Phát triển thể thao học đường tại TP Hồ Chí Minh - Bài 1: Từng bước tháo gỡ khó khăn

Thể thao học đường được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mỗi năm học của ngành Giáo dục và ngành Văn hóa - Thể thao TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, công tác này hiện vẫn tồn tại nhiều hạn chế, khiến các mục tiêu đề ra chưa đạt được như kỳ vọng.

 

Chú thích ảnh
Câu lạc bộ bóng rổ tại Trường trung học phổ thông Nguyễn Du (quận 10). Ảnh: Xuân Dự/TTXVN

Nhiều trở ngại trong thực hiện

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều năm qua, hai ngành Giáo dục và Văn hóa - Thể thao thành phố đã phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy phong trào thể dục thể thao phát triển mạnh mẽ trong trường học. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, khiến mục tiêu giáo dục thể thao học đường chưa đạt được như mong muốn.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, công tác thể thao học đường đã có sự đầu tư và phát triển trong song vẫn còn nhiều khó khăn, quy định chưa cụ thể khiến mục tiêu giáo dục thể thao học đường chưa đạt được như mong muốn, khó đạt được chỉ tiêu mỗi học sinh phải biết chơi ít nhất một môn thể thao.

Ở góc độ chuyên môn, ông Đoàn Minh Xương, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Trung ương 2 nhận định, công tác thể thao học đường hiện mới chỉ chú trọng vào các giải thi đấu, chưa chú trọng giáo dục thông qua các hoạt động luyện tập thường xuyên trong nhà trường.

Mặt khác, công tác này còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất dẫn đến hạn chế, khó thu hút học sinh tham gia các hoạt động thể dục thể thao. Dẫn chứng cụ thể, toàn thành phố chỉ có 30/184 trường Tiểu học tham gia chương trình “Bóng đá học đường” có cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu luyện tập của các em. Nhiều quận huyện thiếu giáo viên thể dục, buộc phải kiêm nhiệm.

Về cơ sở vật chất phục vụ phát triển thể thao học đường, ông Trần Minh Ngôn, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 4 chia sẻ, do thiếu cơ sở vật chất, đa số các trường triển khai theo hình thức câu lạc bộ ngoại khóa hoặc phối hợp với Trung tâm Thể dục Thể thao của quận để học sinh tham gia hoạt động luyện tập ngoài giờ. Ngoài ra, vì thiếu biên chế giáo viên trong môn thể dục, một số trường phải thực hiện hợp đồng thỉnh giảng huấn luyện viên từ trung tâm về trường dạy thể dục cho học sinh.

Nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn cho rằng, công tác thể thao học đường còn thiếu tính xuyên suốt. Ở bậc Mầm non nhiều năm trước, hoạt động này được thúc đẩy mạnh mẽ, song thời gian gần đây có phần giảm sút, khiến việc xuyên suốt lên các bậc học cao hơn bị ảnh hưởng.

Thúc đẩy thể thao trong trường học

Chú thích ảnh
Hoạt động của câu lạc bộ bóng đá giúp cho đội bóng Trường trung học phổ thông Nguyễn Du đạt nhiều giải cấp quận và thành phố. Ảnh: Xuân Dự/TTXVN

Để thúc đẩy hoạt động thể thao học đường, việc nâng cao nhận thức của cả nhà trường, phụ huynh và học sinh về tầm quan trọng của hoạt động này là rất quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, phát triển thể thao học đường cần có vai trò tổ chức của các trường và sự phối hợp chặt chẽ từ phụ huynh.

Các trường cần tuyên truyền cho học sinh và phụ huynh về tầm quan trọng của việc tập luyện thể dục thể thao, nâng cao thể lực, tăng cường sức khỏe, hỗ trợ việc học tập văn hóa được thuận lợi, cần chủ động tham gia một cách tích cực thay vì tham gia với mục đích cộng điểm khuyến khích. Dựa vào thể lực, năng khiếu từng học sinh, nhà trường tư vấn cho học sinh lựa chọn ít nhất một môn thể thao phù hợp để phát triển.

Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đề nghị các trường học tổ chức đa dạng các hoạt động, câu lạc bộ thể thao trường học và khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động thể thao ngoại khóa; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động thể dục thể thao dành cho trẻ mầm non.

Cùng với các hoạt động thường xuyên trong trường học, các trường xây dựng kế hoạch tổ chức các giải thể dục thể thao cấp cơ sở nhằm tuyển chọn và có kế hoạch bồi dưỡng cho học sinh có năng khiếu, tạo điều kiện thuận lợi cho các em tham gia thi đấu các giải cấp cao hơn.

Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du (Quận 10) là một trong những đơn vị có phong trào thể thao học đường phát triển mạnh với nhiều câu lạc bộ, môn thể thao được tổ chức hoạt động sôi nổi.

Ông Nguyễn Sơn Vũ, giáo viên thể dục, quản lý các Câu lạc bộ thể thao của trường cho biết, trên cơ sở khảo sát nguyện vọng của học sinh, nhà trường thành lập 4 câu lạc bộ gồm: bóng bàn, bóng đá, bóng rổ và Judo. Các câu lạc bộ này do các giáo viên thể dục phụ trách. Riêng môn bóng rổ, trường mời thêm huấn luyện viên để hỗ trợ học sinh tập luyện.

Một trong những thành viên năng động của Câu lạc bộ bóng rổ Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du, em Nguyễn Tường Nhân, học sinh lớp 12 chia sẻ, đến Câu lạc bộ em được thỏa niềm đam mê với bộ môn bóng rổ.

Không những được giao lưu cùng bạn bè, chơi bóng rổ còn giúp em phát triển chiều cao, thể lực; đặc biệt bộ môn này giúp em rèn luyện được nhiều kỹ năng tốt, bản thân nhanh nhẹn, linh hoạt hơn, phát triển khả năng phối hợp với đồng đội.

Theo lãnh đạo nhà trường, các Câu lạc bộ sinh hoạt vào chiều thứ 3, 5, 7 với khoảng hơn 100 thành viên. Thông qua hoạt động của các câu lạc bộ này, phong trào thể thao của trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du phát triển mạnh, thường xuyên tham gia các giải thể thao học sinh cấp thành phố cũng như Hội khỏe Phù Đổng các cấp và giành được một số giải thưởng. Điều quan trọng nhất là các hoạt động này giúp học sinh rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể chất, cân bằng việc học và thể thao, giải trí.

 Bài 2: Từ phong trào đến chuyên nghiệp

Thu Hoài - Xuân Dự (TTXVN)
Hà Nội gấp rút chuẩn bị các điều kiện để triển khai Đề án sữa học đường
Hà Nội gấp rút chuẩn bị các điều kiện để triển khai Đề án sữa học đường

Trên cơ sở kết quả lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, đơn vị liên quan thực hiện các nội dung Đề án, Chương trình sữa học đường giai đoạn 2018-2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN