thậm chí mới chỉ hoàn tất 2/3 chương trình học tại Ecole 42 khi anh đồng sáng lập Clevy - một công ty khởi nghiệp phát triển chatbot (robot tự động trả lời tin nhắn khách hàng). 

Cách tiếp cận toàn diện của Ecole 42 cũng rất ưu việt khi không quan tâm tới nền tảng học vấn hay xuất thân xã hội của sinh viên.

Cô Fadia Zementzali cho biết cô đã nộp đơn xin học tại đây sau khi bị sa thải khỏi công việc là một nữ nhân viên bán hàng qua điện thoại vì cô đeo khăn trùm đầu theo Hồi giáo.

Nữ sinh 31 tuổi chia sẻ: "Ở đây, tôi được chào đón như một người bình thường, chứ không phải là một phụ nữ che mặt." Sự đa dạng cộng đồng có thể nhận thấy rõ trong những khuôn mặt đang chăm chú trước các màn hình trong phòng máy tính rộng lớn, nơi tiến hành các cuộc thi và thử nghiệm của Ecole 42.

Không chỉ dừng lại ở Paris, ông Niel - người sáng lập vườn ươm khởi nghiệp lớn nhất thế giới tại Paris năm 2017, đang đưa mô hình của mình ra toàn cầu. Sau khi thành lập một trường đại học tương tự ở Thung lũng Silicon (Mỹ) vào năm 2016, ông đã đặt mục tiêu đến Rio de Janeiro (Brazil), Novosibirsk (Nga), Tokyo (Nhật Bản) và một loạt các thành phố khác, như một phần trong kế hoạch có 20 trường đối tác tại 14 quốc gia vào năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục