Cấp thiết bị dạy học không đúng nhu cầu của nhà trường ở Ninh Thuận

Đề xuất đầu tư, mua sắm trang thiết bị dạy học mà không thông qua lãnh đạo cơ quan, phòng thẩm định chuyên môn rồi tự bàn giao cho trường, trong khi nhà trường lại không có nhu cầu sử dụng. Đó là bất cập xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận.

Chú thích ảnh
Trang thiết bị trường học cấp cho Trường THPT Tôn Đức Thắng, trong đó có một số thiết bị trường không có nhu cầu sử dụng. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Cụ thể, ngày 9/1/2019, ông Hoàng Văn Tý, Hiệu trưởng Trường trường Trung học Phổ thông Tôn Đức Thắng, ở xã Tân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, đã ký văn bản số166/BC – TĐT gửi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận báo cáo về việc một số trang thiết bị phục vụ cho học tập, nghiên cứu của học sinh được cấp mới nhưng trường không có nhu cầu sử dụng.

Các thiết bị trường học mà Trường Trung học Phổ thông Tôn Đức Thắng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận thu hồi bao gồm: một bộ Pipetman, một bộ Khuôn điện di (môn sinh học); sáu bộ máy Rumcoop, ba bộ cơ học chất lưu, hai bộ dụng cụ thí nghiệm tĩnh học trên bảng từ (môn vật lý), một tủ sấy tự động, một máy li tâm tám ống (môn hóa học).

Hiệu trưởng Hoàng Văn Tý cho biết, trong năm 2015 Trường Trung học Phổ thông Tôn Đức Thắng đã có báo cáo số 187/BC - TĐT ngày 8/9/2015 gửi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận về việc rà soát, đề xuất đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó, trường đề xuất cấp trang thiết bị dạy học tối thiểu đối với chương trình sách giáo khoa Ban cơ bản theo Thông tư 01/2010/TT – BGDĐT.

Đến ngày 15/9/2018, Công ty TNHH Thiết bị Giáo dục Hồng Anh (đơn vị hợp đồng cung cấp gói thiết bị dạy học) tiến hành chuyển giao, hướng dẫn sử dụng thiết bị, dụng cụ thí nghiệm cho nhà trường, lúc đó có một số ý kiến của bộ phận chuyên môn cho rằng trong danh mục có một số thiết bị được cấp không phù hợp. Sau một thời gian sử dụng, các tổ, nhóm bộ môn của nhà trường rà soát lại thì thấy những thiết bị trên chỉ dành cho học sinh học Ban nâng cao, trong khi đó học sinh nhà trường vẫn đang học theo Ban cơ bản nên không có nhu cầu sử dụng.

Về việc cấp trang thiết bị dạy học, Hiệu trưởng Hoàng Văn Tý thông tin thêm, gói mua sắm trang thiết bị trường học dành cho Trường Trung học Phổ thông Tôn Đức Thắng bao nhiêu tiền thì đến thời điểm này trường cũng không nắm được. Trước đó, lúc ký biên bản bàn giao nghiệm thu, bộ phận thư ký đề nghị các đơn vị sử dụng, đơn vị cung cấp, đơn vị nghiệm thu thiết bị ký trước còn đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Thuận sẽ ký vào biên bản sau cùng và gửi lại cho các đơn vị, nhưng đến nay nhà trường vẫn chưa nhận được.

Trong khi nhiều trường học trên địa bàn Ninh Thuận vẫn còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy dọc cần được ưu tiên đầu tư thì Trường Trung học Phổ thông Tôn Đức Thắng lại trả lại trang thiết bị dạy học. Điều này không những gây lãng phí mà còn làm ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư cho giáo dục, trong khi đó Ninh Thuận vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn.

Phóng viên TTXVN đã liên hệ với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Bá Ninh. Ông cho biết: "Việc mua sắm trang thiết bị dạy học tại Trường Trung học Phổ thông Tôn Đức Thắng do Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Bá Phương trực tiếp làm mà không báo cáo với lãnh đạo đơn vị. Theo nguyên tắc, mua sắm trang thiết bị trường học phải do nhà trường đề xuất và Phòng Trung học phải có ý kiến về các thiết bị đó. Nhưng theo thông tin tôi được biết và kiểm tra thì Phòng Trung học cũng không nắm được về việc mua sắm trang thiết bị dạy học của Trường Trung học Phổ thông Tôn Đức Thắng. Vụ việc này tôi sẽ cho kiểm tra và xử lý".

Tuy nhiên, theo ông Lê Bá Phương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận, đối với trường hợp nhà trường có nhu cầu mua sắm trang thiết bị thường xuyên phải có đề xuất gửi lên Sở, sau đó Sở giải quyết việc mua sắm theo trình tự. Riêng đối với trường hợp của Trường Trung học Phổ thông Tôn Đức Thắng thì có dự án đầu tư xây dựng một số hạng mục công trình, trong đó có việc đầu tư trang thiết bị trường học với tổng nguồn vốn đầu tư dự án trên 2 tỷ đồng từ nguồn vốn của UBND tỉnh và Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) tài trợ nên được bổ sung riêng một số thiết bị.

Cũng theo ông Lê Bá Phương, việc đầu tư trang thiết bị cho trường để từng bước phục vụ học sinh nghiên cứu, vì học sinh giỏi ở tất cả các trường đều có nhu cầu sử dụng thiết bị nghiên cứu chứ không chỉ ở trường chuyên. Sở đang yêu các đơn vị rà soát những thiết bị dạy học không phù hợp với nhu cầu và báo cáo về Sở để điều tiết cho các trường khác.

Tin, ảnh: Nguyễn Thành (TTXVN)
Gấp rút chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới
Gấp rút chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới

Theo báo cáo của các địa phương, để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, vẫn còn rất nhiều công việc phải gấp rút chuẩn bị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN