Điện gió, điện mặt trời: 'Tiền trong túi mà chưa tiêu được'

Nguồn điện từ các dự án điện gió, điện mặt trời ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận đã có nhưng nghịch lý là lưới điện truyền tải lại không đáp ứng đồng bộ, gây lãng phí lớn cho xã hội.

Lưới điện quá tải nghiêm trọng

Để được hưởng mức giá mua ưu đãi, các nhà máy điện mặt trời đã được đầu tư “ồ ạt” trong thời gian ngắn trước thời điểm 30/6. Trong khi đó, lưới điện không theo kịp tốc độ phát triển quá nhanh của các nguồn điện mặt trời. Điều này gây lãng phí lớn không chỉ cho các nhà đầu tư mà cả nhà nước.

Chú thích ảnh
Các dự án lưới điện truyền tải đang được đẩy nhanh tiến độ để giảm tải công suất cho điện mặt trời. Ảnh: CTV

Tính tới cuối tháng 6/2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và mặt trời, với tổng công suất hơn 4.500 MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. Con số này vượt xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (chỉ 850 MW điện mặt trời và 800 MW điện gió vào năm 2020).

Trong đó, riêng 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận có 38 nhà máy điện gió, điện mặt trời, với tổng công suất 2.027 MW. Dự kiến, đến tháng 12/2020, công suất điện gió và điện mặt trời ở 2 tỉnh này sẽ tăng lên 4.240 MW.

Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Trần Đình Nhân cho biết, để triển khai một dự án điện mặt trời chỉ mất khoảng 6 tháng, trong khi để thực hiện một dự án lưới điện truyền tải 220 kV, 500 kV mất khoảng 3 - 5 năm.

Sự phát triển "nóng" của các nhà máy điện mặt trời khiến đa số các đường dây, trạm biến áp (TBA) từ 110 - 500 kV tại Ninh Thuận và Bình Thuận đều quá tải. Cụ thể, đường dây 110 kV Tháp Chàm – Hậu Sanh – Tuy Phong – Phan Rí mức mang tải lên tới 260 - 360%; đường dây 110 kV Phan Rí – Sông Bình – Đại Ninh mang tải 140%; đường dây 110 kV Đa Nhim - Đơn Dương mang tải 123%; TBA 550 kV Di Linh mang tải 140%; TBA 220 kV Đức Trọng - Di Linh mang tải 110 %... Mức mang tải này còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới khi các dự án điện mặt trời tiếp tục đóng điện.

Giảm tải: Không thể chậm trễ

Hệ thống lưới điện quá tải buộc Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện quốc gia (A0) phải cắt giảm công suất các nhà máy điện gió, điện mặt trời ở một số thời điểm, nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống điện. Tính trung bình trong tháng 6 và tháng 7/2019, công suất cắt giảm dao động ở mức 30 - 35%.

Chú thích ảnh
Dự án điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á do Tập đoàn BIM Group đầu tư tại Ninh Thuận đã hòa lưới điện quốc gia từ cuối quý 2/2019. Ảnh: HD

Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm cho biết: A0 mong muốn được phát hết công suất nguồn điện năng lượng tái tạo bởi nguồn điện này dù đắt nhưng vẫn rẻ hơn nhiệt điện dầu. “Chúng tôi đã dồn toàn lực để các nhà máy điện mặt trời đưa vào vận hành, bổ sung công suất cho hệ thống, nhưng hiện nay vẫn phải giảm công suất do quá tải lưới điện”, ông Nguyễn Đức Cường chia sẻ.

Bên cạnh việc giảm công suất tạm thời, việc cần làm ngay là đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện. Hiện các dự án lưới điện gặp không ít khó khăn, đặc biệt là các vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB). Dự án TBA 220 kV Phan Rí dù đã có nhà thầu xây lắp từ tháng 12/2018 nhưng đến nay vẫn chưa thi công được. Tính đến 20/6 mới vận động bàn giao được 11% diện tích mặt bằng. Dự án đường dây 220 kV Nha Trang - Tháp Chàm theo kế hoạch sẽ đóng điện vào tháng 12/2019 nhưng hiện đang gặp vướng mắc ở 55 vị trí móng qua rừng tự nhiên, phải báo cáo Thủ tướng có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

Bên cạnh GPMB thì công tác lựa chọn nhà thầu ở thời điểm này cũng là một thách thức, do hàng loạt dự án năng lượng tái tạo đang triển khai đã thu hút gần như toàn bộ nhân lực của các nhà thầu xây lắp.

Nếu tình trạng quá tải tiếp tục kéo dài thì tất cả các bên đều thiệt hại. Thời gian tới, rất cần sự chung tay từ Bộ Công Thương, chính quyền các địa phương, chủ đầu tư, EVN... để tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện truyền tải nhằm giải tỏa hết công suất của các nhà máy, bổ sung thêm nguồn điện cho đất nước.

Ông Trần Đình Nhân cho biết, lãnh đạo EVN đã làm việc với lãnh đạo các địa phương nhằm đẩy nhanh công tác GPMB cho các dự án. Chính quyền các địa phương cần xem xét, chỉ đạo các sở, ban ngành quyết liệt hơn nữa trong công tác bồi thường, GPMB; linh động trong việc hỗ trợ các hộ dân bàn giao mặt bằng trước để nhà thầu thi công, song song thực hiện các thủ tục về bồi thường, GPMB theo quy định.

Trong tháng 5 - 6/2019, đã có gần 90 nhà máy điện mặt trời vận hành với tổng công suất trên 4500 MW, so vượt xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (chỉ 850 MW điện mặt trời vào năm 2020).

 

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Kiểm tra phản ánh của báo chí về phát triển điện mặt trời
Kiểm tra phản ánh của báo chí về phát triển điện mặt trời

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra thông tin báo chí nêu về vấn đề phát triển điện mặt trời.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN