‘Ông lớn’ ngành hàng hải đã giảm nợ, lỗ để hồi sinh vươn khơi ra sao?

Vinalines "hồi sinh", thoát nợ, thoát lỗ cùng với nguồn lực cơ sở hạ tầng sẽ là nền tảng, tạo đà đưa “ông lớn” ngành hàng hải tiếp tục hành trình "vươn khơi".
‘Ông lớn’ ngành hàng hải đã giảm nợ, lỗ để hồi sinh vươn khơi ra sao? ảnh 1Cảng biển vẫn là át chủ bài và là “mỏ vàng” của Vinalines. (Nguồn ảnh: vinalineslogistics.com.vn)

Với việc thực hiện các giải pháp trong tái cơ cấu tài chính, xử lý tài sản, kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí, tập trung phát triển mạng lưới khách hàng, dịch vụ đa dạng, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) khẳng định, Vinalines "hồi sinh", thoát nợ, thoát lỗ cùng với nguồn lực cơ sở hạ tầng sẽ là nền tảng, tạo đà đưa “ông lớn” ngành hàng hải tiếp tục hành trình "vươn khơi" để trong tương lai không xa, Vinalines sẽ dần chiếm lĩnh thị phần trong nước và thế giới.

Ngoạn mục giảm lỗ 80%

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Vinalines vào chiều 15/1, theo ông Tĩnh, năm 2018, sản lượng vận tải biển đạt 26,7 triệu tấn (tăng 24,5% so với kế hoạch), sản lượng hàng thông qua cảng đạt 96,6 triệu tấn (tăng 9,4% so với năm 2017). Tổng doanh thu đạt 13.997 tỷ đồng (tăng 2,6% so với kế hoạch), tổng lợi nhuận đạt 365 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận khối cảng biển là 1.022 tỷ đồng, khối dịch vụ hàng hải 83 tỷ đồng và khối vận tải biển giảm lỗ 209 tỷ đồng (giảm lỗ trên 80% so với kế hoạch).

[Con tàu Vinalines: Hồi sinh từ ‘bùn lầy’ để vươn mình ra khơi]

Chỉ ra điểm sáng khối vận tải biển giảm lỗ 80%, ông Tĩnh cho rằng, kết quả đạt được chính là từ sự thuận lợi của thị trường tàu hàng khô có sự tăng trưởng, công tác bán tài sản không hiệu quả đã giảm lỗ cho doanh nghiệp, thực hiện khai thác dưới hình thức thuê tàu ngoài đạt hiệu quả, tổ chức các hoạt động mua chung cho toàn bộ đội tàu nhằm tiết giảm chi phí, ban hành định mức nhiên liệu và kiểm soát tình hình sử dụng vật tư, nhiên liệu để kịp thời điều chỉnh theo kế hoạch.

Thừa nhận trong thực trạng chung của ngành vận tải biển thế giới gặp nhiều khó khăn do suy thoái, vị quyền Tổng giám đốc Vinalines đánh giá với thực trạng riêng của đội tàu Vinalines sẽ gặp những bất lợi khi giá trị đầu tư, chi phí khấu hao và tài chính lớn; tuổi tàu cao, sức cạnh tranh hạn chế, đội tàu phần lớn thuộc các cỡ tàu chưa tham gia được sâu, rộng vào thị trường có hiệu quả cao; nguồn nhân lực sỹ quan thuyền viên có nhất lượng đang thiếu hụt do bị thu hút bởi các công ty tư nhân và nước ngoài có mức lương cao hơn; áp lực chênh lệch tỷ giá do điều chỉnh lãi suất và chi phí nhiên liệu tăng cao.

Đặc biệt, thị trường vận tải biển container gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2018. Các hãng tàu container liên tục đầu tư các tàu có tính năng tối ưu và đưa vào khai thác đã làm cho nguồn cung chỗ trên thị trường dư thừa, giá thành giảm, giá cước giảm; xu hướng đặt đóng tàu cỡ lớn và vận chuyển hàng lạnh đang có diễn biến gia tăng.

“Thị trường vận tải tàu container nội địa trong năm 2018 có sự cạnh tranh gay gắt, trong đó tuyến vận tải Thành phố Hồ Chí Minh-Hải Phòng là nơi diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt nhất khi hiện có khoảng 40 tàu chuyên dụng và bán chuyên dụng tham gia thị trường,” ông Tĩnh thừa nhận thử thách về vận tải hàng container của Vinalines.

Đưa ra mục tiêu sản xuất kinh doanh của năm 2019, Vinalines phấn đấu đạt doanh thu 12.714 tỷ đồng, lợi nhuận 711 tỷ đồng, sản lượng vận tải biển 17,6 triệu tấn, sản lượng cảng biển 107,8 triệu tấn, hoàn thiện bộ máy tổ chức và quản trị doanh nghiệp dưới mô hình công ty cổ phần, hợp nhất các doanh nghiệp cùng với bộ nhận diện thương hiệu mới.

[Vinalines tham vọng lợi nhuận trước thuế hơn 710 tỷ đồng năm 2019]

Vinalines cũng sẽ tập trung mở rộng thị trường; tiếp tục tái cơ cấu tài chính, xử lý dứt điểm các khoản nợ, tài sản xấu nhằm cắt lỗ tại các doanh nghiệp vận tải biển và nhóm cảng liên doanh; phát triển tối đa dịch vụ tích hợp (cảng-vận tải biển-kho, bãi, trung tâm phân phối...) trên cơ sở tập trung đẩy mạnh và nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống kho, bãi, đội tàu hiện hữu và các cảng nước sâu nhằm cung cấp dịch vụ logistics trọn gói cho khách hàng…

“Át chủ bài” và “mỏ vàng” cảng biển

Đánh giá năm 2018 là năm có nhiều thành tựu đối với ngành hàng hải nói chung, trong đó Vinalines đã có những đóng góp rất quan trọng, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công cho rằng, khối vận tải biển đã giảm được 80% lỗ (còn 209 tỷ) trong khi những năm trước đây là hàng nghìn tỷ đồng, bao nhiêu lợi nhuận của lĩnh vực cảng biển đều “trôi xuống sông, biển” để trang trải bù đắp nợ nần, lỗ của vận tải.

Theo Thứ trưởng, năm 2018, Vinalines đạt được luân chuyển hàng hóa 153 triệu tấn (chiếm khoảng 55,6%) tổng lượng hàng hóa luân chuyển của tất cả các loại hình vận tải trong cả nước, điều đó thể hiện vao trò quan trọng của lĩnh vực hàng hải trong việc giao thương kinh tế cả nước.

"Con số luân chuyển này sẽ giảm áp lực lên giao thông đường bộ, tăng khối lượng vận chuyển qua đường biển, thủy sẽ giảm được chi phí vận tải, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa,” ông Công đánh giá.

‘Ông lớn’ ngành hàng hải đã giảm nợ, lỗ để hồi sinh vươn khơi ra sao? ảnh 2Trao cờ thi đua Chính phủ cho các đơn vị thành viên Vinalines đã có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh. (Ảnh: Thủy Tiên)

Khẳng định cảng biển đóng vai trò “mỏ vàng” của Vinalines, Thứ trưởng yêu cầu Tổng công ty phải có các giải pháp để tăng doanh thu, lợi nhuận, đây là điều hoàn toàn có cơ sở. Sau cổ phần hóa, Vinalines phải phát huy thế mạnh để có lợi nhuận cao, phải được 60-70% so với công ty tư nhân, khai thác tối đa tính ưu việt của Công ty cổ phần.

[Bộ trưởng Giao thông: ‘Con tàu Vinalines đã vượt qua được sóng lớn’]

“Những năm trước đây giá dịch vụ cảng biển xuống thấp thì người hưởng lợi không phải là người dân Việt mà là các doanh nghiệp nước ngoài. Bộ Giao thông Vận tải đã xem xét và ban hành Thông tư số 54/2018/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019 về giá dịch vụ cảng biển chỉ tăng 10-15% nhưng chắc chắn tác động đến doanh thu và lợi nhuận. Trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng giá cảng biển lên ít nhất bằng Caphuchia (60-70 USD trong khi Việt Nam chỉ là 30 USD) đây là sự cạnh tranh không lành mạnh của nước ta mới dẫn đến giá thấp,” Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ngoài các cảng đang khai thác, Vinalines cần khẩn trương hoàn thiện thủ tục để đầu tư bến cảng số 3, 4 cảng Lạch Huyện để nâng cao năng lực. Tại Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương đầu tư hạ tầng công cộng ở Liên Chiểu để xây dựng các bến, cầu cảng mới, chuyển công năng của Tiên Sa 1, Tiên Sa 2. Vinalines phải đi trước đón đầu, xin đầu tư hai bến khởi động ở Liên Chiểu để sau này, việc chuyển hoạt động bốc xếp hàng hóa từ ở Tiên Sa được thuận lợi.

Ghi nhận và biểu dương những nỗ lực mà Vinalines đã thực hiện để vượt qua khó khăn trong thời gian qua, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn tại doanh nghiệp đề nghị Vinalines cần vận dụng các cơ chế chính sách để xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh tốt hơn, báo cáo Ủy ban xem xét trước khi trình đại hội cổ đông sắp tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục