Có nên tăng giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ mỗi năm hay không?

Trước việc có nên tăng giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng thêm 100 giờ so với luật hiện hành) hay không, nhiều ý kiến cho rằng tăng giờ làm thêm là không phù hợp với xu thế chung.
Có nên tăng giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ mỗi năm hay không? ảnh 1Đại biểu góp ý tại hội nghị. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Không tăng tuổi nghỉ hưu đại trà, không tăng giờ làm thêm tối đa... là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Hội thảo do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 16/7 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước ý kiến có nên tăng giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng thêm 100 giờ so với luật hiện hành) hay không, các đại biểu cho rằng tăng giờ làm thêm là không phù hợp với xu thế chung.

Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn Hansae Việt Nam, phân tích hầu hết người lao động có nhu cầu làm thêm để tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, nếu tăng thời gian tối đa 400 giờ/năm nhưng không khống chế thời gian làm thêm tối đa trong tháng là đi ngược với xu thế chung.

Thực tế, nhiều nước còn quy định thời gian tối đa theo tuần để đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Bởi lẽ, nếu chỉ quy định khống chế giờ làm thêm trong năm sẽ có trường hợp doanh nghiệp dồn thời gian tăng ca vào thời điểm đơn hàng tăng cao, như vậy không đảm bảo sức khỏe cho người lao động.

Riêng quy định về chế độ thử việc, theo ông Võ Văn Hùng nên áp dụng hài hòa theo cả 2 phương án trong dự thảo luật. Cụ thể, với người lao động làm việc dưới 30 ngày bắt buộc ký hợp đồng thử việc và không đóng bảo hiểm. Còn lao động làm việc trên 30 ngày thì đưa vào hợp đồng lao động chính thức và đóng bảo hiểm luôn.

Ông Huỳnh Phát Đạt, Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn Sanofi-Aventis Việt Nam bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc tăng giờ làm thêm tối đa trong năm, tuy nhiên thực tế do lương không đủ để đảm bảo cuộc sống nên người lao động mới có nhu cầu làm thêm để tăng thu nhập. Vì vậy, nếu đồng thuận tăng giờ làm thêm thì phải tăng lũy tiến tiền làm thêm tương xứng.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng không nên tăng tuổi nghỉ hưu, nhất là với những công nhân lao động trực tiếp.

Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam cho biế, đa số công nhân trực tiếp sản xuất đều không muốn tăng tuổi nghỉ hưu.

Riêng việc đình công, lãn công, Luật cần quy định rõ người lao động phải thông qua tổ chức Công đoàn thì mới được hưởng quyền lợi, còn tự phát thì không được hưởng quyền lợi.

[Video] Tăng giờ làm thêm có đi ngược lại với xu thế tiến bộ xã hội?

Ông Đặng Ngọc Tùng - nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã giảm số giờ làm việc của người lao động xuống còn 40-44 giờ/tuần để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động, trong khi đó người lao động ở nước ta làm việc 48 giờ/tuần.

Vì vậy, ông Đặng Ngọc Tùng đề xuất nên giảm giờ làm việc của người lao động xuống còn 40 giờ hoặc 44 giờ/tuần, để người lao động có thêm thời gian nghỉ ngơi tái tạo sức lao động cũng như học tập. Bên cạnh đó, cũng không nên tăng tuổi nghỉ hưu đại trà, mà nên áp dụng với một số đối tượng, ngành nghề.

Ở góc độ khác, theo ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật-Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, cần xây dựng bảng lương với quy định chặt chẽ hơn để giảm tình hình tranh chấp lao động.

Luật nên bổ sung quy định tăng số ngày nghỉ phép năm lên 14 ngày, người lao động có ít nhất 1-2 ngày nghỉ được hưởng lương để làm công tác tuyên truyền pháp luật.

Bên cạnh đó, Luật nên tính toán lại vấn đề trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc, bản chất của hai nội dung này khác nhau nhưng quyền lợi lại hưởng như nhau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục