Phụ nữ - 'Vũ khí' bí mật của các tổ chức khủng bố

Phân tích của Viện Các cơ quan thống nhất hoàng gia Anh (RUSI) cho thấy 17% tân binh cực đoan ở châu Phi là phụ nữ, trong khi nghiên cứu riêng biệt chỉ ra 13% tân binh IS ở Iraq và Syria là nữ.
Phụ nữ - 'Vũ khí' bí mật của các tổ chức khủng bố ảnh 1Shamima Begum được mô tả là 'cô gái quảng cáo' cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. (Nguồn: standard.co.uk)

Trang mạng bbc.com ngày 17/4 có bài phân tích về vai trò của phụ nữ trong các tổ chức cực đoan bạo lực hiện nay, nội dung như sau: Khi phụ nữ xuất hiện trên tin tức liên quan đến khủng bố, nội dung chính thường tập trung vào vai trò của phụ nữ là nạn nhân hoặc đồng minh tiềm năng trong việc chống lại các mối đe dọa. Ngược lại, vai trò của phụ nữ tham gia và ủng hộ chủ nghĩa cực đoan đôi khi bị bỏ qua.

Thực tế này đã thay đổi khi quan sát trường hợp của Shamima Begum được mô tả là “cô gái quảng cáo” cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Bốn năm trước, Begum rời Anh cùng hai người bạn để gia nhập IS, nhưng sau đó khi rời bỏ IS, Begum tuyên bố cô “chỉ là người nội trợ.” Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ Anh đã ra quyết định tước quyền công dân Vương quốc Anh của Begum và khẳng định: “Nếu bạn ủng hộ khủng bố, bạn phải gánh chịu hậu quả.”

Begum vẫn còn khả năng ngỏ để được hỗ trợ pháp lý nhằm kháng nghị quyết định đó. Trường hợp của Begum đã đặt ra một số câu hỏi về sự tham gia tích cực và tự nguyện của phụ nữ vào chủ nghĩa cực đoan bạo lực cả ở IS và các nhóm khác.

Phân tích của Viện Các cơ quan thống nhất hoàng gia Anh (RUSI) - cơ quan nghiên cứu độc lập chuyên về quốc phòng, an ninh - cho thấy 17% tân binh cực đoan ở châu Phi là phụ nữ, trong khi nghiên cứu riêng biệt chỉ ra 13% tân binh IS ở Iraq và Syria là nữ.

Các số liệu đó còn nhiều điểm chưa thống nhất và thực tế có thể cao hơn nhiều. Một số nghiên cứu do RUSI hỗ trợ và những nghiên cứu khác đã đánh giá vai trò của phụ nữ trong các tổ chức khủng bố như IS và al-Shabab - một trong những nhóm chiến binh nguy hiểm nhất ở châu Phi.

[Anh sẽ tước quyền công dân của một đối tượng từng tham gia IS]

Các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn những phụ nữ tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các hoạt động của al-Shabab để tìm hiểu cách thức tổ chức khủng bố này tuyển mộ thành viên nữ và tác động của việc tham gia hoạt động cực đoan bạo lực đối với phụ nữ.

Các học giả Kenya với kinh nghiệm và mạng lưới lâu năm trong các cộng đồng có thể hỗ trợ nhận biết các nguy cơ cực đoan hóa đã thực hiện quá trình điều tra trên. Ở các nhóm khủng bố, phụ nữ có vai trò khác nhau.

Ở al-Shabab, phụ nữ thường đảm nhận những vị trí được coi là mang tính truyền thống hơn, như vợ của các tay súng và đảm nhận việc nội trợ, đôi khi họ còn phải làm nô lệ tình dục. Số phụ nữ này cũng có thể trợ giúp tuyển mộ thành viên mới.

Nghiên cứu ở Kenya cho thấy phụ nữ bị dụ dỗ tham gia al-Shabab bởi những lời hứa cung cấp việc làm, hỗ trợ tài chính và tư vấn. Ví dụ, cô thợ may Hidaya (tên thật được thay đổi) được một khách hàng tuyển dụng với đề nghị giúp đỡ đầu tư và mở rộng kinh doanh.

Theo thỏa thuận, cô đi đến một vùng biên giới và bị bắt, trở thành nạn nhân của vụ buôn bán người và đưa vào Somalia. Ở IS, phụ nữ thường đảm nhận vai trò tuyển dụng, nhất là trực tuyến và đóng vai trò tích cực trong việc gây dựng niềm tin về IS.

Việc tuyển dụng thành công Begum có thể được coi là một chiến thắng về tuyên truyền của IS cho dù Begum cho rằng cô hầu như không đảm nhận vai trò gì tại Syria ngoài việc chăm sóc chồng và con.

Thành viên nữ của IS cũng được phép làm bác sĩ và nhân viên y tế với một số hạn chế nhất định, đồng thời nhóm này có lực lượng cảnh sát toàn nữ với nhiệm vụ giám sát về đạo đức.

Gần đây, khi IS bị đẩy lui ở Iraq và Syria, tổ chức này đã đưa phụ nữ vào các vị trí tiền tuyến, sử dụng tờ báo al-Naba để kêu gọi phụ nữ tham gia thánh chiến và năm 2018 đã phát tán đoạn video cho thấy một số phụ nữ đã tham chiến ở Syria.

Tuy nhiên, sự khác biệt về vai trò của phụ nữ ở các nhóm khủng bố ngày càng mờ nhạt hơn khi các tổ chức này thường bắt chước chiến thuật của nhau. Ở Somalia, al-Shabab đang cố gắng thành lập một nhà nước Hồi giáo do luật Sharia (luật Hồi giáo) cai trị, một số phụ nữ đã tham chiến hoặc thực hiện các vụ tấn công liều chết.

Phân tích các vụ tấn công liều chết của al-Shabab từ năm 2007 đến năm 2016 cho thấy 5% số vụ do phụ nữ thực hiện. Tương tự, ở các khu vực khác của châu Phi, chẳng hạn như Nigeria, nhóm khủng bố Boko Haram cũng đã sử dụng phụ nữ để đánh bom tự sát. Có một số yếu tố thúc đẩy việc tuyển dụng phụ nữ vào các nhóm này.

Ở mức độ nào đó, dường như động cơ thúc đẩy nam giới tham gia các nhóm khủng bố cũng xuất hiện ở phụ nữ, chẳng hạn như ý thức hệ và lợi ích tài chính. Tuy nhiên, các chiến thuật tuyển dụng phụ nữ của các tổ chức khủng bố cũng có những nét riêng, chẳng hạn như sự kêu gọi phụ nữ trở lại vai trò giới truyền thống.

Một trong những nghiên cứu của RUSI cho thấy những người phụ trách tuyển dụng của al-Shabab đã phát hiện điểm bất an của một số phụ nữ Hồi giáo trẻ vốn lo sợ rằng giáo dục đại học sẽ làm trì hoãn triển vọng hôn nhân của họ.

Một sinh viên Đại học Nairobi cho các nhà nghiên cứu biết: “Nếu tôi có được một người đàn ông sẽ cưới và bảo vệ, tại sao tôi phải căng thẳng với việc học hành hay giáo dục?”

Một số phụ nữ khác dường như bị thu hút bởi những lời hứa về việc làm, tiền bạc và các cơ hội khác. Tuy nhiên, việc lý giải động cơ tham gia các nhóm khủng bố của phụ nữ là tương đối khó. Nhiều phụ nữ được phỏng vấn tuyên bố rằng việc tham gia các nhóm khủng bố trái với ý muốn của họ.

Giống như Begum, một số phụ nữ cho rằng họ không tích cực tham gia các hoạt động của các nhóm cực đoan hoặc số khác khẳng định họ không tự nguyện gia nhập các tổ chức này.

Một số phụ nữ cho rằng họ là nạn nhân của các tổ chức khủng bố. Ngoài một số trường hợp dường như bị bị ép buộc tham gia các nhóm cực đoan bạo lực dưới hình thức nào đó, số còn lại sử dụng biện pháp từ chối trách nhiệm như một cách hữu ích để cố gắng tái hòa nhập cộng đồng.

Có nhiều phương pháp để tái hòa nhập cộng đồng các tay súng đã và đang từ bỏ các nhóm khủng bố nhưng hầu như chưa thấy biện pháp nào được đưa ra áp dụng đối với phụ nữ từng gia nhập các nhóm cực đoan bạo lực.

Khi đưa ra các chiến lược phòng ngừa, phục hồi và tái hòa nhập phụ nữ từng tham gia các tổ chức cực đoan, các nhà hoạch định chính sách và các cơ quan thực thi pháp luật cần phải xem xét các vấn đề cụ thể mà những phụ nữ này phải đối mặt khi rời tổ chức.

Ví dụ, nhiều người sẽ có con với các tay súng đã chết hoặc vắng mặt, trong khi những người khác cần tư vấn về khủng hoảng do bị hãm hiếp và tấn công tình dục./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục