Các nước nghèo đang phải hứng chịu gánh nặng người tị nạn

Tính đến cuối năm 2018, số người phải đi tha hương đã tăng kỷ lục trong gần 70 năm qua, lên tới 70,8 triệu người và nhiều nước đang phát triển đang phải gánh vác cuộc khủng hoảng này.
Các nước nghèo đang phải hứng chịu gánh nặng người tị nạn ảnh 1Người tị nạn tại khu lều tạm Ganzour sau khi phải rời bỏ nhà cửa tránh xung đột tại Tripoli, Libya, ngày 5/9/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 19/6, Liên hợp quốc cho biết các nước đang phát triển, chứ không phải là các nước phương Tây giàu có, đang gánh vác cuộc khủng hoảng người di cư trên thế giới khi đang tiếp nhận phần lớn trong số 70,8 triệu người phải đi tha hương tính đến cuối năm 2018 do chiến tranh và bị ngược đãi ở quê nhà.

Trong báo cáo thường niên "Các xu hướng toàn cầu," Liên hợp quốc cho biết trẻ em chiếm một nửa trong số những người phải tha hương trên toàn cầu.

Tính đến cuối năm ngoái, số người phải đi tha hương đã tăng kỷ lục trong gần 70 năm qua, lên tới 70,8 triệu người.

[Mỹ chuẩn bị trục xuất "hàng triệu" người nhập cư trái phép]

Phát biểu tại cuộc họp báo, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi cho biết nếu tình hình chính trị tại Venezuela không được giải quyết, làn sóng người Venezuela chạy ra nước ngoài có thể lên tới 5 triệu người tính đến cuối năm nay.

Người Venezuela chủ yếu tới các nước như Colombia, Peru và Ecuado, trở thành làn sóng di cư ra nước ngoài lớn thứ hai sau làn sóng người Syria sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Grandi nhấn mạnh thực tế rằng phần lớn người tị nạn hay di cư chạy sang nước láng giềng và điều đó có nghĩa là phần lớn họ đang tị nạn tại những nước nghèo hoặc những nước có mức thu nhập trung bình.

Theo báo cáo, với 254.3000 đơn xin tị nạn trong năm 2018, Mỹ là nước tiếp nhận số đơn tị nạn nhiều nhất thế giới.

Tuy nhiên, ông Grandi cho biết nước này vẫn còn chưa xử lý 800.000 đơn xin tị nạn còn tồn đọng.

UNHCR hiện đang hỗ trợ Mexico đẩy nhanh giải quyết các trường hợp xin tị nạn.

Trong khi đó, tại châu Âu, vấn đề người di cư đã bị chính trị hóa, khiến một số chính phủ không dám cam kết tiếp nhận người di cư gặp nạn trên biển trong hành trình chạy khỏi Libya hoặc các khu vực xung đột khác.

Báo cáo của Liên hợp quốc cho biết hơn 2/3 số người tị nạn trên thế giới từ 5 nước gồm Syria, Afghanistan, Nam Sudan, Myanmar và Somalia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục