Sự độc quyền đất hiếm - 'thanh bảo kiếm' của Trung Quốc

Trên thực tế, 96% sản lượng kim loại đất hiếm trên toàn cầu là từ Trung Quốc và đến năm 2017, Trung Quốc đã kiểm soát nốt 4% còn lại sau khi mua mỏ đất hiếm Molycorp ở vùng Mountain Pass của Mỹ.
Sự độc quyền đất hiếm - 'thanh bảo kiếm' của Trung Quốc ảnh 1Đất hiếm chuẩn bị xuất khẩu sang Nhật Bản tại cảng Lianyungang, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc ngày 5/9/2010. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung còn chưa tới hồi kết và hiện tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, giới truyền thông Mỹ đã cảnh báo rằng những quan chức đại diện cho phía Mỹ tham gia thảo luận hình như không để ý tới tầm ảnh hưởng bao trùm của Trung Quốc đối với kim loại đất hiếm - loại nguyên liệu thô thiết yếu đối với an ninh và phát triển của cả hai nước.

Kim loại đất hiếm là nguyên liệu cần thiết để sản xuất hầu hết các thiết bị công nghệ. Người ta không thể sản xuất được ôtô nếu không có cerium cũng như không thể sản xuất điện thoại thông minh nếu không có europium và không chế tạo được tên lửa có điều khiển nếu không có neodymium.

Trung Quốc hiện kiểm soát nguồn cung của tất cả 16 loại kim loại đất hiếm có tầm quan trọng chiến lược. Trên thực tế, 96% sản lượng kim loại đất hiếm trên toàn cầu là từ Trung Quốc và đến năm 2017, Trung Quốc đã kiểm soát nốt 4% còn lại sau khi mua mỏ đất hiếm Molycorp ở vùng Mountain Pass thuộc bang California gần bang Nevada của Mỹ.

Theo tờ Wall Street Journal, nội dung đàm phán thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc không hề thảo luận gì về giá cả và sản lượng các kim loại đất hiếm trong tương lai sẽ được cung cấp như thế nào.

Trong khi đó, Trung Quốc đã sử dụng khả năng độc quyền đất hiếm của họ làm “thanh bảo kiếm” trong cả kinh tế lẫn chiến lược. Năm 2010, Trung Quốc ngừng cung cấp đất hiếm cho Nhật Bản sau khi hai bên xảy ra tranh chấp quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) ở Biển Hoa Đông. Nhật Bản lập tức phải xuống thang khi nhận thấy khả năng nền kinh tế của họ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu không có nguồn cung đất hiếm dù chỉ trong một thời gian ngắn.

[Video] Mỏ đất hiếm cực lớn "hiện ra" ở ngoài khơi Nhật Bản

Gần đây, Trung Quốc đã thiết lập một chiến lược giá cả khá thông minh để những kim loại đất hiếm khi bán ở Trung Quốc rẻ hơn rất nhiều khi bán ở nước ngoài. Vì vậy, các công ty Mỹ, Nhật Bản, châu Âu đều phải chuyển nhà xưởng sản xuất tới Trung Quốc và chuyển giao các công nghệ có giá trị cho các công ty Trung Quốc nhằm mục tiêu mua được đất hiếm với giá rẻ hơn. Tuy nhiên, cơ chế giá bán như vậy của Trung Quốc bị Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) buộc dừng lại hồi năm 2014 dù Trung Quốc đã đệ đơn khiếu kiện để phản đối.

Tờ Nhật báo Phố Wall bình luận rằng các đại diện của Mỹ tham gia đàm phán thương mại với Trung Quốc không nhận ra vấn đề kim loại đất hiếm vì cơ chế kiểm soát của WTO hiện đang áp dụng khiến các nước không thấy được nguy cơ tiềm ẩn từ Trung Quốc.

Trong khi đó, Bắc Kinh đang tự thiết lập một cơ chế đa quốc gia riêng thay thế cho cơ chế WTO thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của họ.

Đến thời điểm thích hợp, Trung Quốc chỉ việc rời bỏ WTO để “chơi riêng” ở “sân chơi” do họ lập nên và có thể hoàn toàn tự do làm điều mà họ muốn. Đó là dùng quyền kiểm soát đất hiếm để ép các công ty phải đặt nhà máy ở Trung Quốc.

Nếu Mỹ rút khỏi WTO trước thì tình hình sẽ còn tệ hơn. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần đe dọa sẽ sớm làm như vậy. Trong trường hợp đó, chỉ có nền kinh tế Mỹ bị nằm ngoài chuỗi cung toàn cầu của Trung Quốc. Lúc đó, Trung Quốc chỉ cần cắt cung đất hiếm cho Mỹ như Trung Quốc đã từng làm với Nhật Bản là đạt được được những gì họ muốn.

Chính vì vậy, thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung phải bao gồm những điều khoản yêu cầu Trung Quốc đảm bảo cung cấp đất hiếm với giá cả trong và ngoài Trung Quốc như nhau và việc đó phải được thực thi nghiêm túc cùng với những cơ chế minh bạch. Nếu không làm như vậy, Trung Quốc chỉ cần rời bỏ WTO là đã có thể chặn đứng sự phát triển của ngành công nghiệp chế tạo của Mỹ, sẽ có lợi thế rõ rệt trong tất cả các cuộc xung đột thương mại trong tương lai. Thậm chí, về lâu về dài, Trung Quốc sẽ có lợi thế quân sự chiến lược mang tính chất quyết định đối với Mỹ.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bùng nổ từ giữa năm 2018, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã liên tiếp đáp trả nhau bằng các mức thuế quan mới. Đến nay, tổng lượng hàng hóa bị đánh thuế cao hơn của hai nước đã lên tới hơn 360 tỷ USD.

Mỹ muốn duy trì các mức thuế bổ sung đang được áp dụng với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi Bắc Kinh thực thi các cam kết một cách đều đặn, trong khi Trung Quốc kêu gọi Mỹ dỡ bỏ lập tức các mức thuế bổ sung trên sau khi một thỏa thuận thương mại song phương được ký kết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục