Đề thi tổ hợp môn Khoa học xã hội có tính phân hóa cao

Sáng 27/6, ghi nhận của phóng viên TTXVN tại TP Hồ Chí Minh, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, sau 150 phút làm bài thi tổ hợp môn Khoa học xã hội - môn thi cuối cùng của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, các thí sinh ra về với tâm trạng phấn khởi. Nhiều em nhận định đề thi có tính phân hóa cao, bám sát nội dung chương trình đã học.

Đề thi không đánh đố học sinh

Tại điểm thi Trường Trung học Cơ sở Trần Quốc Toản, thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), em Phạm Thị Hoa Mơ, học sinh Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Huệ vui vẻ cho biết: Bài thi hôm nay em làm rất tốt. Đa số các bạn trong phòng thi của em làm bài xong trước thời gian quy định.

Thí sinh Trần Nhật Lệ, Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Trãi (Phú Yên) chia sẻ: Cả 3 môn thành phần trong tổ hợp đề thi hôm nay có sự phân hóa cao. Với kiến thức của mình, em tự tin đạt ít nhất 8 điểm cho một môn thi.

Chú thích ảnh
Các thí sinh tại điểm thi Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang sau khi hoàn thành bài thi tổ hợp Khoa học xã hội. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Thí sinh Nguyễn Thùy Dương, lớp 12A11, Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du, dự thi tại điểm thi Trung học Phổ thông Nguyễn Du, huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) tỏ ra phấn khởi sau khi hoàn thành khá tốt các môn thi tổ hợp Khoa học xã hội. Theo Thùy Dương, câu hỏi trong môn Giáo dục công dân đều nằm trong kiến thức được học nên em làm bài tốt. Các môn Lịch sử, Địa lý cũng không làm khó được em.

Do đăng ký xét tuyển khối B nên trước khi bước vào phòng thi tổ hợp các môn Khoa học xã hội, Thùy Dương rất lo lắng và hội hộp. Tuy nhiên sau khi làm tốt các bài thi Lịch sử và Địa lý, em tin chắc đã đạt trên 70% số điểm, cộng thêm môn Ngữ văn và Tiếng Anh đã hoàn thành khá tốt, em tự tin mình có thể đỗ nguyện vọng 1 vào Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhiều thí sinh tự đánh giá có thể đạt điểm khá môn Địa lý và Giáo dục công dân, tuy nhiên lại ôn sai trọng tâm đối với môn Lịch sử. Thí sinh Trần Hoàng Vân Anh, Trường Trung học Phổ thông Châu Thành (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chia sẻ: Đề sử hỏi nhiều về lịch sử thế giới, trong khi em và các bạn lại tập trung ôn nhiều lịch sử Việt Nam. May mắn là em chỉ làm bài để xét tốt nghiệp, không xét vào Đại học nên hy vọng đạt được điểm trung bình.

Em Nguyễn Vũ Diễm Tiên, Trường Trung học Phổ thông Châu Thành cho biết: Em chọn khối D78 (Văn, Anh, tổ hợp Khoa học xã hội), trong đó, các môn thi như: Văn, Anh, Địa lý, Giáo dục công dân đều vừa sức, khả năng đạt điểm cao; môn Lịch sử đòi hỏi thí sinh phải học bao quát. Diễm Tiên không hài lòng với bài làm môn Lịch sử lắm nhưng tự tin về các môn còn lại làm bài tốt. Năm nay, Diễm Tiên đăng ký vào Khoa Ngôn ngữ Anh chất lượng cao, Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi thi, em dự kiến đạt 22 điểm và giữ nguyên nguyện vọng của mình.

Thí sinh Dương Bích Tuyền, điểm thi Trường Trung học Phổ thông Thực hành Sư phạm –Trường Đại học An Giang (thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) nhận xét: đề thi tổ hợp bài thi Khoa học xã hội năm nay khá "dễ thở", chủ yếu nằm trong kiến thức phổ thông và kỹ năng ứng xử tình huống. Trong tổ hợp 3 môn thi Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân, môn Lịch sử đòi hỏi thí sinh phải nắm vững các sự kiện lịch sử để không bị nhầm lẫn.

Theo thí sinh Thu Hằng, Trường Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn (Thành phố Hồ Chí Minh), đề thi môn Lịch sử kiến thức đa phần trong sách giáo khoa, nếu học kỹ, có thể làm được. Môn Địa lý đã có khoảng 10 câu hỏi dựa vào Atlat, thí sinh dễ lấy điểm phần này.

Thí sinh Hoàng Quế Anh, Trường Trung học Phổ thông Hai Bà Trưng (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, đề môn Lịch sử khá dài so với thời gian 50 phút. Từ câu 25 trở về sau, đề thi bắt đầu có sự phân hóa cao. Thí sính này tỏ ra thích thú với đề thi môn Giáo dục công dân, bởi theo em dù đề hơi dài nhưng phần lớn các câu hỏi mang tính giáo dục cao và gần gũi đời sống nên em dễ dàng làm được. Với đề này, thí sinh không cần ghi nhớ kiến thức một cách máy móc, phải hiểu và biết vận dụng vào thực tiễn.

Học sinh trung bình vẫn có thể hoàn thành bài thi

Chú thích ảnh
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Tống Văn Trân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định hoàn thành bài thi. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN

Với kinh nghiệm giảng dạy của mình, nhiều giáo viên cho rằng đề thi tương đối phù hợp với học sinh và không có những kiến thức đánh đố hay quá khó. Học sinh trung bình vẫn có thể hoàn thành bài thi và đủ điểm để xét tốt nghiệp.

Cô Nguyễn Thị Cẩm Giao, giáo viên bộ môn Lịch sử Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (tỉnh Phú Yên) nhận định: Đề thi môn Lịch sử năm nay bám sát nội dung chương trình cũng như đề minh họa đã công bố. Nhìn vào bố cục đề thi thấy có sự phân hóa rất rõ nét và đáp ứng được yêu cầu của kỳ thi "2 trong 1". Học sinh nắm bắt được kiến thức phổ thông vừa có am hiểu về xã hội sẽ có kết quả làm bài tốt.

Về đề thi môn Địa lý, cô Trần Thị Thanh Thu, Giáo viên Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Trường Tộ (tỉnh Phú Yên) cho rằng: Kết cấu đề như năm nay phù hợp với kiến thức học sinh. Những em chỉ làm bài thi để xét tốt nghiệp cũng có thể làm bài vừa sức. Những em chọn môn Địa lý để xét vào Đại học có thể chứng minh được kiến thức của mình ở những câu hỏi liên quan đến vùng kinh tế hay biểu đồ…

Tuy đề thi được đánh giá là không khó, nhưng nhiều giáo viên cho rằng thí sinh cần phải hiểu bài, có kỹ năng phân tích đề mới có thể lấy được điểm cao, không dừng ở mức chỉ yêu cầu thí sinh học thuộc lòng. Cô Trần Thị Thuận Hải, Tổ trưởng bộ môn Địa lý, Trường Trung học Phổ thông Thực hành Sư phạm, Trường Đại học An Giang (tỉnh An Giang) nhận định: Nhìn chung, đề thi các môn Khoa học xã hội năm nay mang tính bao quát cao, học sinh có thể kiếm điểm trên trung bình khá dễ dàng, nhất là ở hai môn Địa lý, Giáo dục công dân, chỉ cần sử dụng Atlat địa lý và xử lý tình huống tốt, có thể dễ dành đạt từ 7 - 8 điểm. Tuy nhiên, đề thi môn Lịch sử khó hơn, nhất là các câu hỏi liên quan đến các sự kiện lịch sử và 10 câu hỏi cuối, đòi hỏi học sinh phải nắm chắc kiến thức lịch sử và đọc kỹ các đáp án.

Đánh giá về đề thi môn Lịch sử, cô Nguyễn Thị Kim Quyên, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, đề bám sát kiến thức sách giáo khoa, các em học nghiêm túc, ở mức trung bình khá có thể làm được 5 - 6 điểm. Nếu học sinh chỉ học "vẹt", học thuộc lòng, không hiểu bản chất bài học sẽ khó đạt được điểm cao. Trong đó, số câu hỏi ở mức vận dụng cao chưa tới 30% đề. Ở những câu này, học sinh phải hiểu bài, có kỹ năng phân tích, đánh giá vấn đề và phải đọc kỹ đề mới làm được. Nếu các em lựa chọn môn này để xét tuyển đại học và có sự đầu tư, ôn tập kỹ lưỡng, khả năng đạt điểm 7 - 8 không khó.

Đánh giá về đề thi môn Giáo dục công dân, cô Nguyễn Thị Hồng, Giáo viên Trường Trung học phổ thông Hàn Thuyên (Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định: Đề bám sát cấu trúc đề minh họa Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố trước đó. Phần lớn câu hỏi nằm trong chương trình lớp 12, có 4 câu chương trình lớp 11. Đề có 10 câu hỏi tình huống, đây là những câu hỏi để phân loại trình độ học sinh. Để làm bài tốt, thí sinh cần đọc kỹ tình huống nêu ra, xác định được trọng tâm câu hỏi. Với đề này, đa số thí sinh sẽ đạt từ 6 - 8 điểm và chắc chắn sẽ có điểm 9 và 10.

Về đề thi môn Địa lý, theo cô Nguyễn Thị Mai, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du (Thành phố Hồ Chí Minh), đề năm nay bao quát được toàn bộ chương trình lớp 12 và có khoảng 4 câu ở lớp 11. Cô Mai đánh giá cao việc đề năm nay có sự phân hóa tốt, nhất là từ câu 70 của đề trở đi. Để đạt được điểm 5 - 6, thí sinh phải học chắc kiến thức sách giáo khoa. Với đề này, khả năng số thí sinh đạt điểm 8 - 9 sẽ ít.

Thí sinh có thể tham khảo đáp án môn thi tại đây:

* Đáp án môn Ngữ văn

* Đáp án môn Toán

* Đáp án môn Anh

* Đáp án môn Khoa học tự nhiên

* Đáp án môn Lịch sử

* Đáp án môn Giáo dục công dân

* Đáp án môn Địa lý

Pv TTXVN các địa phương
Kết thúc tổ hợp môn khoa học xã hội - kỳ thi THPT quốc gia
Kết thúc tổ hợp môn khoa học xã hội - kỳ thi THPT quốc gia

Sau thời gian làm bài 150 phút của bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) nhiều thí sinh hào hứng cho biết đề thi tương đối dễ và sát với đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN