Ứng xử thế nào với kinh tế phi chính thức ở Việt Nam?

13:31' - 13/12/2018
BNEWS Số liệu về quy mô của khu vực kinh tế phi chính thức còn khác nhau, nhưng không thể phủ nhận hoạt động kinh tế phi chính thức của Việt Nam đang diễn ra rất phức tạp.
Hội thảo “Nhận diện kinh tế phi chính thức ở Việt Nam và những khuyến nghị chính sách". Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Ngày 13/12, Hội thảo “Nhận diện kinh tế phi chính thức ở Việt Nam và những khuyến nghị chính sách" do trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã được tổ chức tại Hà Nội nhằm tìm kiếm những ý tưởng, kiến nghị của các nhà khoa học, nhà quản lý, đồng thời làm rõ hơn vị trí, vai trò cũng như tầm quan trọng của khu vực kinh tế phi chính thức, từ đó đưa ra cách ứng xử hợp lý đối với khu vực kinh tế này.

Theo GS.TS Nguyễn Công Nghiệp, bất kỳ quốc gia nào cũng luôn tồn tại hai nền kinh tế, một nền kinh tế chính thức thống kê được, tổng hợp, kiểm soát được và một nền kinh tế không chính thức, không thống kê được, không tổng hợp được và không kiểm soát được. Nó như cái bóng của nền kinh tế chính thức, hoặc ẩn sau nền kinh tế chính thức.

Mặc dù kinh tế phi chính thức tồn tại ở mọi nền kinh tế, nhưng ở các nước đang phát triển, do hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, hệ thống kiểm tra, giám sát và bộ máy hành chính còn yếu, nên hoạt động của khu vực này diễn ra mạnh.

Trên 50% lực lượng lao động phi nông nghiệp ở phần lớn các nền kinh tế có mức thu nhập thấp và trung bình làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, con số này ở Trung Phi lên đến trên 80%. Khu vực kinh tế phi chính thức chiếm khoảng 30% GDP ở Mỹ la tinh, trên 50% ở Ấn Độ và trên 60% ở vùng Tiểu Sahara châu Phi.

Ở các nước phát triển có quy mô nhỏ hơn cũng có sự chênh lệch khá lớn với nhau. Chẳng hạn ở Mỹ là 5,4%, Thụy Điển là 6% GDP, tuy nhiên ở Tây Ban Nha và Italy con số này lên tới 17,2% và 19,8%.

"Tại Việt Nam, số liệu về quy mô của khu vực kinh tế phi chính thức còn khác nhau, có ý kiến cho rằng con số này dao động từ 20 – 30% GDP trong khi Tổng cục Thống kê chưa đưa ra con số chính thức, nhưng cho rằng quy mô khu vực kinh tế phi chính thức chưa chiếm tới 30% GDP. Dù con số cụ thể là bao nhiêu thì cũng không thể phủ nhận, các hoạt động kinh tế phi chính thức của Việt Nam đang diễn ra rất phức tạp”, GS.TS Nguyễn Công Nghiệp đánh giá.

Theo GS.TS Nguyễn Công Nghiệp, có những ý kiến cho rằng nếu số liệu về kinh tế phi chính thức tính được thì tổng GDP của Việt Nam sẽ tăng lên nhiều, nợ công sẽ có dư địa hơn để đầu tư cho nhu cầu phát triển. Tuy nhiên, cách hiểu này là ngộ nhận và rất sai lầm.

Lý lẽ được ông Nghiệp đưa ra là do khu vực kinh tế phi chính thức là khu vực riêng, tồn tại bên ngoài song song với khu vực kinh tế chính thức, nên không thể lấy chỉ tiêu giá trị tăng thêm của khu vực này gộp vào GDP. Trên thế giới cũng chưa có nước nào đưa các chỉ tiêu tăng thêm của khu vực kinh tế phi chính thức tính gộp vào GDP, trừ khi công nhận những hoạt động kinh tế phi chính thức thành hoạt động chính thức là hoạt động hợp pháp, có đăng ký, nộp thuế.

Phát biểu tại Hội thảo, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, với tổng dân số hơn 90 triệu người, hơn 58 triệu người dùng Internet, hơn 125 triệu thuê bao di động, hơn 3.000 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nhiều doanh nghiệp thành công trong các công ty công nghệ thông tin..., Việt Nam đang được đánh giá là một trong các quốc gia tiềm năng lớn để phát triển nền kinh tế số.

Một số loại hình kinh tế số có thể trở thành một bộ phận mới của mảng kinh tế phi chính thức. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, vị chuyên gia này lo ngại, sự phát triển quá nhanh của công nghệ và sự năng động của nền kinh tế hội nhập sâu vào kinh tế khu vực và thế giới, cũng có thể tạo ra những kẽ hở để một số loại hình kinh tế số có thể trở thành một bộ phận mới của mảng kinh tế phi chính thức. Loại hình kinh tế này đang chiếm tỷ lệ cao về lao động và GDP của nền kinh tế truyền thống, dẫn đến bất công trong xã hội, làm tăng chênh lệnh giàu - nghèo.

Ông Doanh cho rằng, để phát triển nền kinh tế số một cách chính quy, hợp pháp, nhà nước cần xây dựng kịp thời môi trường pháp lý phù hợp cho loại hình này.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, khu vực kinh tế chưa được quan sát tồn tại chủ yếu ở nhóm hoạt động kinh tế ngầm, hoạt động kinh tế bất hợp pháp và hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê.

Nhằm đánh giá, phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn phạm vi kết quả sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế chưa được quan sát, phục vụ việc biên soạn tổng sản phẩm trong nước, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội liên quan đến chuẩn mực, thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, Tổng cục Thống kê đã nghiên cứu, biên soạn Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát.

Dự thảo đang xin ý kiến góp ý của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và sẽ được hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 12/2018.

Bà Hương cho biết, đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát là công việc khó và phức tạp. Do vậy, để triển khai thành công Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành, Tổng cục Thống kê mong muốn nhận được sự phối hợp chặt chẽ hơn từ các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các chuyên gia kinh tế, trường đại học, viện nghiên cứu..../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục